Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 chống lại ách đô hộ của nhà Ngô đã thể hiện rõ tinh thần quật cường và truyền thống yêu nước nồng nàn của lịch sử dân tộc.
Phần I – Ngọn lửa núi Nưa đang nhen nhóm
1. Núi Nưa – ngọn núi linh thiêng đất Cửu Chân
Triệu Thị Trinh [1] nhớ mãi lần chạy giặc hồi còn nhỏ vào trong núi Nưa. Buổi chiều hôm ấy, trời mù ảm đạm. Tiếng ngựa hí quân reo vừa nghe vọng lại từ mạn xa thì đã thấy khu làng bên phát hỏa, và lẫn với tiếng lửa réo ù ù là tiếng người kêu vật rống kinh hoàng. Tin dữ từ đấy theo với làn lửa cháy làng bay về: Thứ sử Lữ Đại dẫn đại quân nhà Ngô tiến đánh dư đảng của Thái thú Sĩ Huy hiện đang cho binh lính làm cỏ đất Cửu Chân [2].
Khu làng đông đúc ba nghìn dân ở bên cạnh dễ không còn được mấy người chạy thoát [3].
Vạ lớn ập đến thật bất ngờ! Miền đất Cửu Chân này đang rên xiết dưới ách giặc, thế là một lần nữa lại chịu cảnh binh hỏa tàn phá! Chỉ còn cách mau chạy vào núi hiểm để cứu lấy tính mạng…
Lần nguy khốn năm ấy, núi Nưa đã cứu thoát những người cùng làng với Triệu Thị Trinh tị nạn trong núi [4]. Ngọn núi hùng vĩ sừng sững một vùng trời đất, cây cối điệp trùng, suối khe hiểm trở, từ đấy ghi mãi bóng hình của nó trong đầu óc cô gái họ Triệu. Ông già bà cả, cũng như trai gái, và trẻ nhỏ trong làng nữa, ai cũng từ đấy, coi núi Nưa là đất thiêng của dân mình. Những ngày đẹp trời, nhìn lên núi Nưa, thấy rõ từng thớ đá gốc cây; những ngày mưa gió, núi Nưa chỉ còn là một vệt thẫm chông chênh giữa trời – ngày nào thì người làng cũng chẳng bao giờ quên để mắt tới ngọn núi thiêng. Thề bồi, phán xử, núi Nưa là nhân chứng. Tế lễ, hội hè, núi Nưa là thần linh [5]…
Anh em nhà họ Triệu
Dân làng nghiêng nghé, lắng nghe tiếng cồng vọng rền vang từ trên núi Nưa đưa về. Đám trẻ nhỏ nhảy lên:
– Cồng Bà Triệu đó!
Lại thêm những tiếng kim thanh nhẹ lanh canh chen lẫn với tiếng cồng đổ dồn:
– Lệnh của ông Quốc Đạt đó!
Các cụ già sửa lại vòng khăn trên đầu, khẽ bảo nhau.
Tất cả kéo nhau ra đầu làng, ngóng về phía núi Nưa. Sương núi tim tím đã từ rừng cây bò lan trên ruộng rẫy, vường tược. Dựa theo màn sương, những bóng người lô nhô tiến về làng. Giáo mác, tên nỏ, dựng mũi nhọn, rậm rịch trong sương. Những khuôn mặt lầm lì, mệt mỏi, chỉ có cặp mắt lấp lánh một thứ ánh sáng dữ dội.
Các dân binh suốt một ngày lên núi Nưa tập trận, luyện võ, giờ đã được cha mẹ, vợ con chực sẵn ở đầu làng, đưa về nhà. Các chú bé đón lấy những binh khí nhớp nháp mồ hôi và nóng hổi hơi tay của cha anh mình, hớn hở chạy tỏa vào trong các ngõ xóm. Mãi sau mới thấy Triệu Thị Trinh và Triệu Quốc Đạt từ ngàn Nưa tiến về làng. Hai anh em đi sóng đôi, nhưng chiếc bóng cao lớn của cô gái át hẳn dáng hình mảnh dẻ của người anh. Hai gia nhân, xách một chiếc cồng và một chiếc lệnh vừa nổi hiệu thu quân, đi theo sau bén gót. Chiếc cồng đồng thau nặng trĩu, gân guốc của Triệu Thị Trinh cũng vượt hẳn chiếc lệnh mỏng manh của Triệu Quốc Đạt.
