Trần Quốc Toản đã giương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” đánh giặc Nguyên xâm lược và hi sinh anh dũng khi chưa đầy 17 tuổi.
Phần I – Bóp nát quả cam
Tâm tư của chàng thiếu niên yêu nước
Quốc Toản đến Giảng Võ trường thì binh lính các ngạch thân quân và du quân đầu đội nón ma lôi [1], gươm giáo, cung nỏ cầm chắc trong tay, đã đứng thành từng đô [2] rất nghiêm chỉnh. Các tướng phiêu kỵ, trấn quốc, cận vệ, chư vệ nai nịt gọn gàng theo thứ bực, đang đứng trước quân ngũ của mình.
Quốc Toản đang mải nhìn đoàn đội trạo nhi [3] hùng dũng mang các danh hiệu Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Đang vừa tiến vào Giảng Võ trường thì đã thấy Quốc công tiết chế [4] uy phong lẫm liệt, cùng mấy viên tùy tùng, tiến thẳng đến trước mặt binh lính.
Đây rồi những điều Quốc Toản băn khoăn mong đợi bấy lâu:
– Ta có mấy lời nhắn nhủ các ngươi – Quốc công tiết chế sau lời an ủi tướng sĩ, cất cao giọng – Các ngươi là tướng nắm giữ binh quyền, là lính các ngạch chung lo việc nước. Nay thấy sứ ngụy qua lại tới tấp trên đường uốn tấc lưỡi cú vọ làm nhục triều đình, đem tấm thân chó dê khinh lờn tể phụ, chẳng lẽ các ngươi không thấy dã tâm của kẻ trùm mọi? Trong lúc quốc nạn này, nếu tướng không rèn dạy quân lính, tập tành cung tên thì khác nào giở giáo đón giặc, để tiếng xấu muôn đời.
Từng lời, từng lời Quốc công tiết chế nói như in vào trí óc, khắc vào trí óc, khắc vào xương tủy Quốc Toản, khiến Quốc Toản hởi lòng hởi dạ. Rõ ràng là Quốc công tiết chế đã mượn cuộc thi võ này để báo động thế nước lâm nguy, răn dạy quân sĩ luyện tập phòng giặc.
Có thế chứ! Vua quan nhà Nguyên cậy sức muốn cướp sống nước Nam, bắt ức vua ta phải sang chầu Hốt Tất Liệt [5], đòi ta phải nộp người có tài khéo nghề tinh, đòi vàng bạc châu báu, đòi mượn đường đánh Chiêm Thành thì ta phải sửa soạn đánh lại chúng.
Tuy vậy, cứ nhớ hôm sứ nhà Nguyên là Sài Thung tới Thăng Long, ngang nhiên cưỡi ngựa qua cửa Dương Minh, tàn nhẫn đánh quân Thánh Dực [6] ra cản, không thèm tiếp Tướng quân Thái úy [7], Quốc Toản vẫn còn bất bình thấy vua và các đại thần cứ nhún nhường chúng mãi.
Quốc công tiết chế nói xong liền cho thi võ. Nhưng đứng xem mà Quốc Toản vẫn hoàn toàn bị cuốn hút vào những lời tiết chế vừa nói.
Suy nghĩ về bổn phận phải giữ lấy quốc thể, mường tượng ngày dân cả nước phải đương đầu với giặc Nguyên, mà linh tính như báo trước, không thể tránh khỏi, Quốc Toản mơ ước có cái sức mạnh thần thông, xông pha giữa muôn trùng giáo mác, chém tướng giặc như trở bàn tay.
Ngay chiều hôm ấy, Quốc Toản bày tỏ ý muốn được đánh giặc với chú Chiêu Thành Vương.
Nghe cháu nói chân tình, Chiêu Thành Vương can gián:
– Cháu còn bé chưa biết được việc quân quốc!
Quốc Toản tức muốn khóc:
– Cháu còn nhỏ thật, nhưng quân Nguyên mà sang đây cháu cũng đánh được chúng.
Chiêu Thành Vương bật cười rồi nghiêm mặt:
– Cháu ta có khẩu khí anh hùng, xứng đáng với dòng dõi cha ông. Nhưng bây giờ cháu phải cố học. Võ có giỏi, văn có hay mới đánh giặc mau thắng được.
Nghe chú nói có lý nhưng Quốc Toản buồn rầu thấy chú cho mình là con trẻ. Chẳng thà không nói với chú con đỡ bực bội hơn.
Cả kinh thành sục sôi, gấp rút chống giặc
Quốc Toản ở Kinh Đô đã quá ngày mẹ hẹn một tháng. Quốc Toản biết mẹ đang mỏi mắt trông chờ mình. Áy náy lắm, nhưng làm sao Quốc Toản rời Kinh Đô lúc này được. Kể từ ngày xem đấu võ, nghe Quốc công tiết chế khích lệ tướng sĩ, lo bố phòng giữ nước, Quốc Toản tự thấy vận mạng mình gắn với vận mạng đất nước: mọi niềm vui nỗi buồn cũng từ đó bị chi phối. Ngày ngày Quốc Toản say sưa nhìn các đô tả hữu Thánh dực, tả hữu Thần dực, tả hữu Long dực, tả hữu Hổ dực chuyên cần thao luyện không mỏi. Không cứ quân lính, ngay trai tráng kinh thành cũng tự lập thành từng đô luyện võ, thi vật, múa ngựa, sắm gươm giáo, phòng khi giặc đến. Không chỉ có vua và triều đình mải đối phó việc quốc nạn mà là mọi người đều chung lo cho vận nước. Trên các ngả đường, chỗ nào cũng rộn vang tiếng búa. Các bễ lò rèn nổi lửa suốt ngày đêm. Các bô lão vừa xếp đồ đạc vào hòm xiểng vừa thúc giục con cháu gói gọn quần áo, kịp phòng nạn can qua.
Cả kinh thành đang gấp rút chống giặc!
Được mắt thấy tai nghe những diễn biễn ấy, Quốc Toản tự hỏi: các bậc bô lão, các trai tráng, các tay thợ rèn là những người chưa bao giờ bước chân đến chỗ lầu son gác tía, chưa bao giờ được dự bàn việc nước mà họ cũng lo lắng nghĩ kế giữ nước, huống hồ mình là bậc tôn thất sao lại không nghĩ được như thế? Khốn nỗi, Quốc Toản cứ bị coi là đứa trẻ. Không ai bàn việc với Quốc Toản. Nếu Quốc Toản có góp lời thì liền bị các vương hầu gạt đi mà rằng: cháu còn nhỏ, chưa biết được việc quân quốc trọng sự. Mỗi lần như thế, Quốc Toản tức khí tự nhủ: việc nước là việc chung. Đợi rồi xem ta có giết được giặc hay không?
Trần Quốc Toản Bóp nát quả cam
Buộc vội con ngựa đã sùi bọt mép vào gốc cây bên đường, Quốc Toản áo đẫm mồ hôi, sắc mặt đỏ gay vì nắng, chạy xồng xộc xuống bến Bình Than. Nhưng lập tức Quốc Toản bị quân Thánh Dực giữ lại. Năn nỉ mãi cũng không được, Quốc Toản đành phải lùi lại, thẫn thờ nhìn bến Bình Than vừa tủi thân vừa uất ức.
