Dù sống trong nhung lụa nhưng với chí hướng cao xa, Đặng Đình Tướng đã dùi mài kinh sử và đỗ Hương nguyên ở tuổi 20.
Sống có khí tiết thanh cao, đến khi trí sĩ vẫn được người dân tin cậy mà trao cho những giỏ thư kêu oan.
Dòng dõi trâm anh
Ông là Đặng Đình Tướng – một đại quan vào bậc kỳ cựu, công danh phẩm hạnh hơn cả các quan. Thế nhưng điều khiến cho giới nho học lẫn dân thường lúc bấy giờ kính trọng, nể phục Đặng Đình Tướng là ở khí tiết, một lòng vì dân, không sợ mất đi sự trọng dụng của vua chúa mà kêu oan cho dân.
Đặng Đình Tướng (1649 – 1735) người xã Lương Xá, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam (nay thuộc làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Các nguồn sử liệu đều khẳng định ông là cháu 5 đời của Thái úy – Nghĩa Quốc công Đặng Huấn (hậu duệ Đặng Dung), và là con của Yên Quận công Đặng Tiến Thự (được ban tên là Trịnh Liễu).
Dù sống trong ngọc ngà, nhưng Đặng Đình Tướng luôn nuôi ý chí cao xa, ông miệt mài học chữ, đọc sách thánh hiền, rút ra cho mình những điều hay lẽ phải, rèn giũa những phẩm hạnh của bậc nhà nho chính trực.
Năm 1669, ông đỗ Giải nguyên ở kỳ thi Hương khi vừa tròn 20 tuổi. Năm sau, ông lại đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Ông xếp thứ 7 trong 31 Tiến sĩ trong kỳ đại khoa này.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) do Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm vâng sắc soạn, Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận, có đoạn: “Bấy giờ người dự thi đông đến trên hai ngàn, thải loại dần, đến khi vào tứ trường chỉ còn trên 600 người mà chọn được hạng xuất sắc 31 người…
Loa truyền xướng danh người thi đỗ, cửa Thái học bảng vàng được yết lên. Sĩ tử kéo nhau đến xem, đều bảo: Từ hồi Trung hưng tới nay, mở khoa thi chọn học trò, chưa có khoa nào được nhiều người như thế…”.
Là một người văn võ toàn tài nên Đặng Đình Tướng đã đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình. Năm 1675, ông làm Đốc đồng Kinh Bắc. Năm 1676 làm Hiến sát sứ Sơn Tây. Năm 1682 làm Công khoa Cấp sự trung. Năm 1683 được cử đi sứ nhà Thanh.
Đầu năm 1687 làm Đốc thị đi dẹp giặc ở các đạo Tuyên – Hưng. Sau đó ít lâu lại được cử làm phó sứ trong phái đoàn sang triều cống nhà Thanh.
Năm 1705, chúa Trịnh Căn thấy Đặng Đình Tướng biết việc quân sự, bèn đổi sang làm Đô đốc trấn thủ Sơn Nam. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết: “Ất Dậu, năm thứ 26 tháng Ba nhuận, sai Bồi tụng Đặng Đình Tướng làm Trấn thủ Sơn Nam. Từ khi Đình Kiên mất, đã từ lâu triều đình khó tìm được người thay thế. Chúa Trịnh thấy Đình Tướng là người có tâm cơ, biết việc binh, bèn đổi Tướng từ Tả Thị lang sang Đô đốc, cho ra trấn thủ ở ngoài, ban tước Quận công…”.
Về sau, ông lại được đổi làm Tả Thị lang ở phủ Đô đốc Tây quân, gia thăng Thiếu phó, Tá lý công thần, được mở dinh ở quân Tiền Hòa. Năm 1718, ông được thăng làm Thái phó, tham dự triều chính. Sau đó vì tuổi cao, ông lên làm Quốc lão và nghỉ hưu.
Năm 1730, chúa Trịnh Giang nhớ công lao của ông, mới đặc cách thăng lên làm Ngũ lão, sau đó lại cử ông ra giữ việc ở phủ Đô đốc.
Đặng Đình Tướng dâng lên 8 thiên “Thuật cổ quy huấn”, nói về những điều khuyên răn và xin chúa Trịnh ban cho thế tử. Trịnh Cương khen ngợi ông và thỉnh thoảng mời ông vào phủ bàn việc. Lúc đó ông đã 82 tuổi, được gia phong làm Đại tư mã, rồi về hưu lần thứ hai.
Niềm hy vọng của dân oan
Giai thoại dân gian cũng như một số nguồn sử liệu có chép rằng, Quốc lão Đặng Đình Tướng nghỉ hưu tại quê nhà ở Lương Xá nhưng vào các ngày Rằm và mùng Một hàng tháng, vẫn được mời tới dự họp trong phủ chúa để tham vấn các vấn đề chính sự.
Mỗi lần ông ra Thăng Long, người dân đứng chờ sẵn rất đông ở suốt hai bên đường để lạy chào. Dân oan, quan oan thì chờ để được dâng đơn thư nhờ ông tâu lên triều đình. Vì đông người chờ ông suốt dọc đường nên kiệu của ông di chuyển rất chậm.
Sau, ông cho treo hai giỏ tre ở đầu và cuối đòn kiệu, ai có oan ức gì thì viết đơn bỏ vào đó, kiệu vẫn đi như bình thường. Ra đến Thăng Long là đã chiều tối, ông dành cả đêm ngồi đọc các đơn rồi sắp xếp việc nào vào việc đó, sáng hôm sau tâu lên chúa và đưa cho các bộ phận giải quyết. Nhiều vụ án oan nhờ thế mà được soi xét, nhiều người vì thế mà được giải oan.