Cô gái họ Triệu đang tuổi bẻ gẫy sừng trâu, bước vào sập lên chiếc thang tre, vừa vào ngăn trong cùng của chiếc nhà sàn rộng thênh thang, chưa kịp rũ chiếc khăn đẫm sương, thì đã nghe tiếng người chị dâu cật vấn anh mình ở gian nhà ngoài:
– Ông bỏ nhà đi đâu biền biệt suốt ngày?
Giọng nói chanh chua của người vợ vấp phải sự im lìm cố hữu của người chồng, không vì thế mà bớt gay gắt:
– Này, tôi bảo cho mà biết, đừng có sinh sự sự sinh! Trên quận trị [6] có người về đấy…
– …
– Ông có nghe thấy không ? Quận trị cho người về thúc cống phẩm đấy.
Lúc này mới nghe thấy Quốc Đạt chậm rãi:
– Chúng bảo gì?
– Còn bảo gì? Quan thái thú đã khoán cho huyện này nộp thêm ba trăm con công lớn [7], ngoài số phu phen tô thuế thường kỳ, thì cứ thế mà làm?
Không nghe thấy anh mình nói thêm, Triệu Thị Trinh vươn người nhìn qua tấm liếp ngăn nhà, trông ra gian ngoài. Triệu Quốc Đạt đang lúi húi cúi người trên một chồng lá gồi, chăm chú viết lách [8]. Nhìn cái dáng nhẫn nhục, chịu đựng đủ bề của anh ruột, Triệu Thị Trinh bỗng thấy nao nao trong dạ. Cô gái đi thẳng ra nhà ngoài. Những bước chân rung chuyển sàn nhà của cô gái khiến người chị dâu vừa toan sấn đến bên chồng vội vã lảng ra bếp lửa đang mù mịt bốc khói, nhưng vẫn không quên ném lại một cái nguýt lệch nhà!
Hồi ức của Triệu Thị Trinh
Triệu Thị Trinh không nhớ được gì nhiều về cha mình [9]. Chỉ thỉnh thoảng nghe mẹ nói rằng anh Quốc Đạt giống cha như hệt. Cha con nối nhau nhận chức huyện lệnh [10] của nhà Ngô mà chẳng bao giờ thi thố được điều gì giúp dân như thuở xưa, khi chưa có lũ giặc ngoại bang xâm lược, dòng họ này đời đời nối nhau làm tù trưởng đứng đầu các làng chạ quanh miền. Triệu Thị Trinh biết lắm, lũ giặc chưa thể phái hẳn người của chúng xuống cai trị huyện này, nên vẫn phải tiện dùng kẻ cầm đầu cũ của người Việt để phục dịch chúng, thúc ép dân lành đấy thôi [11].
Chỉ thương cho anh Quốc Đạt. Thay cha giữ việc cai quản hàng huyện từ ngày em gái mới đứng chưa đến vai anh cho tới bây giờ, khi Triệu Thị Trinh đã lớn vượt anh rồi mà vẫn chẳng thấy anh có được lấy một ngày vui trong cuộc đời làm huyện lệnh. Lại thêm việc chẳng may lấy phải người vợ không ra gì. Chẳng qua là, bởi mẹ lại cũng theo cha sớm mất, chưa kịp chọn lựa nơi gửi gắm cho anh…
Càng thương anh, Triệu Thị Trinh càng nhớ mẹ, người mẹ giống hệt cô con gái – ai cũng bảo vậy. Chính mẹ là người ngày đêm rèn đúc cho con gái, chí quật cường và tài thao lược. Những câu chuyện đời xưa mẹ kể con con nghe mới cuốn hút lòng người làm sao! Quê mẹ ở tận ngoài Bồ Điền [12]. Chuyện hai trăm năm trước ở ngay sát quê mẹ: Năm mẹ con bà Mai Thị Hoa đều cùng là gái cả, mà nổi lên dũng mãnh như tướng nhà trời, theo Hai Bà Trưng đánh cho lũ giặc nhà Hán tả tơi không còn mảnh giáp [13]. Và còn chuyện Trưng Nữ Vương nữa! chuyện các nữ tướng của Hai Bà nữa! Cũng đều là phận gái như mẹ con ta cả, nhưng nhờ đánh giặc cứu dân mà tiếng dậy non sông…