Chao ôi! Ngày hội sư mới long trọng làm sao! Những thuyền là thuyền; thuyền đậu dài san sát, mang cờ hiệu của các vương hầu bốn phương tụ về.
Qua chấn song có rủ mành trúc của thuyền rồng, Quốc Toản thấy các vương hầu đang bàn việc với vua. Hình như vua đang nói điều gì hệ trọng lắm nên các vị vương hầu đều hướng về vua Thiệu Bảo [8] không nhúc nhích.
Chắc là không ngoài việc cho quân Nguyên mượn đường đánh Chiêm Thành hay chống cự lại. Rành rành là nó cậy sức muốn nuốt sông nước Nam. Vậy thì việc gì phải bàn đi bàn lại! Quốc Toản ước ao được xuống thuyền rồng tâu xin vua cho đánh. Không nói được ý mình, Quốc Toản bồn chồn không yên.
Đứng đây đến bao giờ nữa? Nhất định phải nói được ý mình. Cứ xuống xin vua cho đánh, rồi sau muốn ra sao thì ra. Lòng đã quyết, nhanh như chớp, Quốc Toản chạy xô mấy người lính Thánh Dực chắn đường, chạy xuống bến. Viên tướng chỉ huy quân Thánh Dực cố chặn lại. Lập tức Quốc Toản tuốt gươm, mắt long lên giận dữ:
– Ta xuống bệ kiến bàn kế đánh giặc. Không giãn ra, ta chém.
Nể Quốc Toản là con nhà quốc thích, nhưng thấy Quốc Toản làm quá, viên tướng vừa ngạc nhiên vừa dằn giọng:
– Thánh chỉ đã cấm! Nếu Hoài Văn khinh thường phép nước, anh em phải theo thượng lệnh!
Bất chấp lẽ phải, Quốc Toản vung kiếm múa tít, cố tiến xuống bến. Tiếng kêu thét náo động cả bến sông.
Nghe tiếng ồn, vua Thiệu Bảo cho đình buổi bàn cùng quần thần bước ra mạn thuyền. Thấy Quốc Toản đang đánh nhau với lính Thánh Dực, vua thất kinh hỏi Hưng Đạo Vương đứng kề bên:
– Hoài Văn Hầu đang làm gì trên đó?
Hưng Đạo Vương và mọi người không ai hiểu căn nguyên sự việc. Nhận ra cháu, Chiêu Thành Vương hốt hoảng chạy lên bờ:
– Chết thôi! Coi thường phép nước cháu không sợ tội chết sao! Chú đã khuyên cháu về quê sao lại mạo muội đến đây?
– Biết vua họp bàn việc nước với các vị vương hầu, cháu tìm đến.
– Tự tiện đến đã không phải lại còn gây sự với quân Thành Dực. Tội cháu lớn lắm.
Quốc toản đáp:
– Cháu biết phép nước là trọng, nhưng khi quốc biến ai cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Nhưng chẳng hay vua và các vị vương hầu chủ chiến hay chủ hòa?
– Cũng có người nghĩ thế này thế khác. Còn đang bàn.
– Trời ơi – Quốc Toản nổi nóng – ai chủ hòa? Dâng nước cho giặc hay sao?
Bất thình lình, Quốc Toản chạy như tên bắn xuống bến rồi nhảy lên thuyền rồng, quỳ trước mặt vua, nói lớn:
– Cho giặc mượn đường là mất nước! Xin bệ hạ cho đánh!
Có người gay gắt:
– Hoài Văn Hầu làm loạn phép nước. Xin bệ hạ cho chém đầu là gương.
Nhận ra tiếng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc [9], kẻ chủ trương cho giặc mượn đường, vua Thiệu Bảo lộ rõ sự khó chịu. Và, chính vì vậy, trái với lệ thường, vua thân đỡ Quốc Toản dậy, ôn tồn:
– Muốn trị được nước phải nghiêm quân lệnh với cả người thân, Tội Hoài Văn Hầu đáng lẽ không dung. Nhưng tuổi nhỏ mà biết lo cho vua cho nước, trí ấy đáng khen. Tuy vậy, việc nước đã có người lớn lo. Em ta hãy về quê để chăm sóc mẫu thân.
Thương Quốc Toản đi xa mệt, vua truyền cho Hưng Đạo Vương lấy một quả cam đưa cho Quốc Toản và nói:
– Ai cũng có phần cam. Vậy cho em ta một quả.
Vẫn chưa dứt cơn kích động. Quốc Toản gượng tạ ơn vua, quay gót lên bờ. Đằng sau nổi lên trận cười của các vị vương hầu, rõ nhất là của Chiêu Quốc Vương. Quốc Toản bực mình quay đầu nhìn lại. Như trêu ngươi, cờ hiệu của Hưng Võ Vương, Hưng Trí Vương, Hưng Hiếu Vương, con trai Hưng Đạo Vương ngạo nghễ tung bay, nô giỡn với gió mạnh. Những người em họ ấy chỉ hơn Quốc Toản bất quá năm, bảy tuổi. Phải chăng vì cha ta mất sớm nên ta mới phải đứng chầu rìa nhục nhã thế này? Quốc Toản tủi thân tự hỏi.
Đám quân Thánh Dực thấy Quốc Toản cau có lên bờ cũng cố gắng nín cười. Quốc Toản nghiến răng kìm cơn thịnh nộ: “Được rồi, ta sẽ chiêu binh mãi mã để xem ai giết được nhiều giặc!”.
Khi sắp tháo cương ngựa trở về, Quốc Toản giật mình, quả cam quý vua ban đã bị bóp nát tự bao giờ.
Phần II – Giai đoạn chuẩn bị
Tấm lòng của Trần mẫu
Quốc Toản nằm ngủ trên sập gụ, đầu ngoẹo sang một bên. Trần mẫu đặt ngọn nến trên án thư, nâng đầu con đặt lại cho thằng rồi ghé ngồi xuống chiếc đôn cạnh sập, bần thần ngắm đứa con trai duy nhất. Ngay hôm nghe con từ kinh về kể chuyện vua quan nhà Nguyên muốn phen nữa cướp nước Nam và xin được chiêu binh mãi mã, sắm sửa khí giới, tích lương thảo chờ giặc, có đêm nào Trần mẫu ngủ được trọn giấc đâu. Trần mẫu đã nghĩ kỹ rồi, lẽ nào Trần mẫu lại không khích lệ con thấy quốc sỉ mà làm thinh, thấy quốc nhục mà cam chịu. Trần mẫu nào muốn con giữ được chữ hiếu mà mất chữ trung. Trái lại, thấy con tuổi còn trẻ mà đã có chí lớn, Trần mẫu thầm kiêu hãnh và tự hào. Điều mà Trần mẫu lo lắng là vì con còn nhỏ, như cánh hoa chưa chịu được sương gió.
