Việc phân định cao – thấp chỉ có thể dựa vào ý trời bằng cách “tung quyển thi” vào một vòng tròn.
Khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499) đời vua Lê Hiến Tông được xem là khó phân định nhất triều nhà Lê. Nhưng cuối cùng, nhờ vào cách tung quyển thi vào ô vòng tròn mà Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn.
Nhân tài mồ côi
Sách “An Nam cửu kinh long” của Cao Biền vào thế kỷ 8 đã viết về thế đất: “Ngũ mã đồng quần/ Thất tinh ủng hậu/ Chiểu Lãng, Ba Đậu/ Địa phát khôi khoa” (Năm con ngựa cùng bày/ Chòm thất tinh nâng đỡ phía sau/ Chiểu Lãng, Ba Đậu/ Đất phát người đỗ đạt).
Tiên đoán của Cao Biền phần nào được xem là chính xác khi mạch khoa danh của vùng đất Ngoại Lãng xưa (Song Lãng nay) và các làng phụ cận thuộc hương Mần Để nhiều phần rạng rỡ.
Sự học ở hương Mần Để xưa có lẽ được tính từ Đỗ Đô (1042 – 1170), tức Đạt Mạn thiền sư. Theo sử sách, ông theo cha mẹ về sống ở làng Ngoại Lãng (nay thuộc xã Song Lãng). Cùng với vua Lý Anh Tông, Đỗ Đô là thiền sư thuộc thế hệ thứ ba của thiền phái Thảo Đường.
Năm 1066 triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được cử sang Trung Hoa tham dự khoa thi Bạch Liên của nhà Tống (khoa thi Tiến sĩ về Phật học), và đỗ Trạng nguyên. Trở về nước, Đỗ Đô được vua Thánh Tông cử làm quan văn tới chức Vệ Đại phu và ban pháp hiệu là Đạt Mạn. Về sau Đỗ Đô xin vua xây dựng và tu hành tại chùa Phúc Thắng tại quê nhà Ngoại Lãng.
Kể từ thế kỷ 15 về sau, sự học nơi đây càng mạnh mẽ hơn, tiêu biểu là sự góp mặt của hai anh em nhà khoa bảng họ Đỗ là Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm khoa Kỷ Mùi (1499), và Hội nguyên Tiến sĩ Đỗ Lý Oánh khoa Mậu Thìn (1508).
Theo “Từ điển địa chí huyện Vũ Thư”, Đỗ Lý Khiêm (chưa rõ năm sinh, mất năm 1512) là người làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ, nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Tương truyền, cha mẹ ông sinh được hai người con trai, Đỗ Lý Khiêm là anh, Đỗ Lý Oánh là em. Cha mất sớm, ba mẹ con Đỗ Lý Khiêm phải sống nhờ ở quán nước ven đường nhưng cả hai anh em đều chăm học, sáng dạ, hiếu thảo nên được nhiều người giúp đỡ.
Năm 1499 triều đình nhà Lê mở khoa thi, vua Lê Hiến Tông cần người hiền tài giúp trị quốc nên ra chỉ dụ. Việc này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì đạo trị nước mới thịnh.
Khoa mục là con đường chính của người làm quan, đường chính mở thì chân nho mới xuất hiện. Cho nên ngày xưa dùng khoa lấy người tài giỏi phải đặt quy chế chia vị cho nghiêm, phải định thể lên dán tên cho chặt, có lệnh cấm bảo nghĩa cho nhau, đổi sách cho nhau, cốt để ngăn ngừa mầm gian, thu nhiều người giỏi, để cung cấp cho nhu cầu dùng người vô cùng của thiên hạ.
Phép chọn kẻ sĩ của tổ tông ta bắt chước đời xưa mà làm, đến nay quy mô rộng lớn, đã rất kỹ lại đầy đủ. Song phép lập đã từ lâu, tệ xấu theo đó mà nảy sinh, kẻ tầm thường thì lạm vào hàng thi đỗ, người thực học thì bị gạt ra ngoài vòng, lời bàn tán xôn xao, lòng học trò chưa thỏa.
Trẫm giữ cơ nghiệp lớn, rạng tỏ đạo công, sùng chuộng lòng thành, muốn văn hồi phong tục thuần phác, ngăn cấm lề thói phù hoa, mong trừ bỏ thói tệ kiêu bạc. Để cho bậc hiền triết nối gót bước lên, việc phòng giữ phải đặt ra minh bạch”.