Những lời của mẹ cứ thế rót vào tim óc con gái. Mẹ lại còn một lần vượt đường đưa con về tận quê minh. Ông già họ Lý, người cầm đầu đất quê ngoại, nhìn ngắm đứa cháu gái mà hởi lòng hởi dạ. Cô bé mới bắt đầu lớn mà đã có dáng con nhà tướng: lưng beo, tay vượn và cặp mắt xếch, sáng như sao! Đến lúc được xem đứa cháu nhỏ biểu diễn tài năng võ nghệ, được nghe những lời tâm huyết tự nhiên từ cửa miệng còn thơ ngây, ông già Lý sung sướng đến mức đem cả báu vật gia truyền trao lại cho cháu gái lúc Triệu Thị Trinh chia tay ông để trở về núi Nưa. Đó là một thanh đoản kiếm hai lưỡi bằng đồng thau vàng chói. Và điều làm cô gái nhỏ thích nhất là hình tượng một vị nữ thủ lĩnh nghiêm trang, xiêm áo chỉnh tề, được tạc rất khéo thành ngay chiếc chuôi kiếm cầm gọn trong tay [14]. “Đấy là tổ mẫu của dòng họ nhà ta” – Ông già họ Lý nói với đứa cháu – “Để xem về sau cháu có được như bà hay không…”
Ông già Lý nói thêm:
– Ngày xưa, khi giặc xâm lăng mới phạm vào đất đai, chính bà là người có công lớn đánh giặc giúp dân giúp nước. Dân chúng muốn ghi ơn, mới theo hình bà mà tạc đúc nên tượng như vậy đấy…
Chuyến đi thăm quê ngoại năm ấy đã khắc ghi rất sâu vào tâm khảm Triệu Thị Trinh, cũng như thanh đoản kiếm sáng rực màu đồng thau từ đấy không bao giờ rời người nữ chủ trẻ tuổi. Cô gái họ Triệu càng ham luyện tập võ nghệ, lôi kéo cả người anh vốn tính tình trầm mặc, cũng như cả đinh tráng trong làng theo mình. Chưa ai rõ được việc rèn binh luyện võ rồi đây sẽ ứng dụng vào đâu. Nhưng mang máng như sắp có việc lớn đổi đời đến nơi, tất cả đều hăng say theo cái bản năng thượng võ của dân mình, và đều cuốn theo cái vẻ hăm hở sục sôi của người nữ chủ trẻ tuổi.
Núi Nưa đang ngày ngày ấp ủ trong các vạt cây vách đá và suối khe của mình cả một đạo quân mà sức mạnh lay trời chuyển đất đã bắt đầu được người nữ tướng 19 tuổi rèn luyện, nhen nhóm.
Phần II – Danh tiếng của Bà Triệu
Truyền thuyết “đá biết nói”
Tiếng đồn Bà Triệu thu phục được voi dữ cứ như có cánh bay nhanh đi khắp đất Cửu Chân. Người ta kể rằng đây là con voi trắng, lớn chưa từng thấy, và chỉ có một ngà. Voi một ngà mà gặp trong rừng thì chỉ có chết. Nhưng nó lại từ ngàn Nưa xộc ra ngoài làng phá vườn chuối kiếm ăn…
Một đồn mười, mười đồn trăm. Các cụ già đêm đêm ngồi bên bếp lửa, kể dần dần thành vần điệu cho con cháu nghe rằng, hôm ấy, dân làng vội vã nổi cồng Bà Triệu, khua lệnh ông Quốc Đạt, hò la náo động để đuổi voi. Con vật khổng lồ đâm đầu chạy ra sau làng, và sa ngay xuống một bãi lầy [15]. Nó vẫy vùng, gầm rống như điên mà không sao nhấc nổi mình lên khỏi lớp bùn dẻo quánh. Các tay cung nỏ thiện xạ trong làng đã lăm lăm những mũi tên độc, toan nhằm nhỗ hiểm mà kết liễu đời con vật hung dữ. Nhưng chính Bà Triệu đã ra lệnh bắt sống!
