Dù chỉ đỗ Cử nhân, Trương Minh Giảng (1792-1841) đã chứng tỏ tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực: từ võ nghiệp hiển hách, sử học uyên thâm đến khả năng quản lý tài ba, trở thành một trong những công thần bậc nhất triều Nguyễn.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông xứng đáng với danh tiếng công thần.
Văn thần cầm quân dẹp loạn
Trương Minh Giảng (1792 – 1841) là con của Lễ bộ Thượng thư Trương Minh Thành, mẹ là bà Nguyễn Thị Điền, quê làng Hanh Thông, tổng Bình Dương, dinh Phiên Trấn (nay thuộc Phường 7, Gò Vấp, TP. HCM). Xuất thân trong gia đình quyền thế có truyền thống hiếu học nên từ nhỏ Trương Minh Giảng đã bộc lộ là người thông minh, ham học, giỏi cả văn lẫn võ.
Theo các nguồn sử liệu đăng khoa, Trương Minh Giảng đỗ Cử nhân năm Kỷ Mão (1819) tại Trường thi Gia Định. Sau đó, ông được bổ chức Tư vụ rồi dần thăng tới Lang trung Binh bộ, sau lại đổi sang Hình bộ. Năm 1829 ông thăng chức Tham tri, được phái vào Nam công cán ở Gia Định, khi đổi về kinh ông làm Tả tham tri bộ Hộ, không lâu sau được thăng lên Thượng thư bộ Hộ, kiêm quản Khâm thiên giám.
Năm 1832, triều đình sung ông làm Phó chủ khảo khoa thi Hội, thăng Thượng thư bộ Hộ, quyền giữ ấn triện Viện đô sát. Cũng trong năm này, ông giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, chủ trì việc biên soạn bộ “Đại Nam thực lục chính biên”, lại cùng Thượng thư Lễ bộ Phan Huy Thực biên soạn bộ “Liệt Thánh thực lục”.
Tháng 6/1833, Lê Văn Khôi nổi loạn, giết Bố chính Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, chiếm lấy thành Gia Định rồi mở rộng chiếm nốt các tỉnh Nam Kỳ. Vua Minh Mạng cử Thượng thư Trương Minh Giảng cùng với Thảo nghịch tướng quân là Phan Văn Thúy đem binh vào đánh dẹp.
Tháng 7/1833, quân triều đình thắng trận ở trạm Biên Long và lấy lại tỉnh Biên Hòa, ông được khen thưởng. Do công thắng trận, Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng khen thưởng một tấm bài bằng ngọc và tiền phi long bằng vàng. Tháng 8/1833, Trương Minh Giảng được cải bổ làm Thượng thư bộ Binh, lãnh chức Tổng đốc An – Hà kiêm Bảo hộ Chân Lạp quốc thay Lê Đại Cương vừa bị cách chức do để mất thành An Giang.
Bắt đầu từ đây, sự nghiệp của Trương Minh Giảng luôn gắn bó với vùng đất An Giang. Khi về làm Tổng đốc An – Hà, Trương Minh Giảng đã góp phần thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, Lê Văn Khôi yếu thế rút vào thành Gia Định cố thủ và cầu viện Xiêm, nhân cơ hội đó quân Xiêm huy động 5 đạo binh tấn công nước ta.
Đối với vùng đất Nam Kỳ, từ tháng 11/1833, quân Xiêm chia làm hai đạo tấn công Chân Lạp và Nam Kỳ. Đạo thứ nhất do Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) chỉ huy, dẫn 4 vạn quân theo đường bộ vào Chân Lạp đánh chiếm Nam Vang, đi dọc sông Mê Kông xuống Châu Đốc, vua Nặc Chân bỏ thành Nam Vang chạy xuống An Giang rồi sau đó xuống Vĩnh Long ẩn náu. Đạo quân thứ hai do Phi Nhã Phật Lăng (PhraKlang) dẫn 1 vạn quân tiến công bằng đường biển đánh chiếm Hà Tiên.
Với lực lượng vượt trội, quân Xiêm chiếm Hà Tiên rồi Châu Đốc rất nhanh chóng. Tháng 12/1833, Tổng đốc An – Hà Trương Minh Giảng cùng Tán lý Nguyễn Xuân đánh thắng quân Xiêm trận đầu ở Thuận Cảng (Vàm Nao – An Giang), tiêu diệt một phần sinh lực địch. Tin thắng trận tâu lên, vua Minh Mạng cả mừng, ông được tấn phong tước Bình Thành nam.
Tay giữ ấn kiếm đẩy lùi ngoại bang
Tuy thua trận, quân Xiêm vẫn còn mạnh, chúng xua quân và hơn 100 chiến thuyền xuôi dòng hướng xuống Sa Đéc, Vĩnh Long. Được Thái Công Triều tham mưu, Tổng đốc Trương Minh Giảng và Tham tán Nguyễn Xuân bố trí chốt chặn ở đoạn vàm sông Cổ Hủ, chợ Thủ – đối diện Cù lao Giêng. Trận đánh diễn ra ác liệt, cuối cùng quân triều đình thắng lợi (tháng 1/1834).
