Vào các dịp lễ Tết, nhiều người tới thắp hương ở gò mộ công chúa Ngọc Hoa, nhưng không phải ai cũng biết rõ về câu chuyển lịch sử phía sau địa điểm này.
Nằm ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, đình Đại Yên là một di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp công chúa Ngọc Hoa, một nữ anh hùng lập công lớn trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm thời Lý.
Phía sau đình Đại Yên có một gò đất khá lớn, tương truyền là mộ của công chúa Ngọc Hoa. Vào các dịp lễ Tết, nhiều người tới đây thắp hương, thăm viếng, nhưng không phải ai cũng biết rõ về câu chuyển lịch sử phía sau ngôi mộ này.
Các sử liệu cũ kể rằng, vào thời Lý, có một người tên gọi Trần Huấn quê ở Phúc Lâm (thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) ra Thăng Long dạy học, lấy vợ ở làng Đại Bi (tức Đại Yên ngày nay) phía Tây kinh thành.
Bà Huấn làm nghề bán tôm, cá ở chợ An Bản. Có lần nhặt được tấm lụa rất đẹp của một người đi chợ bỏ quên, bà trả lại cho người đánh mất.
Đêm đó, bà mộng thấy một cụ già hiện lên trao cho hòn ngọc quý, khi tỉnh dậy thấy trong mình có sự khác lạ. Từ đó bà có thai, sau sinh hạ được một người con gái đặt tên là Ngọc Hoa. Càng lớn, cô bé càng xinh xắn, lanh lợi.
Năm 1103, Chiêm Thành đem quân xâm lược biên giới phía Nam. Ngọc Hoa, khi đó mới 9 tuổi, đã giả trai để dự kỳ tuyển binh và được cùng cha đi dẹp giặc xâm lấn bờ cõi.
Trong khi ta và địch đang ở thế giằng co, Ngọc Hoa đã bàn với các tướng lĩnh để lập kế, vờ làm cô gái bán trầu, cau, thuốc lào… luồn vào sâu trong lòng địch thu thập tin tức.
Với sự thông minh vốn có, Ngọc Hoa đã ghi nhớ vị trí những kho lương thực, vũ khí, đường đi lối lại… ở khu vực địch đóng quân, đồng thời ước lượng về sức mạnh của chúng.
Trên cơ sở thông tin có được từ Ngọc Hoa, Thái úy Lý Thường Kiệt đã họp các tướng và giao nhiệm vụ rồi định giờ xuất quân. Dưới sự chỉ dẫn của cô gái nhỏ, quân ta đại thắng, giặc Chiêm bị đẩy lùi khỏi bờ cõi.
Trên đường khải hoàn, Ngọc Hoa không bệnh mà mất. Thái úy lệnh cho tướng quân Trần Ngọc Tường đưa thi hài cô bé về an táng tại làng Đại Bi.
Thái úy tâu với nhà vua công trạng của Ngọc Hoa. Vua sắc phong thần hiệu cho nàng là “Ngọc Hoa công chúa”. Nhân dân làng Đại Bi tôn Ngọc Hoa làm thành hoàng và thờ trong đình làng…
Có thể nói, chuyện về Ngọc Hoa công chúa là một minh chứng tiêu biểu về tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của người phụ nữ Việt và truyền thống đánh giặc ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.