Đỗ Lý Khiêm tham gia ứng thí. Khoa thi này còn có một nhân tài lừng lẫy, đó là Lương Đắc Bằng, người làng Hội Trào (Hội Triều), huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa (nay là xã Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cũng nổi tiếng là thần đồng từ bé và là thầy dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vượt qua các cuộc thi Hương, thi Hội, 55 sĩ tử trong đó có cả Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Khi các quan chủ khảo chấm bài thì thấy có 2 bài rất nổi trội, là 2 bài của Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm. Vì khoa thi chỉ chọn 1 Trạng nguyên nên các quan chấm bài rất kỹ lưỡng, nhưng cả 2 bài văn sách đều có văn tài hay như nhau, không thể xác định được bài nào vượt trội hơn.
Nhường nhau danh hiệu cao nhất
Các quan liền tâu lại với nhà vua. Nghe theo lời các đại thần, vua cho 2 người làm thêm bài ứng chế. Nhưng sau đó các quan chấm và thấy rằng 2 bài ấy cũng lại hay như nhau, không sao xác định được ai hơn.
Vua liền cho 2 người làm thêm một bài văn “bái mạng”. Bấy giờ Đỗ Lý Khiêm qua thời gian dài ở kinh thành dự thi, tiếp xúc với Lương Đắc Bằng và cảm thấy đây là người rất tài năng, xứng đáng là Trạng nguyên, nên không có ý so tài nữa, vì thế chỉ làm qua loa cho xong.
Vua xem bài của Lương Đắc Bằng xong, đến bài của Đỗ Lý Khiêm thì thấy bài viết kém hẳn so với các bài trước đã viết. Đoán biết ông cố ý nhường danh hiệu Trạng nguyên, vua liền nói lại điều này cho Lương Đắc Bằng biết.
Lương Đắc Bằng biết được thì cảm thấy hổ thẹn, nói với vua rằng phẩm chất của mình không sánh được với Đỗ Lý Khiêm, ngôi vị Trạng nguyên nên trao cho Đỗ Lý Khiêm. Thế rồi cả hai người nhất mực nhường nhau không ai muốn nhận làm Trạng.
Tình huống khiến vua và triều thần không biết làm thế nào. Các quan liền nghĩ ra một cách là vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi vào, quyển thi của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên.
Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Lương Đắc Bằng nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ thứ hai – Bảng nhãn. Khoa thi này theo “Đại Việt sử ký toàn thư” chép là được dựng bia đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám song đã bị thất lạc, bia này hoặc đã bị hủy hoại, hoặc chuyển dịch thất lạc, bị vùi lấp đâu đó chưa phát hiện được.
Lại có giai thoại kể rằng, do ngụ ý của hoàng hậu, danh hiệu Trạng nguyên nên để cho Đỗ Lý Khiêm vì người này đang giữ chức quan trọng trong triều đình, lại nhiều tuổi. Ích vui vẻ nhường nhịn, do vậy ông chỉ là Bảng nhãn.
Vua Lê Hiến Tông rất đẹp lòng, đổi tên cho Ích thành Đắc Bằng và ông mang tên này từ đó. Vua còn ngự chế tặng hai vị Tiến sĩ đệ nhất giáp hai bài thơ mừng.
Tuy nhiên dễ thấy đây là một giai thoại không có căn cứ, nhằm dùng sức học của Lương Đắc Bằng mà hạ bệ tài năng của Đỗ Lý Khiêm. Trong lịch sử khoa bảng, một số tư liệu không chính thống chỉ ghi chuyện người nhà của vua can thiệp kết quả khoa thi, nhưng đó là trường hợp mẹ vua chứ chưa hề có tài liệu nào cho biết là hoàng hậu (vợ vua) như giai thoại nêu trên.
Trường hợp mẹ của vua can thiệp kết quả thi rơi vào khoa thi Đình năm 1508 đời vua Lê Uy Mục. Các quan trường thi nhận thấy Hứa Tam Tỉnh có bài tốt hơn, dự kiến lấy đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Giản Thanh đỗ Bảng nhãn, Nguyễn Hữu Nghiêm đỗ Thám hoa.
Ba người đỗ đầu vào yết kiến vua. Bà Kinh phi là mẹ nuôi của vua, nhìn thấy Nguyễn Giản Thanh có tướng mạo khôi ngô trong khi Hứa Tam Tỉnh dung mạo xấu xí. Bà chỉ vào Nguyễn Giản Thanh hỏi các quan: Người này chắc là Trạng nguyên?
