Dưới thời nhà Trần, có rất nhiều tướng tài, quan giỏi xuất hiện. Trong số đó có rất nhiêu người xuất thân là môn hạ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, kể sơ qua đã có Phạm Ngũ Lão, Ngô Sĩ Thường, Phạm Lãm, Trương Hán Siêu, Nguyễn Thế Trực… Người được nhắc đến trong bài viết hôm nay là Trần Thì Kiến (có sách gọi là Trần Kiến), quê ở làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Trần Kiến là một vị quan nổi tiếng tài giỏi, chính trực. Ông am hiểu về kinh dịch, bốc quẻ và từng có lời tiên tri rất đúng về trận chiến giữa quân Đại Việt và quân Nguyên.
Chuyện kể rằng khi quân Nguyên vào nước ta, vua Trần đã sai Trần Kiến bốc quẻ, xem bói. Ông bốc được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn, đoán là tốt. Quả thật mùa hè năm sau quân Nguyên đại bại.
Đến năm Trùng Hưng lần thứ 2, quân Nguyên lại tiếp tục xâm lược nước ta. Lần này Trần Kiến tiếp tục được lệnh cho bốc quẻ. Ông đoán: “Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan”. Một lần nữa lời tiên tri của Trần Kiến lại chính xác. Quân Nguyên đến sông Bạch Đằng thì chạy toán loạn vì vỡ trận.
Năm 1292, Trần Thì Kiến được giao giữ chức An phủ sứ lộ Yên Khang (nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), sau thăng lên làm Trị thiên trưởng. Về sau ông được chuyển sang làm quan Kiểm pháp, xét xử những công việc kiện tụng. Thời bấy giờ Trần Kiến nổi tiếng là người công bằng, liêm chính.
Có câu chuyện nổi tiếng minh chứng cho sự liêm khiết của Trần Thì Kiến đã lưu danh bấy lâu. Năm đó Trần Kiến mới đến nhận chức An phú sứ Thiên Trường, có người trong hương, nhân ngày giỗ đã bê một mâm cỗ đến biếu ông. Vị quan hỏi rõ lý do biếu mâm cỗ thì người đó trả lời vì ở gần nên mang đến biếu chứ hoàn toàn không có ý gì khác. Trần Kiến đành nhận mâm cỗ.
Vài ngày sau, cũng chính người đó đến nhà Trần Kiến xin nhờ vả. Ngay sau khi nghe đối phương trình bày xong, vị quan liền móc họng, ý muốn trả hết bữa cỗ hôm trước. Người kia thấy vậy thì xấu hổ, đành xin phép ra về và không còn dám đến nhờ vả nữa.