Trần mẫu rùng mình nhớ lại gần 30 năm trước, quân giặc đông như kiến cỏ kéo sang đất mình. Chúng như bầy quỷ dữ, đi đến đâu là tàn phá, giết chóc, đến cây gỗ cũng không mọc được. Khi đuổi được giặc rồi thì Kinh Đô biến thành tro bụi. Đức ông ngày ấy cũng xông pha nơi trận mạc, một mình Trần mẫu phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm đưa gia đình chồng chạy giặc.
Nay giặc kéo sang ư? Chúng nó thì hung dữ mà con thì còn trẻ dại, liệu có cự lại được chúng không. Nếu có mệnh hệ nào thì ta sống sao nổi.
Biết trả lời con thế nào đây? Nếu con hư thì phải khuyên răn can bảo. Đằng này, con xin đi phò vua giúp nước, lẽ nào lại dạy con làm trái đạo thánh hiền? Chú Chiêu Thành Vương cũng chẳng thấy về. Chợt nhớ ra viên gia tướng vẫn theo Đức ông đi trận mạc, Trần mẫu vời lên hỏi:
– Hoài Văn Hầu muốn khởi binh đi đánh giặc, ông thấy thế nào?
Người tướng già kính cẩn:
– Công tử có chí lớn, tính đã quyết là hành. Con người ấy sẽ thành một tướng tài xuất chúng.
– Chẳng hay võ nghệ con ta ra sao?
– Các môn võ công tử đều không kém người. Chỉ có sức chưa giàu. Nhưng xin tôn phu nhân yên lòng. Tôi sẽ hết sức giúp công tử như khi xưa giúp Đức ông.
Hai người bỗng giật mình nghe thấy Quốc Toản thét: “Kéo gọng vó lên. Đánh vật mà chưa biết miếng. Kéo mạnh nữa lên”.
– Con ta mê ngủ – Trần mẫu nói và vội vàng cầm cây nến định đánh thức Quốc Toản dậy.
Nhưng Quốc Toản vẫn đang ngủ say, miệng hơi nhoẻn cười. Trần mẫu ngắm mãi cái miệng tươi như hoa còn dễ hờn dễ khóc của con, lòng tràn ngập một tình thương vô tận.
“Phá cường địch, báo hoàng ân”
Được mẹ cho tiền bạc, Quốc Toản mua mấy chục con ngựa đem phân phát cho gia nhân.
Nhưng lấy đâu ra quân bây giờ? Quốc Toản buồn rầu hỏi.
Người tướng già đáp:
– Trăm họ ai chẳng có lòng trung quân ái quốc, chỉ là vì mọi người chưa thấy công tử dựng cờ nghĩa đó thôi.
Quốc Toản sững sờ:
– Có thể mà ta không hiểu. Ta nhớ ra rồi, quanh vùng Võ Ninh [10] này, có nhiều bô lão được vua mời đến điện Diên Hồng hỏi ý. Các vị bô lão ấy đã trăm người như một, khẳng khái tâu lên: “xin đánh”, làm rung chuyển cả tòa điện, thì nay sao lại không khuyên con cháu theo ta?
Từ đó, ngày nào Quốc Toản cũng đi vào các thôn xóm nói ý định chiêu quân đánh giặc với mọi người, nên số trai tráng đã lục tục đến xin theo. Còn phải có cờ nữa! Mà cờ ấy phải nói ra được trí ta, phải là lời thề quyết chiến, làm nức lòng quân sĩ. Quốc Toản bắt đầu căng óc suy nghĩ. Quốc Toản để tâm suy nghĩ trong khi ăn, trước khi ngủ, cả trong giờ tập luyện. Nhưng, lúc nảy ra được câu này, lúc sinh ra ý khác mà Quốc Toản vẫn chưa ưng ý. Cho đến đêm nay, đã khuya lắm rồi mà Quốc Toản vẫn chong đèn nặn óc tìm ý. Trống đã điểm canh ba. Bỗng Quốc Toản đứng vụt dậy, toàn thân bừng bừng.
Phải rồi. Hai bàn tay Quốc Toản nắm chặt “phá cường địch, báo hoàng ân” [11]. Quốc Toản phác một nét cờ bay rồi dùng bút viết sáu chữ trên tờ giấy rộng. Quốc Toản lùi lại ngắm hàng chữ, nét mặt rạng rỡ. Được lắm, lời đanh thép, ý hùng hồn, xứng hợp với chí ta.
Trần mẫu thân đã đến tự lúc nào Quốc Toản không hay biết.
– Thôi con ngủ đi kẻo khuya lắm rồi. – Trần mẫu tiến lại, vừa xoa đầu con vừa nói.
– Thưa mẹ, con sẽ dựng lá cờ đề sáu chữ này. Quốc Toản hồ hởi nói với Trần mẫu.
– Mẹ thấy cả rồi.
Trần mẫu chỉ nói vậy. Nhưng sự thật từ nãy Trần mẫu sung sướng đến ngỡ ngàng thấy mình chưa thật hiểu con sâu sắc, chưa biết được những suy nghĩ vượt quá tầm vóc của con.
Thấy mẹ đăm đăm nhìn mình, Quốc Toản băn khoăn:
– Con có giáp trụ, binh thư của cha con để lại; con còn có gia tướng giúp sức. Mẹ đừng…
– Không – Trần mẫu rơm rớm nước mắt cướp lời. Mẹ hiểu con, mẹ bằng lòng cho con đi đánh giặc rồi mà.
Trần Quốc Toản chiêu binh mãi mã
Lá cờ đề sáu chữ “phá cường địch, báo hoàng ân” phần phật tung bay trước dinh Trần Quốc Toản ở Võ Ninh [12].
Ai cũng trầm trồ khen ngợi người dựng cờ có chí khác thường. Vì vậy, chẳng mấy chốc, tin Quốc Toản dựng cờ nghĩa lan đi khắp vùng. Trai tráng, phần lớn cùng lứa tuổi với Quốc Toản, lũ lượt đến xin theo. Ấp Võ Ninh bắt đầu những ngày luyện võ tưng bừng náo nhiệt.
Một hôm Quốc Toản nói với người tướng già và đội quân hơn ngàn người của mình:
– Ta biết quân Nguyên cưỡi ngựa không cần cương, ngồi trên ngựa như ta đi dưới đất, có tài bắn trăm phát trăm trúng. Cho nên muốn đánh được chúng, ta phải luyện thành tài hơn chúng. Bây giờ anh em hãy coi ta bắn thử.
Nói xong, Quốc Toản đeo cung tên, nhảy lên ngựa, phi xa đến khi nhìn lại điểm hồng tâm chỉ còn lại một chấm nhỏ, rồi dừng ngựa, giương cung bắn luôn ba phát.
Ba mũi tên đều trúng đích. Đoàn quân trẻ reo hò thán phục.