Quan chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng, chỉ cả vào Giản Thanh và Tam Tỉnh tâu rằng: “Hai người này tài học ngang nhau nên chúng thần chưa biết lấy ai đỗ trạng. Xin Thái hậu và Hoàng thượng phán xét”.
Hai anh em được tôn phúc thần
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Đỗ Lý Khiêm đổi tên thành Đỗ Lý Ích, làm quan đến chức Phó đô Ngự sử. Ông là người tiết tháo, làm quan trải 4 đời vua Lê là Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục và Tương Dực.
Thời Lê Tương Dực, ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang nhà Minh (Trung Quốc). Sứ thần ta được khen là tài giỏi, được vua Minh tiếp đãi trọng thể, lại cử một đoàn sứ bộ sang Đại Việt cùng đoàn sang Đại Việt đáp lễ. Đoàn về đến Bằng Tường (Trung Quốc) thì gặp cướp. Đỗ Lý Khiêm dũng cảm chống trả nhưng chẳng may bị trúng tên độc và mất trên đường về.
Sau khi qua đời, vua Lê truy phong cho ông tước Thái bảo hàm Thượng thư, lại phong làm Phúc thần làng Ngoại Lãng. Đền thờ ông còn ghi: “Cảnh Thống Trạng nguyên vọng phiên sơn đẩu/ Bằng Tường sứ tử tiết lẫm băng sương” (Đỗ Trạng nguyên năm Cảnh Thống danh vọng như núi cao, như Bắc Đẩu/ Đi sứ tử tiết ở Bằng Tường, tinh thần khí tiết như sương trong).
Em trai Đỗ Lý Khiêm là Đỗ Lý Oánh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (năm 1508), làm quan đến Thượng thư bộ Lễ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông không chịu làm quan cho nhà Mạc. Khi mất ông cũng được phong làm phúc thần làng Văn Lãng.
Tuy nhiên cũng có tài liệu nói Đỗ Lý Oánh sau khi thi đỗ Hội nguyên tại kinh đô Thăng Long vào năm 1505, được bổ làm Đông các thị thư, sau đó làm trưởng ban võ bảo vệ triều đình. Trong cuộc dẹp loạn Trịnh Duy Sản, bảo vệ vua lánh nạn, ông đã tử trận. Vua Lê truy tặng ông là Thượng thư bộ Lễ, hàm Thái bảo, chuẩn cho dân Ngoại Lãng xây miếu thờ, tôn làm phúc thần.
Từ đường họ Đỗ còn được vua ban cho 2 chữ “Trung – Hiếu”. Bảy triều đại, từ Vĩnh Khánh đến Khải Định đều ban sắc ghi công Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và Tiến sĩ Đỗ Lý Oánh. Bức trướng do vua Tự Đức đề tặng anh em Trạng nguyên, Hội nguyên họ Đỗ: “Cảnh Thống Trạng nguyên, Đoan Khánh Hội nguyên, Tình nghĩa hồng đàm bằng tường suý tiết thanh cao”.
Chuyện hai anh em ruột cùng thi đỗ Tiến sĩ trong lịch sử khoa bảng không phải là hiếm, nhưng cả hai anh em sau khi mất đều được phong phúc thần, được dân làng thờ tự thì trong lịch sử không có nhiều. Đó âu cũng là cái đức làm quan theo đúng câu nói của người xưa “Thương dân, dân lập đền thờ”.
Song Lãng vẫn lưu truyền giai thoại kể về sự hiếu học của anh em Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm: Những lúc rảnh việc, hai anh em thường giảng giải cho nhau văn bài. Tiếng đồn về hai anh em họ Đỗ vang ra đến tận kinh đô.
Có người học trò họ Hoàng ở kinh đô cho mình là giỏi, sẽ đỗ đầu khoa này, nghe tin anh em họ Đỗ bèn về tận nơi, tìm đến quán nước để thử tài.
Người học trò họ Hoàng giở hết cách để xem tài năng của hai anh em như ra câu đối, làm thơ hạn vận, làm phú, làm kinh nghĩa, hỏi các điển tích trong Tứ thư và Ngũ kinh… Hai anh em đều tỏ ra hơn hẳn. Sau cùng, người học trò họ Hoàng đành phải bái phục và nói: “Khoa thi này, khôi nguyên nhất định về tay họ Đỗ, ta phải lùi lại khoa sau thôi”.
Trần Siêu (Theo Giáo Dục và Thời Đại)