Chuyện xưa kể lại rằng, có một viên quan trẻ tuổi và rất hách dịch được bổ về làm Tri huyện Nghi Xuân. Tuy cũng đã từng nghe tiếng cụ Thượng Trứ nhưng chưa hề gặp và có lẽ cũng cao ngạo hay sơ suất gì đó mà anh ta không tới yết kiến cụ như các quan khác thường làm. Vừa tới huyện lỵ được vài ba ngày, tân quan đã quyết định đi hành hạt, sức cho hàng huyện biết ngày giờ nào quan sẽ tới xã, thôn nào để biết mà nghinh tiếp rầm rộ.
Nghe dân tình bàn tán thấy chướng tai, cụ Trứ bèn vai vác cuốc tay dắt bò đến cho ăn cỏ trên con đường mà quan huyện sắp đi qua. Một lát sau đoàn xe ngựa, võng lọng tân quan đi đến, tên lính lệ đi trước dẹp đường, lớn tiếng hô: Ai nấy phải tránh về một bên để quan lớn đi.
Cụ Trứ giả vờ không nghe, cứ chăm chăm cuốc, rồi lại ngồi bệt xuống đường cái nhặt cỏ. Đám lính khiêng võng quan đến tận nơi mà cụ Trứ vẫn lom khom làm việc. Quan tức mình nhảy xuống võng, lớn tiếng quát: Hay cho lão già nhà quê vô lễ! Ngạo mạn!
Rồi giựt phắt cái cuốc trong tay cụ Trứ, ném xuống con sông Lam trong xanh, rồi truyền bắt ông già phải thay một người lính võng khiêng quan đi, còn con bò thì cho dắt theo. Cụ Trứ lẳng lặng ghé vai khiêng võng đi trước, còn quan huyện nằm trên võng ra dáng bệ vệ, hả hê. Vừa đi được chừng mươi thước thì đoàn người gặp một anh đồ Nho người cùng huyện Nghi Xuân. Trông thấy cụ Trứ, anh đồ hốt hoảng chạy tới chắp tay chào hỏi: Bẩm, lạy cụ lớn! Sao cụ lớn lại phải khiêng võng như thế ạ?
Cụ Trứ chưa kịp trả lời, quan huyện đã giật mình, nhảy ngay xuống đất, lắp bắp hỏi anh đồ Nho: Cụ già này là ai?
– Trình quan, đây là cụ Binh bộ Thượng thư trí sĩ, một bậc hưu quan có danh vọng, uy tín và phẩm tước lớn nhất trong tỉnh Hà Tĩnh ạ!
Bấy giờ quan huyện mới như người mắc bệnh kinh phong, run lẩy bẩy chắp hai tay lạy cụ Trứ như tế sao: Bẩm lạy cụ lớn! Vì con mới đến nhận chức ở quý huyện, chưa có dịp yết kiến nên chưa được biết cụ lớn. Nay con trót đã phạm tội lỗi nặng nề đối với cụ lớn. Trăm lạy cụ lớn mở lượng khoan hồng, con nguyện xin suốt đời làm tôi tớ. Xin cụ lớn tha cho con.
– Tôi bắt tội, bắt tình quan huyện làm chi? Quan huyện bắt tôi khiêng quan từ đâu đến đây, thì bây giờ quan phải khiêng tôi từ đây tới đó, thế là công bằng. Còn cái cuốc của tôi, quan quăng đi, thì quan tìm mà trả lại cho tôi, thế là xong việc. Cụ Trứ nói.
– Con xin khiêng cụ lớn tới nơi cụ lớn cuốc cỏ khi hồi. Còn cái cuốc, con trót quăng xuống sông cái, nước sâu quá con không thể lặn xuống tìm được, con xin mua cái mới tốt hơn đền cho cụ lớn ạ. Viên quan huyện nài nỉ.