Người tướng già sung sướng nói:
– Công tử bắn đã giỏi, nhưng quân Nguyên còn vừa phi ngựa vừa bắn. Vậy anh em hãy xem già này luyện tập đạt chưa? – Người tướng già nhảy phắt lên mình ngựa, chạy xa hơn Quốc Toản. Rồi vẫn cho ngựa chạy, người tướng già không xoay mình, chỉ quay đầu lại, giương cung bắn ba phát liên tiếp. Ba mũi tên đều trúng đích và mạnh đến nỗi, cọc bia bị oằn sắp gẫy.
Sau đợt reo hò dậy đất, Quốc Toản phấn chấn:
– Chúng ta phải luyện tập để mọi người đều bắn được như thế.
Thấy quân mình đã đông nhưng so với các vương hầu khác không thấm vào đâu. Quốc Toản áy náy không yên. Thấy vậy, người tướng già nói:
– “Quân cốt tinh không cốt nhiều”. Vả lại, đánh kẻ giặc mạnh như quân Nguyên ta phải dùng “đoản binh chế trường trận” như Quốc công tiết chế vẫn chỉ giáo. Công tử không nên lo quân ít mà nên lo luyện cho giỏi, dũng khí cho cao, anh em coi nhau như ruột thịt.
– Ông đã vén cho ta một đám mây mờ. – Quốc Toản gật đầu khen.
Sau đó, Quốc Toản chia quân mình thành từng ngũ, đô [13] rất chỉnh tề. Quốc Toản đi khắp các ngũ, đô, ăn với họ một mâm, nằm với họ một chiếu, coi mọi người như ruột thịt.
Mộ tiếng đoàn quân trẻ, dân Võ Ninh và các hạt phụ cận đem trâu, rượu, gạo, gà đến khao quân. Nhiều thợ rèn cũng xin theo để rèn binh khí.
Ấp Võ Ninh cùng với đoàn quân trẻ đang náo nức chuẩn bị đánh giặc.
Phần III – Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Trần Quốc Toản ra trận
Đoàn quân mang lá cờ đề sáu chữ vừa xuống khỏi cái dốc ngay đầu trại Vĩnh Bình [14] thì đột ngột dừng lại. Họ đã từ giã Võ Ninh ngay từ hôm được tin vua Nguyên cử Thoát Hoan thống lĩnh 50 vạn quân, xâm nhập vùng biên cương này. Họ phải dừng lại đột ngột vì quân do thám cho hay, thế giặc to lắm; quân triều đình vừa phải bỏ ải Khả Li [15], ải Nữ Vi [16] và họ đang ở giữa vòng vây của giặc.
Quốc Toản mặc áo bào đỏ, cưỡi con ngựa trắng trở lại giữa hàng quân, cố giữ vẻ uy nghiêm của một viên tướng:
– Ta vì sợ không được quan tâm dùng nên băng rừng đi tìm giặc mà đánh. Nay giặc đã ở sát nách. Vậy ta hãy đánh vài trận cho giặc Nguyên khiếp vía, cho người lớn biết sức chúng ta.
– Công tử nói chí phải – Các chiến sĩ trẻ hưởng ứng.
Bỗng lại có một lính do thám của Quốc Toản phi ngựa về:
– Thưa công tử! Phía trước có binh giặc đang kéo tới.
Quốc Toản vẫn nắm chặt đốc kiếm gia truyền, vội hỏi:
– Chúng nó có bao nhiêu?
– Chừng năm trăm!
– Còn xa không?
– Không xa lắm, nhưng vừa đi chúng vừa cướp nên tiến chậm.
Quốc Toản dõng dạc ra lệnh cho người lính do thám trở lại nghe ngóng động tĩnh, rồi ngắm nhìn địa thế.
Người tướng già đến bên Quốc Toản:
– Giặc tất vào trại Vĩnh Bình. Chi bằng công tử cho quân tiến nhanh vào trại trước, chọn thế hiểm để phục kích thì giặc đông mấy cũng tan.
Nghe ra, Quốc Toản thúc quân đi gấp.
Thấy tiền quân của Quốc Toản tiến vào trại, những người dân miền núi đang hối hả chạy giặc mừng lắm.
Một ông già tiến đến trước mặt Quốc Toản, nói một tràng tiếng lạ. Người tướng già nhắc lại:
– Ông ta bảo công tử là vị cứu tinh của dân trại, vì các trai tráng ở đây đều theo chủ trại của họ đi đánh giặc, không ai ở lại giữ nhà cả.
Quốc Toản nắm tay ông già:
– Giặc đến cướp nước ta, chúng ta phải chung sức đánh lại.
Mấy ông già khác, vai đeo cung nỏ, vác từng bó tên cũng đến bên Quốc Toản. Một trong những ông già đó nói tiếng king lơ lớ:
– Quan quân ở xa không biết cái núi cái khe ở đây đâu. Để chúng tao dẫn đường rồi cùng đánh giặc một thể.
Quốc Toản sung sướng gật đầu rồi hướng về hàng quân:
– Giặc sắp kéo đến đây nộp mạng cho ta rồi. Lệnh cho mọi người không được để cho một tên giặc nào chạy thoát.
Nói rồi Quốc Toản chia quân đi phục trên các ngọn núi chung quanh trại Vĩnh Bình. Riêng Quốc Toản thì dẫn đội quân cung nỏ vòng ra chặn giặc.
Trời đã về chiều. Sương mù giăng kín núi rừng. Đứng cạnh ông già miền núi, Quốc Toản nhìn thấy quân giặc đang lọt vào thế trận của mình. Bao nhiêu là người và ngựa. Tới gần trại Vĩnh Bình, quân giặc bỗng dừng lại, Quốc Toản và đội cung nỏ, ngắm sẵn đường tên.
Sau phút rụt rè, quân giặc bắt đầu tràn vào trại, xông vào từng nhà. Hậu quân của chúng cũng đã ở ngay trong tầm tên của Quốc Toản. Lập tức Quốc Toản vẫy tay ra hiệu. Tiếng tù và rúc lên. Toán giặc đầu tiên đã ngã gục dưới làn mưa tên dữ dội. Giặc Nguyên bị đánh bất thần kêu thất thanh. Những tên sống sót chạy trở vào, vấp phải những tên chạy ra, lộn từ trên ngựa xuống.
Quân của Quốc Toản sức trẻ đang hăng lại dầy công luyện tập, nên trèo núi nhanh như vượn, đã đến giáp mặt với giặc, vung kiếm chém giặc như chém chuối.
Viên tướng giặc liều chết mở đường rút lui. Nhưng chạy được một quãng chúng đã thấy lá cờ đại nổi lên sáu chữ kiêu hãnh và một viên tướng trẻ dẫn đầu đoàn quân ào ào xốc tới chặn đường.
Một tiếng thét lanh lảnh:
– Bại tướng! Hãy bỏ giáp quy hàng thì được toàn tính mạng!
Viên tướng giặc nhìn lên. Hắn hoa mắt nhận thấy địch thủ của hắn mặc áo bào đỏ, cưỡi con ngựa trắng, trẻ đẹp và đẹp hơn cả những cô gái mà hắn từng gặp ở nước hắn.
Hoảng hốt, tên tướng giặc vội xuống ngựa quỳ phủ phục. Cả đám giặc ngót trăm đứa cũng lần lượt làm theo.
