Đô đốc Đặng Tiến Đông và những chiến tích hào hùng
Đặng Tiến Đông sinh ngày 2/5 năm Mậu Ngọ (tức ngày 18/6/1738) tại xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông là con trai thứ 8 của Dân Quận công Đặng Tiến Miên và người vợ thứ 5 là bà Phạm Thị Yến. Xuất thân trong một gia đình quý tộc và dòng họ danh gia, thế phiệt với ông, cha, anh em chú bác đều là những quan lại, võ tướng cao cấp “trong triều, ngoài trấn” thời Lê-Trịnh. Tuy sinh ra và lớn lên trong một dòng tộc quyền quý như vậy, nhưng Đặng Tiến Đông lại là người thích tự lập, muốn tìm kiếm cho mình con đường đi riêng bằng tài năng và bản lĩnh của chính mình.
Chứng kiến những cảnh tai ương của xã hội và những biến động của đất nước nên từ rất sớm, Đặng Tiến Đông đã mong muốn tìm cho mình một “minh chủ”, để có thể đem tài lực của mình phụng sự cho dân, cho nước. Mặc dù vậy, phải đến năm 1786, Đặng Tiến Đông mới có cơ hội đó. Năm ấy, đạo quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đã vượt sông Gianh tiến ra đàng ngoài lật đổ chúa Trịnh đang lộng hành trên đất Bắc Hà; sau đó giữ đúng lời hứa, Nguyễn Huệ đã giao lại quyền trị vì cho vua Lê và rút đại quân trở về đàng trong.
Hành động đầy nghĩa khí và cao thượng đó của Nguyễn Huệ đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm và hành động của Đặng Tiến Đông cũng như nhiều sĩ phu Bắc Hà khác. Tuy nhiên, Bắc Hà dưới quyền trị vì của vua Lê sau đó đã trải qua nhiều biến loạn, đặc biệt là từ sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh lấy danh nghĩa “phò vua Lê” thâu tóm quyền lực, phản bội lại Tây Sơn thì tình hình Bắc Hà càng thêm bấn loạn, lòng dân oán thán. Những biến động xấu xảy ra vào nửa cuối năm 1786 đã gây nên sự bất bình trong nhân dân và sự khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng của tầng lớp sĩ phu Bắc Hà đối với triều đình vua Lê lúc bấy giờ. Hơn ai hết, Đặng Tiến Đông là người sớm thấm thía điều đó và càng nung nấu ra đi tìm đến với minh chủ mới.
Vốn là người mạnh mẽ và có tính quyết đoán, đầu năm 1787, Đặng Tiến Đông đã quyết định rời làng quê lặn lội tìm vào tận xứ Quảng-nơi đang đặt đại bản doanh của Nguyễn Huệ để xin được gia nhập đạo quân Tây Sơn. Là người có “khí khái của trượng phu, tấm lòng của nam tử” nên Đặng Tiến Đông đã lọt vào “mắt xanh” của Nguyễn Huệ và nhanh chóng hòa đồng với các thủ lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn. Vốn là một thủ lĩnh biết chiêu hiền, đãi sĩ và có tài dùng người nên Nguyễn Huệ đã nhanh chóng thâu nạp và phong Đặng Tiến Đông làm Đô đốc Đồng Tri, tước Đông Lĩnh Hầu; đồng thời, tin tưởng giao cho ông làm Trấn thủ xứ Thanh Hóa. Đặng Tiến Đông trở thành một trong những sĩ phu yêu nước Bắc Hà đầu tiên theo phụng sự dưới cờ của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Và cũng kể từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của ông bước sang một trang mới gắn bó với vương triều Tây Sơn.
Khi Vũ Văn Nhậm được Nguyễn Huệ cử ra Bắc Hà “trị tội” Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành, làm phản, Đặng Tiến Đông được giao chỉ huy đạo quân tiên phong và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Trên cương vị Trấn thủ xứ Thanh Hóa, Đặng Tiến Đông đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố, nâng cao sức đề kháng cho phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Là người có nhãn quan quân sự sắc sảo, Đặng Tiến Đông đã sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của vùng đất Tam Điệp-Biện Sơn. Ông đã cùng với Ngô Văn Sở xây dựng địa bàn này thành một căn cứ địa vững chắc; khi chiến tranh xảy ra, nơi đây sẽ làm bàn đạp cho nghĩa quân Tây Sơn tổ chức những đòn tập kích chiến lược quy mô lớn để giải phóng Thăng Long.