Những cuộn thừng chão lớn chung đôi chung ba lại quăng ra, thít dần lấy chân voi. Cả làng tới dẫn con vật lên được khỏi bãi lầy. Rồi đóng thừng chão, cứ thế mà cột chéo hai chân nó vào hai gốc đại thụ. Con voi chịu phép đứng cứng tại chỗ, nhưng vẫn làm dữ, không chịu để cho một ai tới gần. Ấy thế mà vừa thấy Bà Triệu tiến đến, chính nó đã quỳ phục ngay xuống…
Câu chuyện Bà Triệu được voi một ngà lễ sống vừa từ núi Nưa truyền đi, thì đã dội về núi Quan Yên [16] lời đồn kinh dị về hòn đá biết nói. Người ta kể rằng có một đêm, núi Quan Yên bỗng sụt lở dữ dội. Rồi một giọng nói ầm vang cất lên, át cả tiếng đá lăn. Giữa đêm đen thanh vắng, khắp quanh núi đều nghe rõ tiếng đá nói thơ. Thơ rằng:
“Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời xa
Trị voi một ngà…” [17]
Những câu chuyện lạ cứ thế mà truyền đi, mỗi ngày, mỗi nơi lại thêm thắt vào những nét mới. Người dân Cửu Chân đêm đêm ngồi bên bếp lửa, nghe kể chuyện mà thấy trong lòng phấp phỏng, rạo rực một niềm vui kính cẩn bồn chồn: cứu tinh đất nước đã nổi lên rồi đây chăng?
Trong khi ấy, ngày ngày Triệu Thị Trinh vẫn ra tầu voi mới dựng sau nhà, chăm sóc con thú rừng đã thuần phục và trở nên ngoan ngoãn một cách không ngờ. Có vẻ như nó cũng chỉ mến riêng cô gái thật! Tung vòi đón lấy những gốc mía mật từ tay người nữ chủ, con vật nheo mắt ăn uống thật hả hê.
Vừa đăm đăm nhìn con voi cuốn mía. Triệu Thị Trinh vừa miên man suy nghĩ… Đạo dân binh núi Nưa bây giờ đã ngày càng đông thêm người gia nhập. Và càng năng luyện tập thì càng thấy thiếu binh khí. Lâu nay, quận trị Cửu Chân vẫn ráo riết nhắc lệnh cấm rèn đúc giáo gươm, khiến những tay thợ giỏi hầu như chỉ còn nước bỏ nghề. Thế rồi, mới đây lại có lệnh cho các làng phải mua nộp tất cả thợ khéo để đưa sang Ngô triều xây dựng kinh đô ở Kiến Nghiệp [18]. Thái thú Cửu Chân còn răn đe sẽ trị tội cả làng, nếu nơi nào có ý chậm trễ hoặc giấu thợ giỏi trong dân [19]…
“Đến nước này thì không thể nín nhịn được nữa rồi. Nếu không sống mái với giặc thì chúng sẽ chặt hết chân tay rồi làm cỏ cả dân ta mất thôi” – Một cơn giận dữ trào lên khiến Triệu Thị Trinh đỏ bừng khuôn mặt – “Ta đang cần thợ giỏi để rèn đúc binh khí cho nghĩa quân. Phải mau bàn với anh Quốc Đạt cự lại mệnh giặc, chứ không để chúng lấn lướt mãi nữa…”
Con voi trắng bỗng ngừng nhai nuốt, le lé cặp mắt nhỏ tinh khôn nhìn theo người nữ chủ vừa chợt nghiến răng kèn két, nhanh nhẹn, bước vội về nhà.
Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đánh đuổi quân Ngô…
Triệu Thị Trinh loan bước lên thang bỗng đứng dừng lại. Từ trên nhà, vẳng xuống tiếng nói sin sít của vợ Quốc Đạt:
– … Ông mà cứ để cho nó lộng hành thế này thì rồi vạ lớn xảy đến lúc nào không biết đó!
Triệu Thị Trinh kinh ngạc nín thở chờ nghe tiếng anh mình. Nhưng không thấy Quốc Đạt trả lời. Vẫn chỉ có giọng nói khi nãy tiếp tục:
– Ai đời con gái lớn như thế rồi mà nay cưỡi voi, mai múa võ! Tụ tập đảng chúng trong núi, ông tưởng che được mắt các quan thái thú đấy phỏng? Mà người đâu có kẻ lạ đời! Cứ bảo quân Ngô là giặc, chứ thật ra giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng!
– …
– Tôi bảo ông là cứ đem nó gả chồng quách đi thì yên chuyện hết!