Nhìn cảnh tượng ấy, Quốc Toản suýt bật cười thành tiếng.
Trận địa trở lại im lặng. Theo lệnh Quốc Toản, quần áo giặc được thu lại để nộp cho Quốc công tiết chế, đã chất thành từng đống.
Nhân dân trại Vĩnh Bình đứng vây quanh lấy Quốc Toản. Ông già miền núi theo suốt trận đánh, sung sướng cầm tay Quốc Toản:
– Quân mày đánh giỏi lắm. Cờ mày nghĩa hay lắm. Mày cũng đẹp hơn cả con gái trại tao.
Quốc Toản bối rối mỉm cười.
Hội quân chiếm lại kinh thành
Kể từ ngày Quốc Toản dẫn đội quân hơn nghìn người của mình từ Lạng Giang về hội sư ở Vạn Kiếp [17] theo lệnh của Quốc Công tiết chế, đã được gần nửa năm. Gần nửa năm ấy, Quốc Toản và đội quân của mình đã vượt qua bao thử thách, phải chứng kiến bao nhiêu cảnh đau lòng. Quốc Toản nhớ rõ, ngay sau ngày hội sư ở Vạn Kiếp, sau khi nghe lời hịch hùng hồn, khẳng khái, rung động lòng người của Quốc Công tiết chế, toàn quân sôi sục tỏ rõ quyết tâm đánh giặc bằng cách thích hai chữ “Sát Thát” vào tay mình. Giặc đã ồ ạt tràn về phá vỡ thế trận Dực Thủy (Vạn Kiếp), quan quân phải lui về bảo vệ kinh thành. Nhưng rồi kinh thành cũng lọt vào tay giặc. Vùng Võ Ninh, quê hương Quốc Toản cũng ngập chìm trong bể máu. Cũng chính những ngày ấy, Quốc Toản được lệnh hộ giá hai vua Trần [18], chạy giặc vào Thanh Hóa. Nguy hiểm vất vả thật nhưng đau lòng nhức óc nhất vẫn là những ngày Quốc Toản và đội quân của mình phải ăn đợi nằm chờ ở Thanh Hóa. Chẳng lẽ cứ ngồi đây mà nhìn giặc giết chết dân mình, tàn phá đất nước mình mãi sao? Dù biết Quốc Công tiết chế đang thực hiện chiến sách của mình, nhưng Quốc Toản vẫn day dứt không yên. Chẳng dừng được, đã mấy lần Quốc Toản xin cất quân, quyết sống mái với giặc một phen cho hả giận, nhưng đều bị Tiết chế gạt đi
Nhưng rồi cái ngày chờ đợi đã đến. Sau khi có thêm đội quân của Phạm Ngũ Lão vào tăng viện, tướng quốc thái úy Trần Quang Khải đã đánh quân Toa Đô ở Nghệ An, nhưng rồi đạo quân này kéo ra Bắc để tập hợp cùng đại binh Thoát Hoan. Lập tức, Quốc công tiết chế đã triệu các tướng lĩnh đến đại bản doanh, bàn kế đánh tan đội quân nhà nghề này.
Quốc Toản không bao giờ quên được ánh mắt lộ rõ sự tin tưởng khi Quốc Công tiết chế cử Quốc Toản làm phó tướng cùng với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và tướng quân Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân đi chặn giặc ở cửa Hàm Tử.
Lá cờ thêu sáu chữ vàng sau bao ngày chờ đợi lại được tung bay trong trận thủy chiến lớn lao này [19]. Cùng với các đội quân của Chiêu Văn Vương, của Nguyễn Khoái, Quốc Toản đã dùng cách đánh táo bạo, cho thuyền quân mình áp vào thuyền giặc, rồi nhất loạt nhảy sang đâm chém, gạt chúng xuống sông.
Rồi cũng bằng cách đánh táo bạo, dũng cảm này, Quốc Toản đã cùng với Quốc công tiết chế và các tướng Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, đánh thắng giặc ở trận Tây Kết [20], đuổi Ô Mã Nhi chạy ra biển, chém được Toa Đô tại trận.
Và, lúc này đây, đầu tháng năm, năm Ất Dậu (1285) [21], đội quân trẻ tuổi đã qua bao lần thử lửa, lại đang hăm hở tiến thẳng đến Thăng Long, sào huyệt cuối cùng của quân giặc, theo lệnh của Quốc Công tiết chế. Tướng quốc thái úy Trần Quang Khải, thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, cũng đã đem đại binh tới, quyết thu phục lại Kinh thành.
Dù vững tin ở thắng lợi, nhưng Quốc Toản biết rằng quân của Thoát Hoan ở Thăng Long còn nhiều. Lại còn đội chiến thuyền của đại tướng A Thích ken đặc ở bên Chương Dương [22] nữa.
Nhưng kế phá giặc đã bàn xong. Quốc Toản đem 3.000 quân bí mật phục trên quãng đường giữa Thăng Long đến bến Chương Dương. Trần Quang Khải cũng dẫn đại binh đến phục gần bến Chương Dương.
Muốn diệt được quân Thoát Hoan ở Thăng Long, trước hết phải đánh đội chiến thuyền của A Thích.
Thượng tướng Phạm Ngũ Lão đã đốc suất toàn bộ đoàn chiến thuyền xong thẳng tới bến Chương Dương, đánh thủy quân của A Thích. Vừa đánh vừa rút đến chỗ có phục binh của Trần Quang Khải. Phạm Ngũ Lão quay thuyền lại đánh. Quân A Thích bỗng nhiên bị vây chặt. Quân của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão tung hoành ngang dọc, đánh tan đội thuyền chiến của A Thích, buộc A Thích phải dẫn đám tàn quân bỏ chạy về Thăng Long. Nhưng Phạm Ngũ Lão không đuổi theo mà lại đi đường tắt, bí mật mai phục ở chân thành Thăng Long.
Nghe tin A Thích thất trận, Thoát Hoan tức tốc cử Phàn Tiếp đem một vạn binh lính đi cứu. Nhưng quân đội của Phàn Tiếp đi được nửa đường đã thấy đội quân trẻ mang lá cờ đề sáu chữ, nổi hiệu lệnh chặn đánh. Cố chống đỡ, nhưng quân của Phàn Tiếp không sao địch được đội quân dũng mãnh của Quốc Toản. Thế là, Phàn Tiếp đành phải chạy về Thăng Long.
Lúc này, được tin A Thích đang dẫn tàn quân chạy vào thành Thăng Long, Quốc Toản nhanh trí không cho quân đuổi theo Phàn Tiếp mà tạt sang chặn đánh A Thích. Bị tới đòn, quân A Thích không dám chống cự. A Thích cướp ngựa cùng đám tùy tùng chạy về Thăng Long, bỏ mặc đám quân đang bị Quốc Toản vây hãm tiêu diệt dần.
Đại quân của Trần Quang Khải và Quốc Toản đã lại gặp nhau và thừa thắng, cùng kéo tới bao vây thành Thăng Long.
