Theo sách “Võ nhân Bình Định” thì Võ Văn Dũng cũng là một trong thất hổ tướng của nhà Tây Sơn. Ông cũng là một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn. Theo sách “Lê quý kỷ sự”, Võ Văn Dũng là người vùng Hải Dương. Trước đó, Võ Văn Dũng theo đại tướng Phạm Ngô Cầu vào lưu thú ở Thuận Hóa.
Sau đó, Võ Văn Dũng được Phạm Ngô Cầu sai đi Quy Nhơn để dụ Nguyễn Hữu Chỉnh quay về với triều đình Lê – Trịnh, nhưng Dũng lại đi tiết lộ tình hình quân sự với giặc. Sự việc bị phát giác và Võ Văn Dũng đã bị Phạm Ngô Cầu bỏ tù. Khi thành Phú Xuân bị đánh phá, Nguyễn Huệ đã thả Võ Văn Dũng và sử dụng làm Chiêu viễn Đại tướng quân.
Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lần thứ nhất, Nguyễn Hữu Chỉnh và Võ Văn Dũng là những người giúp việc đắc lực nhất. Khi Nguyễn Huệ kéo quân về Nam đã để Võ Văn Dũng ở lại giữ vùng đất Hà Tĩnh. Khi Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm tiến quân chiếm giữ Nghệ An, Võ Văn Dũng đặt dưới quyền chỉ huy của Vũ Văn Nhậm. Khi Vũ Văn Nhậm chiếm được Thăng Long đã cử Võ Văn Dũng kéo quân về quê bình định xứ Hải Dương. Lúc này, tướng quân Tây Sơn là Quỳnh Ngọc đang bị Hoàng Viết Tuyển đánh ở Vị Hoàng. Võ Văn Nhậm sai Võ Văn Dũng kéo quân từ Hải Dương vượt sông, rồi chiếm các vùng Thái Bình, Tiên Hưng để hỗ trợ cho Quỳnh Ngọc ở Vị Hoàng.
Lần thứ hai Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc để giết Vũ Văn Nhậm, trước khi về Nam, Nguyễn Huệ phong Võ Văn Dũng trấn thủ trấn Hải Dương. Khi đánh quân Thanh năm 1789, Võ Văn Dũng là Đô đốc Hám hổ hầu đốc xuất hậu quân, làm Đốc chiến. Sau khi chiến thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ cử Võ Văn Dũng đi sứ nhà Thanh vào ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Dậu. Đây là lần đi sứ rất hệ trọng, với nhiệm vụ yêu cầu nhà Thanh công nhận nhà Tây Sơn và hủy bỏ lệ cống “người vàng”. Viết trong tờ biểu, vua Quang Trung tuy một mặt vẫn xưng thần, nhưng mặt khác lại tỏ ra ngạo nghễ, không chịu khuất, với lời lẽ được dịch như sau:
“… Nay quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông. Binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu… Nếu tình hình trên không được bày tỏ, thiên triều không khoan dung, muốn động binh chinh chiến thì nước nhỏ không được thờ nước lớn, tôi cũng đành nhờ trời mà thôi…”.
Với những lời lẽ của vua Quang Trung, Võ Văn Dũng đã không những hoàn thành xuất sắc sứ mệnh là giảng hòa với nhà Thanh mà còn ngăn được 50 vạn quân Thanh sắp sang đánh Đại Việt. Và cũng từ kết quả này đã mở ra một thời kỳ giao thiệp bình đẳng giữa Đại Việt với nhà Thanh.
Khi vua Quang Trung trù tính việc đòi lại những phần đất biên giới mà các thổ quan nhà Thanh chiếm của Đại Việt thời kỳ nghĩa quân Hoàng Công Chất, Hoàng Công Toản vào năm 1769, để thăm dò thái độ của vua Càn Long, vua Quang Trung đã giao việc này cho Đô đốc Võ Văn Dũng. Văn Dũng mang 2 tờ biểu, một tờ với nội dung cầu hôn con gái vua Càn Long làm vương phi và một tờ xin đất làm kinh đô.
Nhận chiếu chỉ của vua Quang Trung, Võ Văn Dũng đã dẫn đầu sứ đoàn Đại Việt đến Yên Kinh và được vào bệ kiến vua Càn Long. Trong lần gặp này, Võ Văn Dũng đã hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ được giao.
Lời bàn về Võ Văn Dũng
Đặt danh dự quốc gia lên hàng đầu, sau chiến thắng oanh liệt quét sạch 29 vạn quân Thanh, mục tiêu ngoại giao của Tây Sơn là kiên quyết đấu tranh với nhà Thanh để không chỉ công nhận Tây Sơn về mặt ngoại giao mà còn đòi hủy bỏ lệ cống “người vàng” do thiên triều áp đặt mỗi khi thay đổi triều đại. Và trước thực lực cũng như sức mạnh ngoại giao chính nghĩa của Tây Sơn, vua Càn Long, không những phải quyết định đình chỉ việc động binh trả thù, tiếp nhận sứ thần của Việt Nam mà còn buộc phải ra lệnh bãi bỏ lệ cống “người vàng”, với lời phê rằng “Việc triều trước bắt cống người vàng là đáng khinh bỉ”. Vâng, lẽ phải và chân lý bao giờ cũng thuộc về chính nghĩa.
Lịch sử đã ghi nhận, thông qua thư từ bang giao với nhà Thanh, vương triều Tây Sơn đã khẳng định mạnh mẽ nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Nêu cao tinh thần dân tộc và chủ quyền quốc gia, cùng với ý chí bất khuất, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng các thế lực xâm lược là tư tưởng chủ đạo trong các áng văn từ ngoại giao của nhà Tây Sơn. Ngày nay, khi lần giở lại những trang sử vẻ vang của ngoại giao thời Tây Sơn, mỗi người dân Việt Nam không chỉ tràn đầy lòng tự hào dân tộc mà còn tìm thấy những bài học lịch sử quý báu để vận dụng một cách sáng suốt trong quan hệ quốc tế ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Và bài học ấy đã được Đảng, Nhà nước ta phát huy một cách sáng suốt, mềm dẻo, khôn khéo, kiên trì, kiên quyết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vì thế, Trung Quốc đã phải tự rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
N.N (Theo Báo Bình Phước)