Cô gái đứng dưới sàn bỗng đỏ lựng từ đôi má cho đến tận chân tóc. Vừa muốn cười lại vừa bực bội, Triệu Thị Trinh bặm môi rầm rầm bước lên thang. Vợ Quốc Đạt nhác thấy em chồng đã đổi giọng ngay:
– À, đây rồi! May quá! Tôi vừa nói với anh cô về chuyện hôn nhân trong nhà… Chẳng là nghe tin ở quận trị có ông quan họ Đào đang muốn tìm thêm người thiếp… Ông ấy vừa có thế lực lại vừa giàu sang, gia nhân, tiền của chật nhà chật cửa. Sánh được với ông ta thì còn gì bằng. Tôi định…
Người chị dâu đang thao thao bỗng trợn mắt há mồm đứng sững như trời trồng. Bởi vì từ cửa miệng của Triệu Thị Trinh đã bùng ra một tràng sấm sét choáng đầu, choáng tai:
– Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người! [20]
Phần III – Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu
Dùng máu kẻ phản bội tế cờ
Bằng cớ về sự phản bội của mụ chị dâu đã quá rõ ràng, khiến Triệu Thị Trinh uất giận trợn ngược cặp mắt xếch tưởng đến rách cả mí. Vẻ mặt đằng đằng sát khí ấy khiến đứa hầu gái của vợ Quốc Đạt kinh hãi rụng rời, vội vã khai hết mọi việc: Mấy hôm trước mượn cớ đi Tư Phố [21] chơi thăm bà con, vợ Quốc Đạt đã cùng đứa hầu gái vào dinh thái thú Cửu Chân, tâu trình việc em chồng là Triệu Thị Trinh xúi bẩy chồng mụ cự lại lệnh nộp thợ khéo, và van xin tên quan cai trị nhà Ngô tha tội cho chồng mụ. Chính mụ, sau đấy đã rành rẽ bẩm báo đầy đủ ngọn ngành việc Triệu Thị Trinh đang mở lò rèn đúc binh khí, chờ đến ngày nổi dậy chống lại Ngô triều. Sự phản bội ghê gớm ấy của vợ Quốc Đạt đã đem lại cho mụ cả một hộp ngọc trai quý là phần thưởng công của thái thú Cửu Chân mà sau đấy, tình cờ nhác thấy bày trong góc nhà, Triệu Thị Trinh đã sinh nghi, vặn hỏi đứa hầu gái, làm vỡ lở câu chuyện.
Vừa lúc ấy, tin dữ cũng từ Tư Phố báo về: Đô úy [22] Cửu Chân đã ra lệnh động binh, sửa soạn tiến quân về tiễu phạt vùng núi Nưa!
Không thể chần chừ được nữa, Triệu Thị Trinh đem hết sự việc trình với Triệu Quốc Đạt và thúc giục anh phải ra tay hành động ngay. Đau xót vì chuyện vợ con, nhưng không thể để tình nhà lên trên phép nước, Triệu Quốc Đạt lầm lì gật đầu cho em trừng trị kẻ phản bội và phát lệnh khởi nghĩa. Rồi ngay sau đó, thôi thúc và hiệu cồng ầm vang náo động của em gái, người tù trưởng trầm mặc đó cũng trở nên hoạt bất khác thường, truyền cho nổi cả hiệu lệnh của mình lên.
Lệnh Ông, cồng Bà, từ núi Nưa bay đi khắp ngả. Những âm thanh rộn rã sục sôi suốt ngày đêm. Dân chúng các làng chạ xa gần nghe tin khởi nghĩa đã bùng nổ ở núi Nưa, lập tức ào ào cuốn về theo như sóng cồn bể cả.
Cuộc tế cờ ra quân dấy nghĩa cử hành ngay dưới bóng núi Nưa thiêng liêng. Thần Nưa xưa đã cứu dân một lần thoát nạn giặc Ngô thì bây giờ, xin hãy cũng linh ứng giúp dân ra quân thắng giắc! Dòng máu tươi cúng cho thần theo đúng cổ lệ, chính là từ xác kẻ phản bội vừa ngã gục dưới thanh gươm hai lưỡi – báu vật của dòng họ Bà Triệu [23].