Và điều mà Đặng Tiến Đông dự đoán đã đến ngay sau đó. Cuối năm 1788, quân xâm lược Mãn Thanh tràn sang cướp nước ta, lực lượng của nghĩa quân Tây Sơn đang ở Bắc Hà đành phải tạm lánh về phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn để bảo toàn và củng cố. Đầu xuân Kỷ Dậu 1789, khi Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy đạo quân Tây Sơn thần tốc ra giải phóng Thăng Long thì Đặng Tiến Đông được giao chỉ huy một cánh quân tiên phong. Từ Tam Điệp, ông cho binh sĩ tiến theo đường “thượng đạo” qua Nho Quan (Ninh Bình), Chương Mỹ (Hà Tây) rồi tập kết ở làng Nhân Mục (Thăng Long) để chuẩn bị tập kích đồn Đống Đa.
Cho dù đến nay còn có ý kiến khác nhau về danh tướng chỉ huy trực tiếp trận Đống Đa, song nhiều tư liệu lịch sử chính thống đều khẳng định Đặng Tiến Đông là người chỉ huy trận này. Theo đó, mờ sáng ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, khi đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy tiến công đồn Ngọc Hồi thì trên hướng vu hồi, Đặng Tiến Đông cũng chỉ huy đạo quân tiên phong của mình tiến công đồn Đống Đa. Chính trong trận đánh lịch sử đó, Đặng Tiến Đông còn có sáng kiến vận động nhân dân quanh vùng bện những “con cúi” bằng rơm khô rồi tẩm dầu châm lửa đốt và ném quanh đồn địch. Sáng kiến này vừa giúp ngụy trang cho các mũi tập kích, tạo điều kiện cho nghĩa quân tiếp cận và đột nhập vào trong đồn; đồng thời vừa uy hiếp tinh thần quân địch.
Để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, Đặng Tiến Đông còn quyết định cho mở màn trận đánh vào lúc canh tư và kết thúc khi trời còn chưa sáng. Sau khi tiêu diệt đồn Đống Đa, Đặng Tiến Đông chỉ huy đạo quân của mình nhanh chóng vượt qua cửa ô Thịnh Quang, ào ạt tiến vào thành Thăng Long phối hợp cùng với đạo quân chủ lực của Quang Trung nghiền nát đám quân Thanh đang “ngủ trọ” ở trong thành, buộc tướng Tôn Sĩ Nghị và đám tay chân thuộc hạ phải tháo chạy tan tác.
Sau khi vào thành Thăng Long, Quang Trung đã ban thưởng cho các tướng sĩ lập công xuất sắc trong trận đại phá quân Thanh. Đô đốc Đặng Tiến Đông là một trong những người đầu tiên nhận ân sủng đó. Ông còn được Quang Trung ban riêng cho một xã, đó là xã Lương Xá-quê hương ông-để làm thực ấp dài lâu mà không phải đóng bất kỳ một khoản nghĩa vụ nào cho triều đình.
Sau cuộc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh, Đô đốc Đặng Tiến Đông càng được nhà vua và triều đình tin tưởng, giao cho nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều Tây Sơn. Ông được phong Đại đô đốc, cai quản Đại Thiên Hùng binh. Dưới thời Quang Toản trị vì (1792-1802), Đặng Tiến Đông giữ chức Đại tướng thống vũ Thắng vệ thiên hùng hiệu. Ở trên cương vị nào, Đặng Tiến Đông cũng đem tài năng và trí tuệ phụng sự vương triều, hết lòng lo cho việc nước.
Không chỉ là một danh tướng tài ba lập công lớn trong cuộc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh; một vị quan thanh liêm và cương trực có nhiều đóng góp cho triều đại Tây Sơn, Đặng Tiến Đông còn là một người con nặng tình, nặng nghĩa và có hiếu với quê hương, hết lòng chăm lo cho công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Sau khi “công thành, danh toại”, Đặng Tiến Đông vẫn một lòng đau đáu với quê hương. Ông đã dành phần lớn bổng lộc của mình tu bổ nhiều chùa chiền, miếu mạo trong vùng; đặc biệt là động viên, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ những thân phận nghèo khó buộc phải ly tán, tha hương cầu thực, giúp họ được trở về an cư tại quê nhà. Những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Thủy Lâm, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ)… đều có sự đóng góp lớn cả về vật chất và tinh thần của người con quê hương Đặng Tiến Đông.
Đặng Tiến Đông mất ngày 15-4 (không rõ năm nào). Ghi nhớ công lao của ông đối với lịch sử dân tộc, với Thăng Long-Hà Nội, tên ông đã được đặt cho một đường phố ngay khu vực tọa lạc tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa, Hà Nội.