Thấy thế nguy, Thoát Hoan đành thân đốc toàn quân chủ lực trong thành cùng A Thích, Phàn Tiếp đánh ra, cố phá vây.
Trần Quang Khải giả thua chạy, lừa quân Thoát Hoan ra xa thành, rồi bất ngờ cho quân quay lại đánh vỗ mặt. Cùng lúc ấy, theo hiệu lệnh, Quốc Toản tung quân đánh tập hậu vào cánh quân của Thoát Hoan, và Phạm Ngũ Lão lợi dụng lúc giặc sơ hở dốc sức công thành. Đại quân Thoát Hoan, A Thích bị chẹn vào giữa và bị thua to, thây chết đầy nội. Thoát Hoan, A Thích buộc phải tìm đường lui về thành. Nhưng chúng kinh ngạc thấy quân của Phạm Ngũ Lão tung hoành đánh ra. Lại một phen nữa quân Thoát Hoan bị chết như ngả rạ. Thoát Hoan hốt hoảng rụng rời mở đường máu rút chạy đến Đông Bộ Đầu [23].
Trần Quang Khải, Quốc Toản đem quân vào Thăng Long cùng Phạm Ngũ Lão mở tiệc khao quân rồi cho người vào Thanh Hóa dân biểu báo tin thắng trận. Hôm đó là ngày 5 tháng 5, Ất Dậu (1285) [24].
PHẦN VI – Hi sinh
Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”
Lần thứ hai người tướng già giục Quốc Toản đi ngủ. Nhưng cũng như lần trước, Quốc Toản chỉ ậm ừ chiếu lệ rồi vẫn chong đèn ngồi suy tưởng. Còn niềm vui nào bằng khi Kinh đô đã được thu phục, ấp Võ Minh đã thoát khỏi tay giặc, và cả nước sắp trở lại cuộc sống thanh bình. Quốc Toản không khỏi tự hào thấy mình đã lập được chút công, được vua và Tiết chế rất mực yêu mến. Tấm lòng vì vua vì nước thế là gần được toại nguyện. Và mẹ nữa – Quốc Toản nao nao nhớ tới mẹ. Không biết mẹ đã trở về Võ Ninh hay còn chạy giặc nơi nào? Để mẹ phải vất vả, đơn chiếc, Quốc Toản không khỏi rầu lòng. Nhưng, chính mẹ cũng không muốn cho con trọn chữ hiếu mà mất chữ trung. Quốc Toản tự nhủ: đánh giặc xong về sẽ phụng dưỡng mẹ, bõ những lúc xa cách, và đức hy sinh cao cả của mẹ rồi sẽ được báo đền trọn vẹn.
Có tiếng động ở ngoài hành lang, Quốc Toản vội hướng ra khung cửa. Một người lính bước vào cúi đầu kính cẩn:
– Thưa tướng quân, có mật lệnh của Quốc công tiết chế gửi cho tướng quân.
Đỡ lấy chiếc bì có gắn sáp, Quốc Toản vội bã bóc ra đọc. Càng đọc nét mặt Quốc Toản càng rạng rỡ.
Thấy người tướng già đã có mặt Quốc Toản sôi nổi:
– Vua và Quốc công tiết chế đã tính chỉ vài trận nữa sẽ diệt xong được giặc. Tiết chế đã cử quân đi chặn các ngả giặc có thể rút qua, và chúng ta cũng được lệnh lên mạn phía bắc sông Nhị đón đánh bại binh Thoát Hoan.
Người tướng già cũng vui vẻ khác hẳn ngày thường:
– Công tử cho khởi quân ngay đêm nay ư?
– Ta nên báo lại với Tướng quốc thái úy, rồi cất quân cũng chưa muộn.
Một lúc sau, giữa thành Thăng Long đang yên ẵng, một hồi tù và rúc lên rộn rã.
Trong phút chia tay vội vàng, Trần Quang Khải âu yếm nắm tay Quốc Toản:
– Binh Thoát Hoan còn tới chục vạn. Cháu đi phen này phải hết sức thận trọng mới được.
Quốc Toản khẳng khái:
– Phen này không lấy được đầu Thoát Hoan cháu quyết không trở về.
Trần Quang Khải gật đầu rồi bần thần nhìn theo Quốc Toản dẫn đầu đoàn quân hối hả lên đường.
Mờ sáng hôm sau, Quốc Toản cùng đội quân trẻ của mình đã tới địa đầu ấp Võ Ninh. Quốc Toản không khỏi lo lắng và căm giận thấy quê hương mình xơ xác, cây cối bị cháy sém vàng úa. Trước mắt Quốc Toản, bao cảnh đổ nát, tan hoang đã phơi bày tội ác tày trời của giặc.
Thấy viên dũng tướng của mình nét mặt rầu rầu, người tướng già nhỏ nhẹ:
– Công tử chớ phiền lòng. Thù này sẽ được trả. Ta chẳng đang đi chặn giặc đó sao?
Quốc Toản gật đầu ra roi ngựa. Đoàn quân trẻ rầm rầm kéo đi.
Vượt qua bờ sông Như Nguyệt [25], Quốc Toản cho quân dừng lại ăn uống; còn mình và người tướng già tức tốc phi ngựa đi ngắm địa thế đặt phục quân.
– Mồ chôn Thoát Hoan là chốn này đây – Quốc Toản sau gần nửa buổi đi chọn địa thế vừa nói với người tướng già vừa chỉ vào đoạn đường lớn kề sát những dãy đồi rậm rạp, chạy tới ải Nam Quan – Quốc công tiết chế có ý dặn ta đặt phục quân nơi này.
Người tướng già gật đầu:
– Đất này có cái thế rồng cuốn hổ chầu, rất lợi cho công tử bày trận.
Biết tin đội quân mang lá cờ đề sáu chữ do một viên dũng tướng trẻ đốc suất đang ở trên đất mình, nhân dân địa phương thi nhau mang trâu, rượu, xôi ra khoản đãi. Các bô lão còn nằng nặc xin cho trai tráng làng được ra giúp sức.
Quốc Toản còn đang băn khoăn thì người tướng già đã nói nhỏ:
– Công tử đừng phụ lòng tốt của muôn họ.
Quốc Toản thầm khen: viên gia tướng này bao giờ cũng góp những lời bàn đúng lúc. Vì vậy, Quốc Toản phân chia ngay mấy trăm trai tráng vào các đô, cho quân mai phục trên các triền đồi và đào rất nhiều bẫy ngựa [26] xung quanh đường. Hướng mai phục kéo thành một tuyến dài.
Nhưng đợi đến sáng hôm sau, quân giặc vẫn biệt vô âm tín. Sợ đợi lâu lòng quân dễ nản. Quốc Toản cứ ngồi luôn trên ngựa, đi hết nơi này đến nơi khác để cổ vũ quân sĩ.
Gần trưa thì lính do thám về báo rằng: tướng giặc là Giản Kỳ đã kéo tới Đông Bộ Đầu hợp quân với Thoát Hoan. Hiện chúng đang bị quan quân vây đánh. Có dấu hiệu chúng sắp rút chạy.