Tù trưởng Triệu Quốc Đạt tử trận
Nghĩa quân núi Nưa rầm rộ tiến binh chặn giặc. Đô úy Cửu Chân không ngờ rằng sức mạnh của nghĩa quân lại ghê gớm đến thế. Những năm trước, theo Lữ Đại vào tiễu phạt vùng này, hắn luôn luôn chỉ thấy một cảnh tượng: hoặc là dân chúng cắm đầu chạy dài vào rừng sâu ẩn tránh, hoặc nếu bị bất ngờ thì đành bó tay chịu nạn chém giết đốt phá. Lần này, nhận lệnh của Thái thú Cửu Chân phải đi tiễu phạt một đám giặc cỏ do một người con gái ngỗ ngược cầm đầu, lại được báo trước là sẽ có chính ngay chị dâu của “nữ tặc tướng” làm nội ứng, đô úy Cửu Chân tiến quân rất ung dung.
Đoàn quân Ngô triều vừa đổ vào cửa thung lũng núi Nưa thì bỗng nghe dậy lên những tiếng cồng tiếng lệnh dồn dập. Từ phía trước mặt xộc ra một con voi trắng khổng lồ hệt như một trái núi biết chuyển động. Chót vót trên đầu voi là một nữ tướng xếch ngược cặp mắt, chỉ thẳng thanh đoản kiếm vàng chói trong tay về phía trước. Một nam tướng nữa cũng vùn vụt cưỡi ngựa xông lên. Rồi từ ba bề bốn bên, tiếng reo hò như sấm động: dân binh các ngả ùn ùn đổ ra, giáo mác, gươm đao, rìu búa vung lên sáng lóa.
Từ trên đầu voi dữ, Triệu Thị Trinh quát lớn, giục con vật vào trận. Vừa thấy con thú kinh khủng huỳnh huỵch xông tới, chiến mã của đô úy Cửu Chân đã bất ngờ chồm dựng, hí lên những tiếng kinh hoàng, rồi ngoắt người phóng chạy. Viên tướng nhà Ngô bị hất tung từ trên mình ngựa xuống đất chưa kịp nhổm dậy, đã dập nát người dưới một bàn chân voi nặng nề nện xuống. Đám quân sĩ Ngô triều tan vỡ khắp ngả, trở thành những thân chuối, cành khô, để cho những ngọn binh khí căm thù của nghĩa quân đánh gục.
Triệu Thị Trinh ra lệnh nổi cồng thu quân khi thấy cánh quân tiễu phạt của Ngô triều chỉ còn là những đống xác nằm ngổn ngang trên chiến địa. Tiếng cồng vừa bặt giọng ngân thì quân sĩ cũng khiêng Triệu Quốc Đạt từ cửa trận trở về: một mũi tên bắn lén đã cắm lút ngực người tù trưởng lần đầu xung trận [24].
Bà Triệu xuất quân
– Tiến lên, nhằm thẳng thành Tư Phố, phá nát quận trị giặc Ngô!
Triệu Thị Trinh vừa trèo lên đầu vòi, vừa hạ lệnh nổi hiệu cồng xuất quân.
Hàng quân điệp trùng khắp ngả ngước mắt ngưỡng mộ nhìn nữ chủ tướng, giờ đây đã thay hẳn anh trai, cầm đầu cuộc khởi nghĩa long trời lở đất của dân Cửu Chân.
Con voi trắng một ngà quỳ xuống đón người nữ chủ rồi đĩnh đạc chồm dậy, tung vòi rống lên một tiếng lớn, cất bước. Bóng voi lồ lộ dẫn đầu đoàn quân dài dặc. Phía trước là quận trị Tư Phố của quân Ngô. Trong trận này, nghĩa quân sẽ theo người nữ chủ tướng phá tan thành giặc, trả thù cho tù trưởng Triệu Quốc Đạt, trả thù cho dân nước. Trên bành voi cao, Triệu Thị Trinh xốc lại chiếc áo giáp đồng thau vàng chói đang rung lên bần bật, chiếc trâm vàng lóng lánh ánh nắng trên đầu, và đôi guốc ngà xếp gọn dưới chân, bồn chồn chờ giờ xung trận [25].
Dân chúng các làng ven đường đổ ra ngóng theo đoàn quân đang trẩy. Chỉ còn người già yếu và trẻ con ở lại trong làng. Tất cả đàn ông, trai tráng đều đã theo quân lên đường.