– Không được! Hơn ba năm nay, với cái cuốc xấu xí, cũ kỹ ấy, tôi đã cuốc cỏ cho bò ăn, và cuốc rau má cho tôi cùng người nhà tôi ăn, tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc sâu đậm biết chừng nào! Người ta ở đời, có gì đáng quý bằng tình nghĩa hay không? Nay quan ỷ thế nhiều tiền nhiều bạc, vứt cuốc tôi xuống sông, để rồi mua cái khác đền lại. Tiền bạc thì quan có thể bồi thường được, còn tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc thì có thể lấy tiền bạc mà bồi thường được không?
– Bẩm lạy cụ lớn! Con lỡ làm một việc tội lỗi tày trời đối với cụ lớn, bây giờ con hối hận lắm. Rất mong cụ lớn thương hại con là đứa hậu sanh có khác nào đứa con út của cụ lớn.
– Đành rằng quan không biết tôi là Nguyễn Công Trứ, nhưng quan vẫn thấy tôi là người già nua, tóc bạc đó thôi. Cái chức Thượng thư của tôi là thân ngoại chi vật, quan muốn biết hay không muốn biết, là tùy quan. Nhưng cái đầu bạc trắng của một người gần tám mươi tuổi, thì mọi người trông thấy, không có lý gì mà quan không thấy? Đối với tôi mà quan còn hách dịch đến thế, thử hỏi đối với những người dân đen thấp cổ bé họng thì quan sẽ tác oai tác quái đến độ nào? Nay, nếu tôi dung thứ cho quan, thì vô tình tôi đã “trợ Kiệt vi ngược”. Vậy nên tôi sẽ trình báo minh bạch lên Đường quan tỉnh Hà Tĩnh chuyển trình về bộ Lại và triều đình xét xử, để làm gương cho những quan lại xấu xa quen hiếp đáp lương dân vô tội.
Nghe nói, quan huyện càng tái mặt, ấp úng không nên nửa lời.
Cụ Trứ nói tiếp: Bây giờ quan hãy khiêng tôi trở lại nơi tôi đang cuốc cỏ khi hồi.
Quan huyện cúc cung ghé vai võng cụ Thượng Trứ đi trở lại nơi cũ, trước những con mắt hiếu kỳ của nhân dân địa phương. Còn con bò của cụ Trứ vẫn được người lính lệ dắt đi theo. Tới nơi, cụ bảo dừng võng lại, thung dung bước xuống đất, nhìn con bò bị đói cỏ, rồi nói:
– Quan huyện đã làm xong một việc rồi, bây giờ còn một việc nữa là tìm cái cuốc của tôi cho kỳ được, đoạn cụ lấy tay chỉ xuống sông Lam.
Quan huyện chắp hai tay vái dài, khóc nức nở không còn biết xấu hổ, thể diện nữa. Bấy giờ, cụ Thượng Trứ mới nghiêm nghị nói: Thôi được, tôi tha cho quan một lần!
Lời bàn:
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ quả là lắm thăng trầm và đầy giai thoại, song giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Sinh thời, Nguyễn Công Trứ rất tin vào tài năng của mình, với khát vọng lớn lao: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Là một ông quan, Nguyễn Công Trứ giữ đúng “thanh, cần, thận, trực”. Là một con người, ông có đủ trung, dũng, nhân, trí, tín. Ông là một phẩm cách cao đẹp, luôn luôn nhập thế, luôn luôn hành động vì cuộc đời, vì con người.
Nguyễn Công Trứ đã tạc “tượng đồng bia đá” trong lòng mọi thế hệ không bởi con đường thăng quan hoạn lộ, mà bằng chính sự nghiệp công danh cứu dân giúp đời. Và có lẽ từ thượng cổ tới nay chắc duy nhất chỉ có Nguyễn Công Trứ mới có đủ bản lĩnh làm như vậy với người có chức, có quyền trong xã hội. Đây cũng là cách mà Nguyễn Công Trứ giúp đời dạy cho những kẻ hống hách chỉ biết hạch sách dân. Ai chưa tin xin cứ suy ngẫm kỹ thì sẽ rõ.