Trận Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938) với bãi cọc ngầm kỳ diệu đã đi vào sử sách. Tuy nhiên, danh tính của những người chỉ huy đóng cọc ngầm, góp phần làm lên chiến thắng vang dội của trận thắng vĩ đại chưa nhiều người biết.
Trong cuốn “Ngô Quyền và các danh tướng trong trận Bạch Đằng lịch sử”, tác giả Lê Thái Dũng đã liệt kê bốn vị tướng chỉ huy đóng cọc đó là Dương Thục Phi, Hoàng Công Thái, Phạm Đức Dũng và Dương Cát Lợi.
Tướng Phạm Đức Dũng là một trong bốn vị tướng chỉ huy quân đóng cọc trong trận Bạch Đằng. Ông quê thôn Đào Truyền (nay thuộc Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Cha ông vốn là thuộc tướng của Tiết độ sứ Khúc Hạo. Năm Nhâm Thìn (932), Phạm Đức Dũng trở thành bộ tướng của Tiết độ sức Dương Đình Nghệ, lập được nhiều công nên được Dương Đình Nghệ gả con gái tên Thúy Hoa.
Sau này khi theo Ngô Quyền, tướng Phạm Đức Dũng nhận lệnh đem quân đến sông Bạch Đằng tiến hành chặt cây làm cọc nhọn bịt sắt, cắm xuống sông để tạo thành trận địa cọc, chuẩn bị đối phó với đạo quân xâm lược do Hoằng Tháo đang theo đường thủy kéo vào nước ta.
Quân giặc sa vào trận địa cọc trong khi nước thủy triều đang rút, nhận được lệnh tấn công, Phạm Đức Dũng cùng các tướng lĩnh như Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc… phục binh ở hai bên bờ sông đồng loạt nộ lên, dùng cung tên, câu liêu, thuyền nhỏ đánh mạnh vào đội hình quân Nam Hán.
Sau trận Bạch Đằng lịch sử, Ngô Quyền lên ngôi phong Phạm Đức Dũng làm Tả vệ Đại tướng quân. Khi vua Ngô Quyền mất, Phạm Đức Dũng cáo quan về quê nhà sống đời thanh bình và mất vào năm Bính Tuất (986) thọ 88 tuổi.
Tướng Hoàng Công Thái là người phụ giúp tướng Phạm Đức Dũng trong việc đóng cọc trên sông Bạch Đằng. Khi tướng Phạm Đức Dũng nhận lệnh của Ngô Quyền cấp tốc hành quân đến khu vực sông Bạch Đằng để chuẩn bị trận địa cọc ông đã được Hoàng Công Thái (là người địa phương) giúp đỡ.
Hoàng Công Thái là người thông thái luồng lạch, con nước, ông còn tập hợp dân chài giỏi bơi lặn đến giúp xây dựng trận địa cọc. Trước khi chiến thuyền của quân Nam Hán đến sông Bạch Đằng, Hoàng Công Thái được phong làm tướng chỉ huy một đạo dân binh cùng Phạm Đức Dũng phục binh ở bên bờ tả ngạn dưới quyền chỉ huy của Dương Tam Kha.
Khi thuyền giặc đã vào sâu, thủy triều rút nhanh bãi cọc hiện ra cũng là lúc Hoàng Công Thái cùng các cánh quân khác đồng thời nổi dậy kết hợp trên bờ, dưới sông tấn công mãnh liệt vào đội hình thuyền chiến của quân Nam Hán. Số phận của Hoàng Công Thái sau trận chiến không được sử liệu nào ghi chép lại.
Tướng Dương Thục Phi quê Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) vốn là gia tướng của Tiết độ Sứ Dương Đình Nghệ. Dương Thục Phi là một trong những vị tướng được giao nhiệm vụ chỉ huy quân dân chặt gỗ, vớt nhọn rồi đóng cọc xuống sông. Sau trận đại thắng, với công trạng của mình, ông được Ngô Quyền phong làm Đại tướng quân.
Tướng Dương Cát Lợi, theo tác giả Lê Thái Dũng, các thông tin về vị tướng này không nhiều, chỉ biết rằng, ông là gia tướng của Dương Đình Nghệ. Năm Đinh Dậu (937) khi Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ rồi thần phục nhà Nam Hán ở phương Bắc. Vua Nam Hán sai con là Hoằng Tháo đem quân theo đường biển ào ạt vào nước ta. Dương Cát Lợi báo hung tin cho Ngô Quyền.
Sau đó Dương Cát Lợi đi theo Ngô Quyền và được lệnh chỉ huy việc đóng cọc, phá giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Khi Triều Ngô thành lập, ông được phong chức Chỉ huy sứ.