Chẳng bao lâu đã có tin vui báo về: Thành Tư Phố bị hạ! Nghĩa quân đang tràn ra các huyện miền ngoài, tiến đánh quân Giao Chỉ…
Phần IV – Những người con Cửu Chân
Những người ở lại
Đám trẻ nhỏ mải chơi ở bãi đất đầu làng. Những đứa con trai tóc cắt sát da đầu, mình trần, đóng khố. Những đứa con gái tóc xõa chấm vai, cũng cởi trần, mặc những chiếc váy ngắn. Một đứa xòe ngửa bàn tay để cho cả đám, châu mỗi đứa một đầu ngón tay trỏ nhỏ xíu vào đó. Tiếng hát ngộ nghĩnh [26] cất lên:
“Này cò này cấu [27]
Này đấu này thưng [28]
Lưng sào cánh ná [29]
Này lá này lao [30]
Nghe cồng Bà rao
Nghe lệnh Ông gióng
Nghe voi rông rống
Chong chóng chạy về…”
Tiếng hát đồng dao ngây thơ sôi nổi gợi lại những ngày vừa mới rồi, khi mọi người mọi ngả rầm rập đi theo cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. “Đoàn quân giờ đã đang đánh giặc mãi xa tận phía ngoài rồi!” – Những người mẹ ngồi trên sàn nhà, ẵm đứa con nhỏ trong lòng, nghe vọng lên tiếng hát, chợt sáng bừng cặp mát, nghĩ tới những người thân của mình đang theo Bà Triệu chinh chiến nơi xa…
Trên bãi đất trước làng, câu đồng dao đã hát xong và bắt đầu chuyển đoạn. Thằng bé đang xòe ngửa bàn tay bất thần nắm chặt lại, hét lớn:
– He, he, chạy này!
Đám trẻ đua nhau rút nhanh ngón tay, phá ùa ra các ngả, vừa chạy vừa cười sằng sặc, làm những chú nhỏ nằm trong lòng mẹ giật mình, ậm ạch muốn khóc. Người mẹ vội ôm chặt lấy con, vừa âu yếm nựng nịu, vừa ạ ời ru:
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi.
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…
Người mẹ kể lại thật tự nhiên những chuyện mẹ đã dự vào. Chú nhỏ lim dim mắt uống lấy những lời ru hào hùng rồi ngủ thiếp. Chú còn chưa đến tuổi mơ lại những điều mẹ ru về Bà Triệu, nhưng chỉ nay mai, lời ru của mẹ sẽ đưa chú vào con đường Bà Triệu đang đi. Còn những chị gái của chú, đang thoăn thoắt dệt những khố vả trúc sơ [31] cho thôn làng, nghe tiếng ru thân thuộc, bất giác ngửng đầu nhìn đăm đăm lên ngàn Nưa. Dãy núi sừng sững như muốn nhích lại gần với những tiếng ru hời. Các cô gái lại cúi đầu, đưa tay dệt thoăn thoắt…
Trận chiến với Lục Dận
Trong lúc đó, ở quân doanh Bồ Điền, Bà Triệu đang cùng các thủ lĩnh nghĩa quân bàn kế đánh chặn quân giặc.
Sau khi hạ được quận trị Cửu Chân, nghĩa quân đã thửa thắng đánh rộng ra các nơi. Bắc, Nam, Đông, Tây, nhân đà ấy, ầm ầm nổi lên chống giặc [32]. Quân khởi nghĩa rời đại doanh về Bồ Điền là vì thế: cho tiện việc điều bát, chỉ huy [33].
Bồ Điền chẳng phải đâu xa lạ. Chốn quê mẹ mà một lần được về thăm vẫn còn ghi nhớ mãi, cô gái Triệu Thị Trinh giờ đã trưởng thành, giữ ngôi chủ tướng nghĩa quân, mang theo thanh gươm báu về lại quê ngoại, không còn được gặp ông già họ Lý nữa, nhưng lại nhận được ba người anh em họ của mình vào nghĩa quân. Đó là ba thanh niên dũng tướng: Lý Hoằng, Lý Mỹ – con đẻ của ông già Lý, cùng với Lý Thành, con nuôi. Và bây giờ thì họ đang cùng người nữ chủ tướng bàn tính công việc đón đánh cánh quân mới từ bên Ngô triều kéo sang, do viên đại tướng Lục Dận cầm đầu [34].
