Tại đàn tế Núi Bân ở Thừa Thiên – Huế, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã tế cáo trời đất và đọc chiếu lên ngôi hoàng đế nước Việt với niên hiệu Quang Trung, khởi đầu triều đại Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Nằm ở xã Thủy An, thành phố Huế, núi Bân là một biểu tượng lịch sử oai hùng của vùng đất Phú Xuân – Huế xưa.
Đây là một ngọn núi nhỏ cao 43m, nằm cạnh núi Ngự Bình, được anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chọn làm nơi lập đàn Nam Giao để tế cáo Trời Đất, chính danh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788).
Theo các nhà nghiên cứu, Quang Trung Nguyễn Huệ chọn núi Bân làm đàn Nam Giao là nhằm tận dụng địa thế núi không cao, xung quanh là cánh đồng khá rộng để tập kết hàng vạn quân, dễ dàng cho việc xây dựng đàn trong điều kiện thời gian vô cùng gấp gáp.
Chỉ có hơn một ngày chuẩn bị nên quân đội Tây Sơn đã tận dụng địa thế có sẵn của núi Bân để xẻ đường, bạt núi lập đàn chứ không xây dựng công trình nào.
Đỉnh đàn tế là đỉnh núi, được kiến thiết thành ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau, tầng trên cùng bề mặt bằng phẳng. Có bốn lối đi lên đàn tế theo bốn hướng Bắc, Nam, Đông, Tây, lòng đường càng lên đỉnh càng nhỏ lại.
Tại đàn tế Núi Bân, người anh hùng Nguyễn Huệ đã tế cáo trời đất và đọc chiếu lên ngôi hoàng đế nước Việt với niên hiệu Quang Trung, khởi đầu triều đại Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Ngay sau khi có tính chính danh của một nhà cai trị, từ núi Bân, Hoàng đế Quang Trung đã đích thân chỉ huy cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để tiêu diệt 29 vạn quan Thanh xâm lược.
Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long đã thực hiện chính sách trả thù khắc nghiệt. Mọi dấu tích của vương triều Tây Sơn gần như bị xóa trắng. Núi Bân gần như là di tích còn lại duy nhất của vương triều Tây Sơn ở Huế còn tồn tại.
Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, vào văm 1988, khu di tích Núi Bân đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đến năm 2010, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành trùng tu tôn tạo khu di tích và xây dựng tượng đài Hoàng đế Quang Trung bên núi Bân.
Tượng Hoàng đế Quang Trung cao 21 m, trong đó phần tượng cao 12 m, phần đài cao 9 m, được làm từ 18 mảng đá Thanh Hóa, mỗi mảng nặng 10-60 tấn.
Phía sau tượng đài là bức phù điêu dài gần 60 m với các họa tiết miêu tả quá trình từ lúc khởi nghiệp của nghĩa quân Tây Sơn đến lúc Hoàng đế Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc.
Chính giữa bức phù điêu có trích khắc chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung: “Nhân, Nghĩa, Trung tín là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay cùng nhân dân đổi mới, sẽ cùng dìu dắt dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân…”.
Ngày nay, Núi Bân là một điểm du lịch văn hóa lịch sử đặc sắc của xứ Huế. Tại ngọn núi này, hào khí năm xưa của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ sẽ trường tồn cùng thời gian… (Bài có sử dụng tư liệu của Báo Bình Định).