Danh tướng Nguyễn Văn Tuyết là người ở huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Đến nay, về năm sinh và mất của ông vẫn chưa ai rõ. Có truyền thuyết dân gian nói rằng, ông là cháu họ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, nhưng không thấy tài liệu hay thư tịch nào xác nhận về điều này. Theo một vài chuyện kể dân gian thì trước năm 1771, danh tướng Nguyễn Văn Tuyết là một trong số những người du thủ du thực, sống phiêu bạt khắp đó đây. Sau nhờ một người thầy dạy võ hết lòng yêu thương chỉ vẽ, lại còn đem con gái gả cho, Nguyễn Văn Tuyết đã trở thành người quyết chí đem tài sức của mình ra cứu khổ cho dân. Ông cùng vợ về quê nhà, tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và nhanh chóng được anh em Tây Sơn trọng dụng.
Danh tướng Nguyễn Văn Tuyết là bậc võ nghệ cao cường, lại giàu mưu lược và có biệt tài cầm quân. Nguyễn Văn Tuyết được phong dần lên đến Đô đốc. Năm 1788, trước khi rút về Phú Xuân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã thành lập Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà và giao cho Đại Tư mã Ngô Văn Sở đứng đầu. Trong bộ chỉ huy ấy có Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
Cuối năm 1788, quân Mãn Thanh với 29 vạn tên do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu đã tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình thế nguy cấp đó, Đại Tư mã Ngô Văn Sở đã triệu tập một cuộc hội nghị quân sự cao cấp ngay tại kinh thành Thăng Long. Hội nghị đã thống nhất hai vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một là phải cấp báo cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Hai là triệt để thực hiện ý kiến xuất sắc của Ngô Thì Nhậm, rút quân về Tam Điệp và Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội đánh trận quyết định số mạng của quân xâm lược Mãn Thanh. Người được Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà tin cậy và giao phó trọng trách gấp rút trở về Phú Xuân một cách an toàn, để cấp báo tình hình nguy cấp cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ và Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở núi Bân (Huế), Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết được giao trách nhiệm gấp rút chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc ra Bắc Hà. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ cầm quân ra Bắc, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vinh dự được cùng hành quân ra. Tại Nghệ An và Thanh Hóa, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vừa có công tuyển lựa, lại vừa có công huấn luyện cấp tốc cho binh sĩ của Tây Sơn. Tại Tam Điệp và Biện Sơn, Quang Trung Nguyễn Huệ chia quân làm 5 đạo, nhất tề tiến thẳng ra Bắc. Hai trong số 5 đạo ấy là thủy quân và một trong 2 đạo thủy quân ấy do chính Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy.
Theo kế hoạch của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đạo thủy quân do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy có nhiệm vụ vượt biển tiến vào khu vực sông Lục Đầu, tiêu diệt một bộ phận lực lượng của Lê Chiêu Thống đang đóng giữ tại đây, sau đó tiến lên uy hiếp phía Đông kinh thành Thăng Long, tạo cơ hội cho đạo quân chủ lực có thể tràn lên một cách dễ dàng. Và Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần rất đáng kể vào thắng lợi chung của quân đội Tây Sơn trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử.
Sau trận đại phá quân Mãn Thanh, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục có thêm nhiều cống hiến đối với chính quyền của Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông là một trong những võ quan cao cấp nhất, một trong những chỗ dựa quan trọng của Quang Trung Nguyễn Huệ về hoạt động lực lượng vũ trang. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, vua kế vị là Quang Toản không đủ năng lực, chính quyền lại bị chia rẽ và mất đoàn kết. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Ánh đã liên tục tổ chức phản công. Năm 1802, triều Nguyễn được dựng lên và một trong những chính sách lớn được đặt ra là trả thù một cách thậm tệ đối với những người theo Tây Sơn, trong đó có cả gia đình của Nguyễn Văn Tuyết.
Lời bàn:
Trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có đoạn viết về cái chết của danh tướng Nguyễn Văn Tuyết và vợ con ông như sau: Trước sự tấn công mạnh của quân nhà Nguyễn, liệu không thể chống giữ nổi, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và vợ đã đưa vua Cảnh Thịnh cùng cung quyến sang sông Nhị Hà rồi chạy lên vùng núi phía Bắc. Tướng Lê Chất dẫn quân truy đuổi kịp. Đô đốc Tuyết truyền cho vợ phò ngự giá chạy trước, còn mình thì ở lại cản ngăn. Sau một hồi kịch chiến, ông bị súng bắn trúng và tử trận… Quân Nguyễn liền đuổi theo ngự giá. Trần phu nhân hết sức chống cự, nhưng chỉ ít lâu thì cả đoàn đều bị bắt. Không thể để đối phương làm nhục, phu nhân liền tự sát cùng với thái hậu Bùi Thị Nhạn.
Chỉ với đoạn viết ngắn trên đây cũng đã quá đủ để hậu thế hiểu rõ hơn về lòng trung thành và tinh thần dũng cảm của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và người vợ của ông. Thế hệ trẻ ngày nay càng kính nể, tôn vinh ông hơn khi biết ông đã từng tuyên bố với cấp dưới của mình rằng: Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta. Vâng, thật đáng kính thay, vị anh hùng thời ấy thì vô kể, nhưng nói và làm được như Nguyễn Văn Tuyết liệu có được mấy người?