Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nói về xét xử thì không thể không nhắc đến Nguyễn Khoa Đăng (1690-1725). Từ nhỏ, ông đã rất thông minh nên 18 tuổi đã trở thành quan, được bổ nhiệm nhiều chức vụ như Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu vào năm Nhâm Dần 1722. Ông nổi danh là người mưu lược, trung thực, có tài xử án và vô cùng nhanh nhạy trong việc phân biệt ngay gian. Chính vì thế mà hậu thế tôn ông làm Bao Thanh Thiên của Đại Việt.
Nói về giai thoại làm quan của Nguyễn Khoa Đăng không thể không nhắc đến vụ án bắt cướp tại truông nhà Hồ.Theo GS. Tôn Thất Bình, đây từng là một vùng đất rộng, cây cối um tùm, vô cùng thuận lợi cho một toán cướp xây dựng sào huyệt. Chúng nhũng nhiễu khiến lòng dân không yên, an ninh bất ổn. Để dụ bắt được băng cướp này, Nguyễn Khoa Đăng đã sai một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa đi qua truông, vờ để cho chúng cướp bóc. Sau đó người lính này vừa ngồi trong thùng xe vừa rải lúa làm tín hiệu để quan quân theo dấu lần ra sào huyệt, tóm gọn cả băng.
Hay một lần khác, Nguyễn Khoa Đăng khi đó giữ chức Án sứ đang đi thị sát thì phát hiện một người phụ nữ bị quan huyện mắng mỏ vì ruộng dưa bị xắn nát hết cả gốc đúng vào thời điểm đang ra quả. Sau khi xem xét tình hình, Nguyễn Khoa Đăng đã ra lệnh: “Binh lính đâu, hãy bắt tất cả những người có cuốc, xẻng trong vùng lại, mang theo cả cuốc xẻng của họ, đánh dấu tên của họ vào từng cái”.
Ông sai quan huyện nếm từng chiếc xẻng một và nhanh chóng phát hiện ra một chiếc xẻng có vị đắng bất thường. Sau khi Án sứ cho quan huyện nếm vị của gốc dưa, người này mới vỡ lẽ ra rằng vị đắng của nó giống hệt với vị đắng trên chiếc xẻng kia. Cách phá án nhanh nhạy, thông minh của Nguyễn Khoa Đăng khiến ai cũng tâm phục khẩu phục, kẻ phá hoại cũng không thể chối cãi.
Trong vụ án anh hàng dầu tố một người đàn ông mù lấy trộm tiền của mình, Nguyễn Khoa Đăng cũng xét xử rất nhanh chóng bằng cách bắt người mù móc hết tiền thả vào trong một chậu nước. Khi váng dầu nổi lên trên thì sự thật cũng đã rõ, việc người này giả mù cũng bị ông bóc trần ngay sau đó.
Tài giỏi như vậy nên Nguyễn Khoa Đăng bị một quyền thần cùng thời là Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thế (Nguyễn Cửu Thế: 1666-1730, con trai thứ ba của Nguyễn Cửu Ứng) vô cùng ganh ghét. Hắn làm chiếu giả gọi ông đang lo việc quân ở Cam Lộ về triều, trên đường đi ông đã bị ám sát, hưởng thọ 35 tuổi.
H.T (Theo SHTT&ST)