Bị thua nặng, quân Xiêm rút về Châu Đốc, quân nhà Nguyễn truy kích dữ dội, chúng bỏ Châu Đốc rồi Hà Tiên. Thừa thắng, ông cùng tướng quân Trần Văn Năng tiến quân lấy lại thành Nam Vang, đuổi quân Xiêm về phía Tây Chân Lạp.
Do chiến tích lớn lao đã chiếm lại thành An Giang, Hà Tiên, Nam Vang và tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực quân Xiêm, đập tan ý đồ xâm lược của chúng, Tổng đốc Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng gia phong tước Bình Thành tử, vẫn lĩnh Tổng đốc An – Hà (tháng 3/1834).
Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương (Tuần phủ An Giang) đã có bản tấu trình kế hoạch phòng thủ vùng đất Chân Lạp như sau: Chia đặt các tướng Chân Lạp phòng giữ những nơi quan trọng; Xét hình thể nước Chân Lạp thành lập đồn bảo; Lựa binh Chân Lạp; Lựa lấy thổ binh người Chàm (dòng dõi người Thuận Hóa), người Chà (dòng dõi Chà Và cư trú đất Chân Lạp); Chỉnh đốn sửa sang đồ quân dụng cho nước Chân Lạp; Chiêu tập cơ binh An Biên; Khám xét thuyền buôn ở Quảng Biên (cửa biển Cần Bột); Kinh lý biên phòng tỉnh Hà Tiên.
Nội dung trên được Minh Mạng đồng ý cho thực hiện. Đến tháng 12/1834, vua Chân Lạp là Nặc Chân qua đời, không có con trai, Trương Minh Giảng vâng lệnh vua phong vương cho công chúa Angmy, con gái vua Nặc Chân. Tháng 1/1835, Trương Minh Giảng được thăng tước Bình Thành bá, thăng thự Đông các Đại học sĩ, vẫn lĩnh Tổng đốc An – Hà kiêm giữ ấn Bảo hộ Chân Lạp.
Sau khi vua Chân Lạp mất, do không có con trai nối ngôi nên trong dòng tộc nhiều người muốn tranh giành ngôi vị. Nhân cơ hội này, vua Minh Mạng quyết định nhập Chân Lạp vào Việt Nam và đổi thành trấn Tây Thành. Trương Minh Giảng sung Trấn Tây tướng quân kiêm Tổng đốc An – Hà, còn Tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương sung Trấn Tây tham tán đại thần.
Trong thời gian làm Trấn Tây tướng quân, kiêm Tổng đốc An – Hà, Trương Minh Giảng gặp phải nhiều sự phản kháng từ người Chân Lạp. Cuộc nổi loạn của bọn Đô Y ở Hải Đông và Mịch Sô ở Khai Biên tháng 2/1838. Bên cạnh đó, Xiêm cho tướng quân là Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) chiếm đóng các vùng phía Tây Chân Lạp để tranh giành ảnh hưởng.
Các anh em của vua Ang Chan là Ang Em, Ang Duong được Xiêm hỗ trợ, liên tục tấn công quân Đại Nam đóng ở Trấn Tây. Năm 1840, Sa Mộc ở Hải Tây, phụ nữ Xà Năng và Bồn Tốt cùng thổ binh trốn đi, nhân dân Chân Lạp được sự hậu thuẫn của quân Xiêm làm loạn nổi lên khắp nơi.
Theo lệnh vua Minh Mạng, từ năm 1838 – 1840, Trương Minh Giảng đã huy động một đội quân lớn đến dẹp loạn ở trấn Tây Thành, kết quả bắt sống nhiều giặc, thổ dân theo về rất đông. Đến khi dựng bia võ công (11/1838), vua lấy Trương Minh Giảng đứng công đầu, khắc tên vào bia đá, đặt ở Võ miếu.
Công thần thành tội nhân
Sau khi vua Minh Mạng băng hà (12/1840), Thiệu Trị lên ngôi. Vua Thiệu Trị vốn không tham vọng, nhiều lần nghị bàn về tình hình khó khăn của quan quân vất vả trong việc phòng thủ trấn Tây Thành.
Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn ghi rằng: Vua cho rằng từ khi Trấn Tây có việc binh đao đến giờ, sáu tỉnh Nam Kỳ, binh và dân đều nhọc mệt, triều đình cũng khó nhọc tổn phí không biết đâu mà kể, ý đã chán việc binh đao, vả lại sang năm sau có việc tuần du ra Bắc, hãy tạm xếp việc Trấn Tây lại không nghĩ đến, cũng chẳng hại gì, mới dụ rằng:
“Sự thế hiện nay buộc phải như thế, chuẩn cho theo lời bàn mà làm. Các viên từ Kinh lược, Tướng quân cho đến Tán lý và Hiệp lý không làm được công trạng gì, đều giao cho bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội từng viên có khác nhau”.
