Richard là một thầy tu của nước Anh, ông đến Đại Việt và sống ở Đàng Ngoài mấy chục năm rồi viết cuốn “Lịch sử tự nhiên dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài” (Histoire naturelle, civile et politicque du Tonquin) xuất bản ở Paris năm 1778. Nói về cách để tóc của đàn ông Thăng Long, ông tả: “Vẻ đẹp của xứ Đàng Ngoài là để tóc dài. Đó một phần của trang phục nghi lễ. Nam giới và phụ nữ thường búi tóc cao và gắn vào đó một cái nơ ở phía sau đầu”.
1. Một ví dụ khác về đàn ông Việt để tóc dài là khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh giặc Thanh trước Tết 1789. Lúc ấy, Hoàng đế đã cho toàn quân ăn Tết trước và tổ chức lễ “thệ sư” vào giữa đêm Giao thừa rồi đọc lời thề trong đó có câu:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng…
Nghĩa là đánh để vẫn giữ được phong tục tập quán, vẫn để được tóc dài, vẫn được nhuộm răng đen. Đàn ông Việt để tóc dài từ xa xưa. Người lính khi thực hiện nhiệm vụ hay thợ thủ công Thăng Long khi đang làm việc sẽ búi tóc cao dưới mũ hoặc buộc chúng lên phía trên đầu (gọi là búi củ hành). Thế nhưng mỗi khi vua xuất hiện thì đàn ông lại xõa tóc để tỏ lòng tôn kính. Ngược lại với người lớn thì đầu con trẻ lại cạo trắng chỉ để 3 chỏm khá lớn (còn gọi là ba vá). Kiểu để tóc này của con trẻ bị ảnh hưởng của Phật giáo giống như các chú tiểu trong chùa, vì 3 chỏm tượng trưng cho: tham, sân, si. Vì các chú tiểu mới gieo duyên với nghiệp xuất gia, chưa biết tu tập nhiều nên căn bản phiền não vẫn còn nguyên vẹn. Để trẻ con có tóc 3 chỏm và đàn ông khi tóc dài cần cắt bớt thì người xưa dùng dao mài sắc rồi xén cạo từng tí một.
Các hàng cắt tóc ở phố Quang Trung quãng năm 1991-1993
Về cắt tóc bằng dao sắc, trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (Un campagne au Tonkin) xuất bản ở Paris năm 1896 của bác sỹ Hocquad (từng phục vụ trong quân đội Pháp xâm chiếm Hà Nội) năm 1883 viết: “Họ không cắt tóc bằng tông-đơ như người Pháp. Họ cạo râu cũng không bằng dao mỏng như người Pháp. Tất cả đều dùng con dao khá to và xén từng tí một. Bổ trợ cho anh chàng cắt tóc, lấy ráy tai, là anh chàng xoa bóp. Hai anh chàng này sống cạnh nhau như đồng sự và khách hàng sẽ đi từ chỗ người này sang chỗ người kia sau khi cạo mặt và lấy ráy tai. Hỡi thợ cắt tóc ở Pháp, các ông nghĩ gì về những người thợ An Nam?”.
2. Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi phong trào Đông Kinh nghĩa thục do cụ Lương Văn Can cùng các nhà Nho yêu nước lập ra ở phố Hàng Đào với mong muốn “khai dân trí, chấn dân khí” đã khuyên đàn ông cắt tóc ngắn, đàn bà thì cạo răng đen. Nhà Nho Nguyễn Quyền cũng là thành viên của Đông Kinh nghĩa thục đã làm bài thơ “Cắt tóc” mở đầu bằng 2 câu:
Phen này cắt tóc đi tu
Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân…
Thế nhưng trước khi Đông Kinh nghĩa thục ra đời thì ở Hà Nội đã có các hiệu cắt tóc theo kiểu phương Tây. Hiệu cắt tóc dùng tông-đơ đầu tiên xuất hiện ở phố Tràng Tiền năm 1884 và chủ hiệu là một người Pháp đã luống tuổi. Cuối năm này xuất hiện hiệu thứ hai ở phố Hàng Trống sát bên đình Đông Hương. Khách hầu hết là người Pháp, công chức người Việt làm cho chính quyền và nhân viên bưu điện vì ngành này có qui định riêng rất khắt khe, bắt buộc phải cắt tóc ngắn.
Vào ngày chủ nhật khách quá đông nên một mình chủ hiệu cắt không xuể nên ông thợ ở Tràng Tiền đã dạy nghề miễn phí cho một số thanh niên. Khi họ thành thạo, ông ta nhận vào làm việc tại cửa hàng. Rồi có người nhìn thấy cơ hội đã sắm đồ nghề, thuê nhà mở hiệu cắt tóc riêng. Và hiệu cắt tóc đầu tiên của người Việt là ở phố Hàng Gai.
Thấy nghề cắt tóc kiếm sống được nên một số người ở làng Kim Liên cũng đi học rồi về làng truyền nghề. Từ đó trong làng có rất nhiều thanh niên theo nghề này. Nghề cắt tóc của làng Kim Liên cũng chỉ có từ đầu thế kỷ 20 và lúc ấy được gọi là nghề húi đầu, không hiểu từ này có xuất xứ thế nào? Vì giá thuê nhà mở hiệu khá cao nên nhiều người sắm đồ nghề rồi cho vào hòm gánh đi cắt tóc rong.
3. Sau năm 1954, chế độ mới đưa ra hình thức làm ăn tập thể nên những người thợ cắt tóc “góp gạo thổi cơm chung”, tức là mọi người mang đồ nghề của mình đến hợp tác xã. Thời đó có vài hợp tác xã có đồ rất xịn, ghế bọc da đẹp và sang như ghế của vua Pháp Louis 14, có thể xoay tròn và ngả ra để cạo mặt, râu. Dao kéo sản xuất tại Anh, bình xịt nước hoa của Pháp, lược bằng sừng có răng hơi tù để tránh làm xước da đầu.
Tùy theo diện tích cửa hàng mà số xã viên có thể nhiều hay ít. Họ cũng làm ca và ăn lương, cũng có tiêu chuẩn gạo cung cấp. Dù đứng một ca 8 tiếng, nhưng tem phiếu của họ khi đó có ký hiệu N (tiêu chuẩn nhân dân). Ở phố Hàng Khay có hợp tác xã cắt tóc rất đông khách. Ngoài những khách hàng quen, nơi đây còn được các cán bộ trung, cao cấp tìm đến cắt tóc vì hợp tác xã này có nước hoa, xà phòng thơm cạo râu của ngoại.
Những hợp tác xã này dù vắng hay đông thì khách lúc nào cũng phải lấy tích kê rồi ngồi đợi đến lượt. Cửa hàng trưởng phân thợ nào cắt khách cũng phải chịu. Sau khi đổi mới, hệ thống các hợp tác xã phần lớn bị giải thể, trong đó có các hợp tác xã cắt tóc. Và cũng từ ấy, Hà Nội xuất hiện nhiều cửa hiệu cắt tóc tư nhân.