Lý Văn Bưu – một trong “Tây Sơn thất hổ tướng”, có tài năng gì đặc biệt?

Lịch Sử
Trong những chiến công hiển hách của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ có phần đóng góp to lớn của các danh tướng thời đó. Đặc biệt không thể không kể đến công lao của lực lượng kỵ binh thiện chiến do Đô đốc đại tướng quân Lý Văn Bưu chỉ huy và huấn luyện.

Theo sách “Võ nhân Bình Định”, Lý Văn Bưu còn có tên khác là Mưu, xuất thân trong một gia đình giàu có, chuyên nghề buôn ngựa ở làng Đại Khoang, huyện Phù Ly (nay thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông là một trong 7 vị tướng được tôn gọi là Tây Sơn thất hổ tướng, gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc.

Lý Văn Bưu - một trong "Tây Sơn thất hổ tướng”, có tài năng gì đặc biệt?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo sách trên thì làng Đại Khoang là một vùng rộng lớn, người thưa, giáp ranh với vùng Thuận Truyền, Thuận Hạnh, huyện Tây Sơn, cũng đất rộng người thưa. Vùng này gò đống kéo dài, cây dại gai gốc mọc đầy, chen lẫn với chà là, sim, ổi, rất thích hợp với việc săn bắn và nuôi bò, ngựa. Vì vậy, gia đình ông Lý Văn Bưu chuyên về chăn nuôi ngựa. Ngựa của họ Lý bán khắp nơi, kể cả tỉnh Phú Yên, Quảng Nghĩa.

Nhà giàu có, buôn bán rộng, lại ở trong một vùng xa xôi hẻo lánh, nên để đề phòng trộm cướp, nhà ông nuôi nhiều thanh niên và thầy dạy võ. Vì vậy Lý Văn Bưu được rèn luyện võ nghệ từ thuở ấu thơ. Ngoài võ nghệ ông còn chuyên về cưỡi ngựa và huấn luyện ngựa. Phần đông ngựa của ông nuôi đều chọn giống rất kỹ và nuôi dưỡng công phu. Thượng khách ở các tỉnh xa đến mua ngựa phải đặt hàng trước cả năm. Tài nuôi ngựa chiến của gia đình họ Lý được truyền từ đời ông cao tổ. Nhờ kinh nghiệm, tài thiên tư và địa thế thuận tiện của làng Đại Khoang, nên rất thích hợp cho bầy ngựa chiến trở thành tuấn mã.

Các tay hào kiệt đến với ông rất nhiều, một phần vì mến tài đức, võ nghệ, một phần vì ông có ngựa tốt. Nhìn tướng mạo, tầm vóc, tính nết của khách hàng, ông chọn cho họ được con tuấn mã vừa ý. Người nho nhã phong lưu thì thích ngựa có nước kiệu êm. Kẻ năng động thì ưa ngựa có nước phi thần tốc… Có người thích ngựa thiên lý để ngày đi trăm dặm mà ngựa không đổ mồ hôi. Lại có những người mua được ngựa hay, song chưa thuần phục, hay dở chứng hung hăng ép chủ vô rào, không chạy theo lệnh của chủ… đều được đem đến nhờ ông thuần hóa, huấn luyện. Và chỉ trong vòng một tuần lễ, Lý Văn Bưu đã thuần phục được một con tuấn mã.

Đôi khi ông cũng là người mua lại của bọn trộm ngựa ở phương xa đem đến với điều kiện phải là ngựa tốt, ngựa hay. Đôi khi chủ ngựa bị mất trộm đến “trường ngựa” của ông xin chuộc lại. Bao giờ ông cũng vui vẻ nhượng lại, sau khi biết rõ đó là chủ cũ của con tuấn mã và là một trang hảo hán anh hùng. Với bọn hào trọc phú hay là bọn bất lương thì ông cho chuộc lại với giá gấp đôi. Có khi xảy ra kiện tụng, song nhờ vào uy tín, giàu có thì sự thua kiện của ông chưa khi nào xảy ra.

Tiếng tăm của họ Lý vang xa, bà Bùi Thị Xuân thường hay đi săn ở vùng Thuận Ninh đã tìm đến kết bạn. Chẳng bao lâu, họ đã trở thành đôi bạn tâm đắc. Bà Bùi Thị Xuân đã học được họ Lý cách nuôi và huấn luyện ngựa chiến. Từ phương pháp huấn luyện ngựa, bà Bùi Thị Xuân đã áp dụng vào việc huấn luyện voi. Đồng thời, bà đã tiến cử Lý Văn Bưu lên Tây Sơn vương và ông được trọng dụng. Họ Lý giúp nhà Tây Sơn tổ chức, huấn luyện đoàn chiến mã. Trường ngựa của ông biến thành trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa trận cho nhà Tây Sơn.

Nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Lý Văn Bưu được phong làm Đô đốc. Ông theo Nguyễn Huệ trong các trận đánh với quân Xiêm và quân Mãn Thanh. Khi quân Thanh kéo vào Thăng Long, ông tháp tùng vua Quang Trung ra Bắc thảo Thanh, phục vụ dưới đoàn quân do Đại đô đốc Bảo chỉ huy. Lý Văn Bưu đã cùng Đặng Văn Long đem kỵ binh xuyên qua Chương Đức (Hà Đông) để tiến đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (Hà Nội), chiếm cứ hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục. Hai đồn này là tiền đồn của Khương Thượng, bị chiếm rất nhanh và yên lặng. Nhờ vậy mà khi đánh đồn Khương Thượng, quân Thanh không hay biết.

Lời bàn:

Sau khi vua Quang Trung băng hà, niềm tin vào triều Tây Sơn của Lý Văn Bưu bị suy sụp. Đồng thời, khi ấy ấu chúa Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi, nhưng cai trị không khéo léo khiến nội bộ Tây Sơn xảy ra lục đục. Gian thần Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, chia bè kết cánh, các tướng lĩnh tranh hại lẫn nhau mà không quan tâm đến việc Nguyễn Ánh đã tấn công tới tận Quy Nhơn. Từ đó, một dũng tướng mới ngoài 30 tuổi như ông cũng không tránh khỏi sự chán nản rồi cáo bệnh về quê cũ tiếp tục sống bằng nghề nuôi ngựa.

Tuy nhiên, điều đọng lại sau giai thoại này mà hậu thế xin đừng ai quên rằng, trong những chiến công hiển hách của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ có phần đóng góp to lớn của các danh tướng thời đó. Đặc biệt không thể không kể đến công lao của lực lượng kỵ binh thiện chiến do Đô đốc đại tướng quân Lý Văn Bưu chỉ huy và huấn luyện. Chính nhờ lực lượng này mà Nguyễn Huệ đã hoàn thành cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để tiêu diệt quân Thanh. Thế mới hay rằng, sống ở trên đời không gì bằng “nhất nghệ tinh”, một khi đã giỏi nghề thì người chăn ngựa cũng sẽ là danh tướng.