Dân gian truyền rằng Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn là vị tướng thống lĩnh các đạo thủy quân nhà Trần trấn giữ 12 cửa biển, từng góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần 3. Dã sử, sự tích và gia phả đã ghi lại cuộc đời và chiến công của vị tướng này.
Theo sự tích lưu truyền từ người dân vùng biển huyện Diễn Châu cũng như gia phả họ Hoàng ở làng Vạn Tràng thì vào thời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần (nay là nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) có hai vợ chồng là ông Hoàng Quý Công và bà Trương Thị Hoa. Một buổi sáng sớm, bà hoa ra sông gánh nước thì thấy hai con trâu vàng ở dưới sông nhảy lên đánh nhau dữ dội rồi cứ tiến về phía mình.
Bà cầm đòn gánh đánh đuổi trâu, hai con trâu liền xuống nước rồi biến mất. Bà Hoa nhìn đầu đòn gánh thấy còn dính lông trâu vàng thì cho vào dải yếm cất đi (cũng có sự tích nói rằng lông trâu rơi xuống thùng nước rồi bà uống phải). Không lâu sau bà Hoa thấy khác lạ trong người rồi có mang.
Vào ngày 16 tháng 6 năm Giáp Dần (1254), bà Hoa hạ sinh được con trai, đặt tên là Hoàng Tá Thốn. Cũng theo giai thoại được lưu truyền ở vùng biển Diễn Châu, thuở nhỏ Hoàng Tá Thốn có sức khỏe hơn chúng bạn cùng lứa, dù được đi học nhưng lại chỉ thích luyện võ nên cha mẹ cũng chiều theo ý con. Hoàng Tá Thốn có biệt tài về bơi lội, lặn sâu dưới nước.
Khi Hoàng Tá Thốn lớn lên cũng là lúc quân Nguyên chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ 3, Triều đình tuyển mộ quân chuẩn bị cho cuộc chiến, Hoàng Tá Thốn đầu quân và được sung vào lục quân.
Sau một thời gian, viên tướng chỉ huy nhận thấy Hoàng Tá Thốn có biệt tài bợi lặn, lại có cơ mưu nên tiến cử lên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hoàng Tá Thốn được đưa vào đội thủy binh, được huấn luyện đánh trận.
Hoàng Tá Thốn cùng đội thủy binh tinh nhuệ nhà Trần nhiều lần lặn xuống sông đục thuyền khiến quân Nguyên khốn đốn.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 này, quân Nguyên hoàn toàn bị sa lầy, vào thành Thăng Long trống không, phải quyết định rút lui về nước theo đường thủy bộ. Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân rút về theo đường sông Bạch Đằng, trúng vào thế trận do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bày sẵn.
Văn bia dẫn tích và phả tộc họ Hoàng ở làng Vạn Tràng có ghi rằng: “Đời vua Trần nhân Tông, năm trùng hưng, Mậu Tý (1288). Tướng nhà Nguyên Mông là Thoát Hoan và Ô mã Nhi sang xâm lược Thăng Long. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc….”
Ô Mã Nhi theo kế hoạch rút quân, tiến vào sông Bạch Đằng, các cánh quân Đại Việt, đặc biệt là quân Thánh Dực, đón đánh rồi rút đi để dụ quân Nguyên vào trận địa cọc ngầm.
Nước thủy triều xuống, đoàn thuyền quân Nguyên mắc vào bãi cọc ngầm. Đội quân Thánh Dực quay lại tấn công, Hoàng Tá Thốn dẫn quân của mình cùng các cánh quân khác mai phục sẵn cũng đồng loạt tiến đánh quân Nguyên. Tướng quân Nguyên là Bình chương Áo Lỗ Xích bị quân Thánh Dực bắt sống.
Quân Nguyên bị tổn thất nặng nề, nhiều chiến thuyền bị thiêu cháy, Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả “nước sông do vậy đỏ ngầu cả”. Một số quân Nguyên bỏ chạy lên bờ lại bị rơi vào ổ mai phục của quân Đại Việt.
Ô Mã Nhi đốc thúc binh lính chống đỡ trong tuyệt vọng. Hoàng Tá Thốn cùng thủy quân đánh chìm thuyền của Ô Mã Nhi cùng hàng chục chiến thuyền khác.
Quân Nguyên bị rơi xuống nước rất nhiều. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ dâng lên Thượng hoàng. Thượng hoàng sai dẫn lên thuyền ngự, cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ”.
Các tướng chỉ huy quân Nguyên khác cũng bị bắt. Toàn bộ thủy quân Nguyên bị tiêu diệt hoặc bị bắt, không một chiến thuyền nào chạy thoát.
Cuộc chiến kết thúc, Triều đình ban thưởng, Hoàng Tá Thốn được vua phong là “Sát Hải Đại Vương”, đồng thời cho ông được chọn đất. Ông đã chọn xứ Thiên Bồng (vùng đất làng Vạn Tràng, xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ngày nay).
Hoàng Tá Thốn được tin tưởng giao thống lĩnh các đạo thủy binh trấn giữ 12 cửa biển. Ông tổ chức canh phòng cẩn mật đánh dẹp hải tặc, nhiều lần đánh tan quân Chiêm sang quấy rối.
Đến khi có tuổi sức yếu, ông được Triều đình cử làm Nội gia thư. Hoàng Tá Thốn mất vào năm 1339 thọ 85 tuổi. Nhà Vua thương tiếc liền sai đưa linh cữu ông về an táng ở làng Vạn Phần (Diễn Vạn, Diễn Châu), người dân lập đền thờ để tưởng nhớ đến ông.
Ngày nay ở xã Hưng Lộc thành phố Vinh có con đường mang tên ông, huyện Yên Thành cũng có ngôi trường mang tên Hoàng Tá Thốn.