Quốc Toản phấn chấn phóng ngựa đi đôn đốc quân sĩ. Nhưng lại qua một đêm nữa, quân dân chen vai thích cánh sốt ruột chờ giặc. Lúc Quốc Toản đang tỏ nỗi băn khoăn với người tướng già, thì từ mạn Thăng Long, một thám mã phi như tên bắn thẳng tới nơi đặt phục binh. Thấy Quốc Toản, người lính nhảy vội xuống đất, hấp tấp nói:
Đại binh của Thoát Hoan đã rút chạy. Đội quân bắc cẩu của chúng cách ta không còn xa.
Nhảy lên con chiến mã, Quốc Toản nói như thét với cánh quân đang hướng về phía mình:
– Đã đến lúc giao chiến. Anh em hãy ráng sức đánh cho Thoát Hoan biết uy danh của nước Nam ta!
Hàng loạt quân sĩ giơ cao cánh tay thích hai chữ “Sát Thát” đồng thanh:
– Chúng tôi xin thề quyết chiến!
Lúc ấy đã gần trưa. Nắng hè ngùn ngụt như đổ lửa. Quốc Toản sắc mặt đỏ gay vì nắng, vẫn ngồi trên con chiến mã quen thuộc, uy phong lẫm liệt.
Chợt Quốc Toản cho tìm người tướng già đến bên mình, giọng nóng nảy:
– Thoát Hoan là một tên tướng đớn hèn không bao giờ dám đi trước hàng quân. Nếu ta cũng phục ở đây sợ lỡ mất dịp chặt đầu hắn. Vậy ông thay ta đốc suất quân mai phục ở đây. Còn ta, ta sẽ dẫn một cánh quân nhỏ xuống chặn hắn ở phía trước.
Người tướng già vốn biết tính gan liều của Quốc Toản. Những lần dự trận với Quốc Toản, ông thấy rõ bao giờ Quốc Toản cũng đứng ở chốn mũi nhọn để đánh vỗ mặt vào quân giặc. Trận Tây Kết, Thăng Long đã rõ; trận Hàm Tử lại càng rõ hơn. Trong thâm tâm, người tướng già thán phục Quốc Công tiết chế đã biết dùng người. Hiểu Quốc Toản nên Tiết chế đã chọn để Quốc Toản chặn giặc ở đây, ngay mạn này, chứ không phải ở Vạn Kiếp, Chi Lăng hay nơi nào khác. Tuy thế, lần này người tướng già không khỏi lo lắng:
– Tôi hiểu rõ lòng công tử – người tướng già nói – Nhưng Thoát Hoan còn lắm quân. Chúng cùng đường phải rút chạy nên cũng cùng đường mà liều chết. Công tử chẳng nên tách khỏi đại binh như thế.
Quốc Toản giọng cương quyết:
– Ông đã vì ta mà lo xa cho ta. Nhưng chí ta đã quyết. Đừng trái lệnh ta!
Nói rồi Quốc Toản dẫn đội quân cung kiếm tiến mãi lại phía gần bờ sông chờ giặc.
Xế chiều thì giặc đã bắc xong cầu phao và tiền quân của Thoát Hoan bắt đầu xuất hiện. Qua rừng cây thưa, cánh quân cung kiếm của Quốc Toản đã nhìn thấy chúng lố nhố kéo đến đầy đồng nội. Rồi tiền quân của chúng bắt đầu qua cầu phao.
– Vẫn chưa thấy mặt thằng bại tướng – Quốc Toản sốt ruột nói với quân sĩ khi thấy tên tướng tiên phong của Thoát Hoan vừa phì nộn vừa đần độn, đang đi ngang qua nơi Quốc Toản đặt phục quân. Rồi gần nửa cánh quân tiên phong của chúng đã qua sông. Nhưng chỉ một lúc sau, Quốc Toản đã trông thấy Thoát Hoan đi cuối cánh quân tiên phong, xung quanh dày đặc những tướng tùy tùng và võ sĩ hộ vệ.
Quốc Toản ướm dây cung rồi nâng cần cung ngắm Thoát Hoan. Nhưng không bắn được. Thằng tướng giặc này tham sống sợ chết đến nỗi nó cho quân đi vòng trong vòng ngoài vây kín.
Đợi Thoát Hoan đến ngang tầm mình, Quốc Toản vẫy tay ra hiệu. Lập tức, một hồi tù và gióng giả cất lên, rồi tiếng trống thúc liên hồi nối tiếp khắp tuyến đường dài, làm náo động cả một vùng trời. Quốc Toản dẫn đầu đoàn ngựa chiến lao thẳng tới cụm quân vây quanh Thoát Hoan.
Trông thấy lá cờ đề sáu chữ do một viên tướng trẻ dẫn đầu đang xông về phía mình, Thoát Hoan nhận ra ngay viên danh tướng tiên phong mà đã bao lần hắn nghe đồn đại về tính gan liều có một không hai này. Vì vậy, Thoát Hoan vừa ra roi ngựa vừa thất kinh thét quân sĩ:
– Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đó. Chạy mau khỏi nơi này.
Nhưng Quốc Toản đã kịp dẫn đội quân trẻ của mình lăn xả vào đám binh dày đặc xung quanh Thoát Hoan. Phút chốc, Quốc Toản đã đánh giạt toán giặc Nguyên, mở đường xông tới gần Thoát Hoan. Bọn tùy tướng thấy chủ tướng lâm nguy, liền xúm lại đánh Quốc Toản. Quốc Toản tả xung hữu đột, vung kiếm múa tít. Một tên tướng giặc rơi đầu, rồi tên thứ hai ngã nhào xuống đất. Tên đại tướng A Thích thấy Quốc Toản giết mất hai tướng của mình, liền bỏ Thoát Hoan phi ngựa sấn lại. Vừa thét quân sĩ giãn ra, A Thích đã vung quả chùy cán dài giáng như búa bổ vào đầu Quốc Toản.
Nhanh như chớp, Quốc Toản né tránh, rồi vừa xông lại đánh nhau với tên tướng đã có lần đọ sức ở ngoài thành Thăng Long, Quốc Toản vừa cười khanh khách:
– Đúng là điềm chết của Thoát Hoan nên mới sinh ra một tên đại tướng đi đánh trộm nhà ngươi.
Quốc Toản và A Thích, một bên nhanh nhẹn sắc bén, một bên cậy sức khỏe; một bên kiếm một bên chùy, lăn xả vào nhau như hai con mãnh thú. Cánh quân trẻ của Quốc Toản cũng đã nhanh chóng dàn thành hàng đánh lui hết toán giặc này đến toán giặc khác để trợ chiến với chủ tướng của họ.
Một hồi lâu, A Thích đã nhễ nhại mồ hôi, quả chùy trong tay không còn linh hoạt nữa. Bỗng hắn gầm lên một tiếng rồi thúc ngựa tháo chạy. Quốc Toản tức tốc phóng ngựa đuổi. Tưởng Thoát Hoan đã chạy thoát, Quốc Toản vô cùng tức giận. Nhưng kìa, hắn vẫn đang trong đám loạn quân phía trước. Trông cảnh tượng người, ngựa giặc ùn lại, Quốc Toản mừng thầm vì đại binh của mình do người tướng già đốc suất, đã đánh bật giặc trở lại.
