“ Gia Định tam hùng” là danh hiệu người đời dùng để nói về Võ Tánh, Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhơn. Cả 3 người này đều là dũng tướng của Nguyễn Ánh (vua Gia Long).
Võ Tánh (1768-1801) là tướng dũng mãnh bậc nhất của vua Gia Long. Trong cuộc chiến với quân Tây Sơn, khi bị vây chặt ở thành Quy Nhơn, biết khó thoát, Võ Tánh viết thư xin tướng Trần Quang Diệu tha cho binh lính trong thành rồi tự thiêu.
Trước khi về với Nguyễn Ánh, Võ Tánh cùng anh là Võ Nhàn tập hợp lực lượng nổi dậy tại Hóc Môn (TP.HCM), tự xưng là nghĩa quân Kiến Hòa, giương ngọn cờ Khổng Tước Nguyên Võ (Khổng Tước Nguyên là tên chữ của Gò Công), rồi kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công (Tiền Giang).
Sau khi qua đời, Võ Tánh được Trần Quang Diệu mai táng cẩn thận tại thành Đồ Bàn (Bình Định). Sau này, vua Gia Long sai lập mộ nữa cho Võ Tánh ở Gia Định (quận Phú Nhuận – TP.HCM) rồi chôn hình nhân ông bằng sáp. Võ Tánh trở thành danh tướng hiếm hoi của nước ta được xây lăng ở 2 địa điểm khác nhau.
Võ Tánh sinh ra tại huyện Phước An của tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai) ngày nay. Sau này, gia đình ông chuyển lên Bình Dương rồi Gia Định sinh sống. Không chịu thuần phục nhà Tây Sơn từ năm 1783 đến năm 1788, ông cùng anh là Võ Nhàn tập hợp lực lượng nổi dậy tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn).
Sau khi theo phò chúa Nguyễn và lập được nhiều chiến công, Võ Tánh được Nguyễn Ánh gả cho em gái là công chúa Ngọc Du. Năm 1799, Võ Tánh theo Nguyễn Ánh tiến đánh thành Quy Nhơn. Chiếm được thành, chúa Nguyễn đổi tên Quy Nhơn thành Bình Định.
Sau khi qua đời, thương cảm cho Võ tướng quân, dân Bình Định có câu ca: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm”. Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế ở Bình Định, hình tròn trên nấm có đắp hình con dơi.
Hiện nay, con đường mang tên Võ Tánh ở phường 1, thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang, nằm ở khu vục chợ Mỹ Tho. Ngoài ra, đầu ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công (Tiền Giang) có ngôi đền thờ Võ Tánh mang tên Võ Quốc Công Miếu.