Cửa thành Hà Nội thời nhà Nguyễn có 5 cửa: Chính Bắc, chính Tây, chính Đông, Tây Nam, Đông Nam. Theo thời gian, chỉ còn cửa chính Bắc tồn tại đến nay…
Tuy nhiên, ít ai biết ngoài cửa Bắc, còn có các dấu tích quan trọng của hai cửa thành Hà Nội khác đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quốc gia Việt Nam. Đó chính là biển tên của hai cửa chính Đông và Tây Nam.
Tấm biển tên cửa chính Đông thành Hà Nội có khắc ba chữ Chính Đông Môn. Cửa thành này nằm ở vị trí phố Cửa Đông ngày nay.
Vào thời nhà Nguyễn, cửa Đông là cửa thành dẫn vào khu cư dân sầm uất nhất kinh thành – khu phố cổ quận Hoàn Kiếm ngày nay. Khi Pháp chiếm Hà Nội, phía Đông thành Hà Nội bị biến thành trại lính khổng lồ. Cửa chính Đông bị xâm hại và biến mất dần theo thời gian…
Tấm biển tên cửa Tây Nam thành Hà Nội có khắc ba chữ Tây Nam Môn. Vị trí của cửa thành này có thể nằm tại khu vực trụ sở Bộ Tư pháp ở Hà Nội ngày nay.
Cũng như cửa chính Đông, cửa Tây Nam đã bị xóa sổ, chỉ còn lưu giữ lại được tấm biển tên.
Vể tổng quan, biển tên của cổng chính Đông và Tây Nam có kiểu thức tương tự như biển tên cổng chính Bắc, nằm trên phố Phan Đình Phùng ngày nay.
Sự khác biệt chủ yếu thể hiện ở hoa văn trang trí trên các đường viền bao quanh biển.
Ở biển tên của cổng chính Đông, bốn góc được trang trí bằng bốn chữ Thọ giản lược.
Ở vị trí chính giữa của viền phía trên có hình lưỡng long chầu nguyệt.
Ở biển tên cổng Tây Nam, họa tiết trang trí chủ đạo là hoa cúc cách điệu.
Họa tiết này được phân bố đồng đều ở cả bốn mặt của đường viền.
Theo phỏng đoán, có thể mỗi tấm biển tên của 5 cổng thành Hà Nội xưa lại mang một phong cách trang trí khác nhau, thể hiện nhãn quan thẩm mỹ tinh tế của người xây thành…