Hết đường tiến, giặc phi ngựa tản sang hai bên đường định chạy. Nhưng ngựa giặc thi nhau ngã gục và rống lên thảm thiết. Thoát Hoan biết Quốc Toản đánh bẫy ngựa nên không dám chạy tạt ngang. Hắn đánh hô quân lộn trở lại, vượt cầu phao, chạy sang phía Phả Lại, bỏ ý đồ rút về ải Nam Quan. Thoát Hoan giận tái người khi thấy trung quân và hậu quân của hắn đang tự động rút chạy theo hướng đó.
Thấy quân Quốc Toản vẫn lớp lớp xô về phía mình, Thoát Hoan khủng khiếp nghĩ đến cái chết đang chờ hắn. Cùng thế, Thoát Hoan thét tướng sĩ dốc sức đánh lại đội quân của Quốc Toản. Cũng chỉ đến lúc này, Thoát Hoan mới nhận ra, đội quân của viên dũng tướng trẻ người Việt này rất ít. Hắn đỡ lo lắng và thúc quân đánh dấn.
Lại một lần nữa, Quốc Toản tung hoành ngang dọc, xé đội hình giặc xông tới Thoát Hoan. Để bảo vệ chủ tướng, Giản Kỳ vác đao ra chặn đánh Quốc Toản. Quốc Toản lại có dịp đánh nhau với một danh tướng khác của giặc.
Nhằm lúc Quốc Toản bận đánh Giản Kỳ, Thoát Hoan lách ngựa chạy thoát thân, Thấy vậy, Quốc Toản điên người dốc hết sức đánh Giản Kỳ. Đã thấm mệt, lại thấy đại binh của Quốc Toản từ đâu đang tràn xuống như thác lũ, Giản Kỳ bất thình lình cũng rút chạy. Lập tức, Quốc Toản thúc ngựa đuổi theo. Nhưng bỗng Quốc Toản lảo đảo trên ngựa. Một tùy tướng của Thoát Hoan nhân lúc Quốc Toản sơ hở, đã bắn trộm. Mũi tên cắm ngập vào ngực Quốc Toản. Đội quân trẻ định xô lại đỡ chủ tướng của họ. Nhưng sau phút lảo đảo Quốc Toản đã lại vừa thúc quân đuổi theo giặc vừa chuyển tay rút mũi tên đỏ nhuốm máu, tiếp tục đuổi theo Giản Kỳ. Máu Quốc Toản đầm đìa chảy xuống con ngựa chiến. Máu rây lên mặt đường theo hướng ngựa chạy. Và, đến khi Quốc Toản kiệt sức, ngã nhào xuống đất, thì người tướng già cũng vừa đem đại binh tới.
Nhảy vội từ trên mình ngựa xuống đất, người tướng già ôm lấy Quốc Toản khóc rưng rức:
– Quân giặc đông như dòi bọ, tôi không thể nào chém hết chúng, kịp hộ sức với công tử để đến nông nổi này!
Quốc Toản cố cất đầu lên, hỏi:
– Giặc đâu?
– Chúng nó chết như rạ. Còn Thoát Hoan và đám tàn quân chạy như lũ chuột sang hướng Phả Lại cả rồi [27].
Quốc Toản nói, giọng đuối dần:
– Ở Vạn Kiếp cũng đã có binh ta chặn. Nhưng để chắc thắng, ông hãy vì ta cầm quân thay ta đuổi gấp. Ngừng lại để thở, Quốc Toản tiếp – sau này ông về an ủi và chăm sóc mẹ ta thay ta. Được như thế ta chết cũng yên lòng.
Quốc Toản đưa mắt nhìn những chiến sĩ của mình đứng vây quanh, cặp môi Quốc Toản mấp máy như muốn nói điều gì, rồi thở hơi cuối cùng.
Người tướng già để một toán gia nhân của Quốc Toản ở lại trông nom, rồi bằng một giọng chắc nịch, ông hô quân nhằm thẳng hướng quân thù xốc tới.
Cả đoàn quân trước lúc ra đi đều ngậm ngùi nhìn lại lần cuối người chủ tướng dũng cảm, thân yêu chưa đầy 17 tuổi của mình. Đó là quãng trung tầm tháng 5 năm Ất Dậu (1285).
Người mẹ quả cảm
Một tháng đã trôi qua. Sau lễ ăn mừng chiến thắng long trọng ở Kinh Đô, người tướng già vội trở vể Võ Ninh ngay. Mặc dù đã chuẩn bị trước, nhưng vừa nhác thấy Trần mẫu tóc đã bạc quá nửa, người tướng già không cầm được nước mắt.
Trần mẫu cũng thấm vội dòng nước mắt, giọng buồn buồn:
– Chú Chiêu Thành Vương đã nói cả rồi. Đau lòng lắm nhưng với ông, ta không giấu được niềm kiêu hãnh tự hào về đứa con duy nhất của ta. Cái chết của con ta làm đẹp thêm dòng dõi họ Đông A [28]. – Ngừng lại để nén xúc động, Trần mẫu tiếp – Ta còn được biết ông đã vì con ta mà đánh dồn Thoát Hoan chạy sang Vạn Kiếp lập được chiến công to. Điều ấy quý lắm.
Người tướng già thở phào nhẹ nhõm. Những điều khó nói, dễ xúc động nhất, Trần mẫu đã biết cả. Thấy Trần mẫu bình tĩnh chịu đau đớn, trái với dự đoán của mình người tướng già rất thán phục và thêm kính trọng bà mẹ quả cảm này.
Hiểu lòng người tướng già, Trần mẫu lảng chuyện:
– Lễ ăn mừng vua ta làm có to không?
– Thưa tôn phu nhân – người tướng già đáp – Lễ ăn mừng lần này to hơn, long trọng hơn lần trước rất nhiều [29]. Tuy vậy, vua vẫn căn dặn tướng sĩ không được lơ là việc quân, phòng giặc có thể đem lính sang phục thù. Trong buổi lễ – người tướng già ngập ngừng – vua đã sa lệ khi nhắc đến công tử. Tướng quốc thái úy cũng đã tuyên đọc việc vua gia phong cho công tử tước vương.
Trần mẫu thoáng vui:
– Việc sau thì hôm nay ta mới biết. Còn việc vua vật mình than khóc khi con ta chết thì chú Chiêu Thành Vương đã cho hay.
Chợt người nữ tì vào báo có các bô lão ấp Võ Ninh tới.
Trần mẫu vội bước ra án, vừa sửa soạn đón khách vừa nói:
– Gần tháng nay, chẳng mấy ngày không có các ông già tốt bụng ấy đến viếng thăm, chia buồn với ta.
Người tướng già cúi đầu xin lui. Cả ấp Võ Ninh chìm trong nắng hè rực rỡ.
Câu chuyện Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng – LichSu.Org
Theo Quỳnh Cư