Năm 1735 Đặng Đình Tướng qua đời, thọ 87 tuổi. Ông được truy tặng là Đại Tư không, phong Phúc thần. Nhân dân khắp nơi thương tiếc ông, tương truyền những người dân oan từng được giải oan kéo đến rất đông để dự đám tang Đặng Đình Tướng.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú viết: “Ông tuổi trẻ làm quan lên đến chức vị cao sang; trong khoảng ngót 70 năm, từng trải mấy triều, trở nên bậc kì cựu, công danh phẩm vọng hơn cả các quan. Ba con và một cháu của ông đều cưới Quận chúa, một nhà quý thịnh người ta gọi ông là Tiên quốc lão”.
Có thể nói, Đặng Đình Tướng trong khoảng gần 70 năm làm quan dưới triều Lê – Trịnh được sử gia các triều đại phong kiến đánh giá cao. Không chỉ là một vị danh thần văn võ song toàn, được chúa tin dùng và có nhiều công lao, ông còn là một vị danh nho chính trực, giản dị, có tấm lòng khoan thứ thương dân.
Tác gia thế kỷ 18
Tiến sĩ Đặng Đình Tướng cũng được đánh giá là người hay chữ, một tác gia có tiếng ở thế kỷ 18, để lại nhiều di văn hiện còn tồn tại đến đến ngày nay. Ngoài bộ “Chúc Ông phụng sứ tập”, “Thuật cổ quy huấn” và cuốn gia phả “Đặng tộc đại tông phả” được chính ông viết tiếp vào năm 1686…
Đặc biệt vào tháng 4/2020 trong quá trình nghiên cứu hệ thống văn bia trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, giới chuyên gia tình cờ phát hiện ra tấm bia “Phụng sự bi kí” (Bia ghi chép việc phụng thờ) do chính Tiến sĩ Đặng Đình Tướng là người soạn nội dung.
Tấm bia hình trụ tứ diện được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, kích thước khá lớn cao 175cm, rộng 64cm, đỉnh bia tạo dáng kiểu mái long đình (riêng phần búp sen đã bị vỡ), trán bia chạm nổi đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, diềm bia trang trí chim, hoa cúc dây, cánh sen, vân mây, đao lửa. Lòng bia 4 mặt đều khắc chữ Hán thể chân phương còn khá rõ nét, tất cả khoảng hơn 1.200 chữ.
Nội dung chính cho biết tại phường Nam, xã Lạc Nhuế, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn khắc bia ghi chép sự việc phụng thờ vị Thực nghĩa hầu người họ Nguyễn làm hậu thần tại đình làng. Phần sau cho biết văn bia được dựng vào ngày lành, tháng trọng xuân (tháng 2) năm Chính Hòa thứ 17 (1696).
Người soạn nội dung là Đặng Đình Tướng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670), giữ chức Hoằng tín đại phu, Bồi tụng Thái bộc tự khanh, Tri thủy sư thự trung thư giám, quê ở xã Lương Xá, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam.
Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, tấm bia “Phụng sự bi kí” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Tấm bia góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc đá vào thời Lê trung hưng. Đối với Tiến sĩ Đặng Đình Tướng đây là lần đầu tiên phát hiện nội dung văn bia do ông soạn hiện còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra bài văn bia này là di văn quý hiếm của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Đặng ở làng Lương Xá có nhiều nhân tài nổi tiếng trấn Sơn Nam dưới triều Hậu Lê.
Từ năm 1968 đến 1971, các nhà khảo cổ đã khai quật khu mộ của bà Phạm Thị Nguyên Chân (Phạm Thị Đằng) tại thôn Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản – Nam Định), bà là vợ của Đặng Đình Tướng.
Khi mở nắp quan tài, các chuyên gia thấy thi hài bà như đang say ngủ, lòng quan tài bốc mùi thơm thảo mộc thoang thoảng. Gương mặt bà vẫn mịn màng, thanh thoát nét đài các, dịu dàng.
Điều làm cho các nhà khảo cổ kinh ngạc là khi mới mở nắp quan tài, làn da toàn thân thi hài này vẫn trắng mịn, các khớp xương vẫn có thể co duỗi một cách dễ dàng. Đặc biệt, hốc mắt vẫn còn lòng đen, trắng.
Hai hàm răng vẫn chưa rụng chiếc nào và được nhuộm đen. Các hiện vật gồm hàng chục chiếc gối chèn, quạt nan giấy, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi, túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa… tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
“Giới sử gia nhận định rằng, những năm đầu thế kỷ 18, chúa Trịnh Căn qua đời, Đặng Đình Tướng cùng với Nguyễn Quý Đức phò tá Trịnh Cương lên ngôi. Trước đó, Đặng Đình Tướng từng nói rằng: “Vương tôn Trịnh Cương tư chất thông minh, dùi mài học tập, tính tình hiếu thuận, đức hạnh nhân nghĩa, tài đức không ai sánh bằng, có thể lên ngôi chúa, nối nghiệp vương, bảo trọng tông thống, quy tụ lòng dân…”.
Về sau, quả thực, Trịnh Cương đã trở thành vị chúa duy nhất có cuộc đời và sự nghiệp trong thời thái bình thịnh trị, không vấy nạn binh đao”.
Theo PV/Giáo dục & Thời đại