Sau khi nghị bàn, vua Thiệu Trị ra lệnh quan quân rút về nước. Tháng 9/1841, quân Đại Nam rút về đến An Giang. Vốn là người chỉ huy cao nhất của Đại Nam ở Trấn Tây, nay lại phải theo lệnh rút binh, khó tránh Trương Minh Giảng cảm thấy xấu hổ.
Chưa hết, triều đình còn cho rằng ông không làm tròn bổn phận, không dẹp yên nổi loạn, hao tốn tiền bạc. Đã vậy, vì sợ tốn kém tiền bạc lúc rút quân về An Giang, triều đình còn chỉ dụ cho quân lính giết voi ngựa để ăn.
Trương Minh Giảng thấy quá hổ thẹn, không chịu gặp mặt các quan lại khác. Do uất ức, Trương Minh Giảng phát bệnh mà chết tại thành An Giang vào ngày 27/9/1841. Vua Thiệu Trị nghe tin ấy, không những không thương xót mà lại thêm tức giận, bèn truy xét thêm tội trạng, tịch thu lại chức tước, bổng lộc, đổ hết tội lỗi cho ông.
Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn ghi: “Vua nghe tin Giảng chết, phán rằng: Giảng đảm đương sự ký thác nặng nề, chỉ vì việc trị dân và chống giặc không đúng phương pháp, cho nên thổ dân cùng nổi lên làm loạn, để triều đình phải bận đến việc phái quân đi tiễu bắt, đã lâu ngày mà chưa xong việc. Đã giao cho bộ nghiêm ngặt nghị tội. Không ngờ đại binh vừa mới về đến nơi, đã ốm chết rồi.
Ta nghĩ: Giảng năm trước đây, làm Tham tán quân vụ, khiến giặc ở Biên Hòa và Vĩnh Long sợ mất vía, lại đánh được quân Xiêm ở Thuận Cảng. Công trạng rõ rệt, khắc vào bia đá cũng không thể mất được.
Chuẩn cho truy đoạt lại chức Trấn Tây Tướng quân, để cho rõ tội, nhưng gia ơn cho chiếu theo phẩm hàm Đại học sĩ mà cấp cho tiền tuất; lại thưởng cho 5 cây gấm Trung Quốc, 5 cây sa các màu, 20 tấm lụa, 30 tấm vải và 1.000 quan tiền, tha cho không phải truy nghị tội nữa. Lại thu lại lương bổng hàm thất phẩm chi cho con trai là Trương Minh Thi khi trước”.
Do bị vua Thiệu Trị trách phạt và tịch thu toàn bộ bổng lộc của con cháu nên sau khi mất, mộ phần Trương Minh Giảng không được chăm sóc tốt như các quan khác dù rằng tước vị của ông lúc mất là Bình Thành bá và là vị tướng duy trấn nhất Đại Nam. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1857), Trương Minh Giảng được thờ ở đền Hiền Lương. Mộ phần ông hiện tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt, Phường 7 (Gò Vấp, TP. HCM).
Giới sử học đánh giá, Trương Minh Giảng là vị Tổng đốc đa tài, ngoài chỉ huy quân đội, ông đã thể hiện khả năng quản lý giỏi. Cụ thể, sau khi ổn định tình hình Trấn Tây, ông đã chỉ huy xây lại thành An Giang và Hà Tiên năm 1834, ổn định cuộc sống nhân dân. Tham gia đo đạc địa bạ 6 tỉnh Nam Kỳ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thương mại biên giới.
Sự đóng góp của Tổng đốc Trương Minh Giảng đối với tỉnh An Giang và Nam Bộ từ năm 1833 – 1841 là rất lớn trên các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị nội địa và bảo vệ độc lập cho nước Chân Lạp, xóa tan sự xâm lược của Xiêm La. Tên của ông cũng được chọn để đặt cho một tuyến phố tại Đà Nẵng.
Hiện nay, tại di tích nhà thờ họ Trương Việt Nam ở Thiên Tôn (Ninh Bình), Trương Minh Giảng được phối thờ cùng 13 danh nhân họ Trương đại diện cho 3 miền gồm: Thái phó Trương Hán Siêu, Trạng nguyên Trương Hanh, Trương Xán, Thượng thư Trương Công Giai, Thái sư Trương Đăng Quế, Đông các học sĩ Trương Quốc Dụng, Thượng thư Trương Công Hy, Võ tướng Trương Hống, Trương Hát, Trương Nữu, Tăng lục võ sư Trương Ma Ni, Tướng quân Trương Chiến, Anh hùng Trương Công Định.
Trần Siêu (Theo Giáo Dục và Thời Đại)