Ông là vị thám hoa “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, từng viết hơn 40 tập sách khác nhau.
Theo sách “Sử Việt những bất ngờ lý thú”, Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) là một trong những vị thám hoa tài năng nhất trong sử Việt. Tài năng của ông trải dài trên các lĩnh vực như: thiên văn, địa lý, sử, triết học, hội họa. Ông đã để lại một sự nghiệp trước tác đồ sộ có, gồm ngót 40 tập sách khác nhau. Ảnh minh họa.
Thám hoa Nguyễn Huy Oánh viết rất nhiều nhưng phần lớn các tác phẩm của ông hiện nay đã thất lạc, hiện nay chỉ còn 8 tập sách gồm: Bắc dư tập lãm (Xem tập sách địa lý phong tục của phương Bắc), Hoàng hoa sứ trình đồ (bản đồ hành trình đi sứ), Phụng sứ yên kinh tổng ca (Bài ca tổng quát đi sứ Yên Kinh), Sơ học chỉ nam (Sách hướng dẫn cho người mới học), Quốc sử toản yếu (Tóm lược quốc sử), Huấn nữ tử ca (Bài ca giáo huấn con gái), Dược tính ca quát (Tổng quát những bài ca về tính dược), Thạc Đình di cảo (Bản thảo để lại của Thạc Đình). Ảnh: UNESCO.
Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) có tên húy là Xuân, tự là Kính Hoa, hiệu là Thạc Đỉnh, Lựu Trai, biệt hiệu là Thiên Nam cư sĩ. Ông là người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), một làng quê nổi tiếng bởi Văn phái Hồng Sơn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hà Tĩnh.
Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Thám hoa, sau được bổ dụng làm Thị giảng trong phủ chúa Trịnh Doanh (1740-1767) kiêm chức Hàn lâm viện thị chế. Ông từng là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm (1767-1782) thuở thiếu thời. Ảnh: Tư liệu.
Năm 1750, Nguyễn Huy Oánh được bổ làm Hiệp đồng Nghệ An, rồi Đông Các hiệu thư, Thượng bảo tự khanh. Năm 1757, ông được thăng làm Đông Các đại học sĩ, năm 1759 làm Tri binh phiên, Nội giảng, Tư nghiệp (Hiệu phó) Quốc Tử Giám. Ảnh: Tư liệu.
Vào năm 1761, ông được ban tam phẩm để tiếp sứ nhà Thanh. Sau chuyến đi sứ trở về, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Công, rồi Thượng thư bộ Công (Có tài liệu ghi bộ Lại) vào năm 1782. Khi đang ở đỉnh cao quyền lực, năm 1783 ông viết Từ Tham tụng Khải (Bài khải từ chối chức Tham tụng – Tể Tướng) để cáo lão về trí sĩ ở hẳn quê nhà khi thấy triều Lê – Trịnh ngày càng mục nát. Ảnh: Báo Bình Phước.
Nguyễn Huy Oánh đề cao nhất việc đào tạo, giáo dục, coi trọng chất lượng quan lại vì chính họ sẽ làm nên chất lượng công việc do triều đình giao phó. Sau khi từ quan về quê, ông lập ra thư viện tư Phúc Giang, mở trường tư, in ấn rất nhiều sách vở phục vụ cho việc học tập. Sưu tầm hàng chục nghìn trang tài liệu bằng chữ Hán Nôm cho học trò tham khảo. Thư viện của ông được triều đình cấp sắc công nhận cùng với một số thư viện tư nhân khác đương thời, trường học của ông được ghi nhận là Thạc Đình học hiệu (Trường Lưu học hiệu), bản thân ông được suy tôn là Trường Lưu tiên sinh, được xem như nhà giáo chuẩn mực đương thời. Theo một số tài liệu, ông từng đào tạo được hơn 30 học trò đỗ tiến sĩ. Ảnh: Khoa học và Đời sống.