Cuộc họp bàn vừa xong thì cũng vừa có tin báo về: Lục Dận đem đại quân theo đường nhánh sông Mã đang tiến thẳng đến Bồ Điện, nội nhật ngày mai sẽ tới nơi! Lập tức quân lệnh truyền ra: Tất cả tướng sĩ kéo gọn lên phục trên dãy núi sau quân doanh. Dân chúng vùng Bồ Điền làm gấp lương ăn nguội cho quân binh từ trong đêm, đến sáng thì tắt hết bếp lửa, đợi chiều tối mới động bếp, làm đại tiệc mừng thắng trận.
Quân lệnh được răm rắp thi hành. Nghĩa quân ăn cơm nắm và bánh trái, phục trên núi được nửa buổi thì thấy từ xa, lốc bụi và tiếng ồn ào trẩy quân cuồn cuộn dồn đến. Quân giặc quả đã dùng đường nhánh sông Mã tiến dần vào tử địa.
Lập tức, tiếng cồng Bà Triệu gầm lên. Người nữ tướng họ Triệu vụt hiện ra trên đỉnh đá, vẫy kiếm thét lệnh tấn công. Nghĩa quân từ các sườn núi hò reo vang dội, tháo nhanh các bẫy đá, trút vội những kè đất, vần gấp những chông gỗ, lăn cả xuống chân núi. Một dòng thác đất đá cây cối từ các triền núi cao ầm ầm xuống chôn vùi lũ giặc tham tàn [35].
Chiều tối hôm ấy, quanh doanh Bồ Điền đỏ lửa mừng đại thắng giặc Lục Dận đến tận khuya [36].
Phần V – Kết thúc cuộc khởi nghĩa Bà Triệu
Câu chuyện của người nghĩa quân núi Nưa
Người nghĩa quân ấy, khư khư ôm chiếc cồng Bà Triệu trong tay, giấu thanh đoản kiếm hai lưỡi ở trong bọc, lần đường từ Bồ Điền về khu làng dưới chân núi Nưa.
Bụi đường trường phủ trắng xóa từ đầu đến chân người lính, đọng với máu khô thành một vệt đen thẫm trên vết thương bị chém sả ở bả vai.
Ngồi xếp bằng trên chiếc nhà sàn đầu làng, người ấy kể:
– Lục Dận là tên tướng giặc quỷ quyệt chưa từng thấy. Giao chiến mãi với Bà Triệu mà vẫn không thắng nổi, hắn xoay sang kế phủ dụ, mua chuộc, phong cho bà làm Lệ Hải Bà Vương [37]. Nhưng Bà Triệu có bao giờ thèm chịu nhận chức tước của giặc!
Lại tiếp tục giao chiến nữa [38]. Giặc Ngô rất hoảng sợ khi phải đương đầu với Bà Triệu. Đêm đêm, những tên lính mỏi mệt chống giáo ở cửa lều trận, than thở với nhau: “Hoành qua đương hổ dị, đối diện Bà Vương nan!” [39]. Nát óc tính toán, cuối cùng tên tướng Lục Dận phải bày trò ô nhục kế: biết Bà Triệu là nữ tướng, hắn sai quân sĩ nhất loạt trần truồng tới đánh. Trước cảnh tượng ghê tởm đó, Bà Triệu phải nhắm mắt lánh mình lên núi Tùng [40] rồi biến đi mất vì ái khiết úy ô [41] chứ không vì kém tài quân giặc. Chính Bà đã truyền phải mang chiếc cồng và thanh đoản kiếm này về núi Nưa cất giấu, để chờ ngày lại đem dùng đánh giặc…
Ý chí chiến đấu của Bà Triệu
Nhiều cụ già trong làng sau đấy kể tiếp:
– Ba anh em họ Lý thay quyền Bà Triệu cự lại giặc Ngô. Họ còn đánh tiếp hàng chục trận nữa, chiến đấu cho đến khi kiệt sức mới ngã chết trước quân doanh Bồ Điền [42]. Con voi trắng một ngà của Bà Triệu thì sau đấy cứ phủ phục gần núi Tùng, hướng mãi về nơi hóa của Bà Triệu, không chịu ăn uống gì, cho đến khi lả đi [43]. Còn người nghĩa quân được Bà Triệu giao cho sứ mệnh đem chiếc cồng và thanh đoản kiếm về núi Nưa, sau đấy cũng rời làng, lên núi, mang theo các báu vật, và không thấy về nữa [44].
Họ vẫn ở cả trên núi, cùng ngàn Nưa, gìn giữ mãi ý chí của Bà Triệu…
Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu – LichSu.Org
Theo Văn Lang