Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu quê ở hương Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hoá (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Hiện không rõ năm sinh năm mất. Theo sử sách ghi lại được, ông thọ tới tuổi 77.
Theo dân gian, không là người có sức khỏe phi thường và tinh thông võ nghệ như: đấu quyền, múa kiếm, ném đao. Ông được ví là “bạt sơn cửu đỉnh” như Hạng Vũ, Phàn Khoán ở Trung Quốc.
Chuyện kể rằng, Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu thời trai trẻ từng một mình dùng cây hai bên đường làm vũ khí đến đánh nhau với cả một làng và thần phục họ giúp hóa giải chuyện mâu thuẫn giữa hai làng.
Khi vua Lý Thái Tổ xuống chiếu, tuyển chọn những người có sức khỏe để sung vào đội quân túc vệ, Lê Phụng Hiểu trúng tuyển. Nhờ võ nghệ cao cường ông đạt đến chức Vũ vệ Tướng quân.
Năm 1028, vua Lý Thái Tổ mất, chưa làm lễ táng, các hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương không chấp nhận việc Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, đem quân đến vây thành để tranh ngôi.
Thái tử Phật Mã triệu quân tướng đến và nói “Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa như thế, quên di mệnh của Tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?”. Các quan cùng xin Thái tử cho đem quân ra thành quyết được thua một trận. Riêng dũng sĩ Lê Phụng Hiểu chỉ im lặng.
Tuy nhiên, khi giáp mặt quân của các vương, Lê Phụng Hiểu đã rút gươm, hô to: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua kế vị vào đâu, trên thì quên ơn Tiên đế, dưới thì trái nghĩa tôi con. Vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”. Dứt lời, ông vung gươm chém chết Vũ Đức Vương.
Các nhà sử học cho rằng, lúc Thái tử Phật Mã bàn việc nên đánh hay không đánh quân phản loạn, Lê Phụng Hiểu ẩn mình. Nhưng khi xung trận, ông đã bộc lộ vai trò nổi bật, then chốt trong việc dẹp phản loạn.
Hành động dũng cảm tỏ rõ sự trung nghĩa của Lê Phụng Hiểu được thái tử Lý Phật Mã, cũng là vua Lý Thái Tông khen ngợi phong ông làm Đô thống Thượng tướng quân, tước Hầu.
Năm 1044, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Đô thống Lê Phụng Hiểu hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Ông làm tướng tiên phong, lập công lớn, danh tiếng lừng lẫy. Khi chiến thắng trở về, nhà vua định công, phong thưởng.
Xét thấy quyền lực, bạc vàng đều là phù du, ông liền nói với vua: “Thần không muốn thưởng tước, cũng không dám tham lam công khố, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném đao lớn đi xa, rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”.
Vua bằng lòng, Lê Phụng Hiểu lên núi và quăng đao xa đến hơn mười dặm, rơi xuống hương Đa Mi, vua lấy ruộng ấy ban cho ruộng gọi là “thác đao điền” (ném đao).
Tướng Lê Phụng Hiểu được ca ngợi là người sống hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân cho nước đều bàn với vua. Sau khi ông mất (thọ 77 tuổi), nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông. Hiện Hà Nội có đường phố mang tên ông.