Ông Nghè nào có công lớn trong việc đòi lại mỏ Tụ Long cho Đại Việt?

Lịch Sử
Nguyễn Công Thái đã thực sự đi ngược lên mạn trên vùng núi có mỏ Tụ Long, để cho miền đất biên cương giàu khoáng sản này được xác định là nằm hẳn ở mạn Nam sông Đỗ Chú, bên trong lãnh thổ Tổ quốc. Đấy là giá trị và kết quả của cuộc “hội khám” năm 1728.

Theo cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, đời vua Lê Dụ Tông (1715), Nguyễn Công Thái, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (làng này bây giờ là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đỗ “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”.

13 năm sau khi đỗ tiến sĩ, vào năm Mậu Thân, niên hiệu Bảo Thái thứ 9, vẫn là dưới thời trị vì của vua Lê Dụ Tông, nhưng nắm thực quyền điều hành đất nước lúc này là chúa Trịnh Cương (1728), có tới 2 sự kiện dồn dập đến trong cuộc đời của ông nghè Nguyễn Công Thái. Đó là lúc ông đang giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (tức Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), nhân lúc triều đình mở khoa thi “Đông Các”, dành cho đại thần có chữ nghĩa, Nguyễn Công Thái lúc này đã kiêm thêm cả chức “Tri Binh phiên” (tức đứng đầu cơ quan lo việc binh bộ ở bên phủ Chúa Trịnh) cũng dự thi. Ông đã trúng cách và trở thành người văn võ kiêm toàn.

Ông Nghè nào "phớt lờ" quan chức nhà Thanh, đòi lại mỏ Tụ Long cho Đại Việt? - Ảnh 1.

Danh nhân, tướng công Nguyễn Công Thái. Ảnh minh họa.

Sự kiện thứ hai là vào năm 1728, Nguyễn Công Thái được nhận quyết định cùng quan Tả Thị lang Bộ binh Nguyễn Huy Nhuận lên miền địa đầu phía Bắc “hội khám” cùng các quan chức nhà Thanh, để bàn về việc phân định biên giới. Bấy giờ, giữa triều đình Lê – Trịnh nước ta và triều đình nhà Thanh ở phương Bắc, đang cộm lên vấn đề mỏ Tụ Long, ở châu Vị Xuyên. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú ở đầu thế kỷ 19 viết: “Các đèo ải ở Vị Xuyên, Tụ Long… là những nơi chứa góp của cải, nguồn lợi của các đời đều do đó mà sinh ra. Nhưng vùng núi Tụ Long của nước ta đã bị mất về nhà Thanh. Thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế. Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm”.

Sứ bộ Nguyễn Công Thái được phái lên Vị Xuyên “hội khám” cùng các quan chức nhà Thanh, chính là để xác định trên thực địa, dòng sông ranh giới có tên là Đỗ Chú ấy. Và như vậy thì dòng sông Đỗ Chú tất phải ở mạn trên (phía Bắc) mỏ Tụ Long. Có thế thì mới đúng việc trả lại cho nước Việt 40 dặm bị mất. Tuy nhiên, khi vào cuộc “hội khám” thì quan lại nhà Thanh gồm: Ngạc Nhĩ Thái, Phan Doãn Mẫn, Hằng Dịch Lộc, Nhậm Lan Chi, Ngô Sỹ Côn, Vương Võ Đảng…, với ý đồ và thủ đoạn “muốn ăn chặn”, nên đã “chỉ láo” ra một dòng sông khác ở mạn phía dưới (phía Nam) mỏ Tụ Long nói rằng đó là sông Đỗ Chú!

Trước tình thế trên, nếu việc “hội khám” chỉ làm qua loa, dễ dãi tất sẽ dẫn đến chỗ xác nhận trên thực địa thì việc trả lại trên giấy tờ 40 dặm đất biên cương của nước Việt sẽ không thể được. Và như vậy thì việc lấy lại vùng mỏ Tụ Long cũng coi như không.

Nhưng Nguyễn Công Thái chẳng hề tắc trách. Ông đã cùng cộng sự là Tả Thị lang Nguyễn Huy Nhuận quyết tâm dấn thân vào cuộc mạo hiểm: Đi tìm dòng sông Đỗ Chú thật. Phải mất nhiều công phu và nhiều gian khó, thậm chí nguy hại ở những nơi lam chướng hiểm trở và cuối cùng ông xác nhận đúng chỗ dòng sông Đỗ Chú”.

Điều này có nghĩa là Nguyễn Công Thái đã thực sự đi ngược lên mạn trên vùng núi có mỏ Tụ Long, để cho miền đất biên cương giàu khoáng sản này được xác định là nằm hẳn ở mạn Nam sông Đỗ Chú, bên trong lãnh thổ Tổ quốc. Đấy là giá trị và kết quả của cuộc “hội khám” năm 1728.

Lời bàn:

Cũng theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chẳng những không quản ngại khó khăn, gian khổ để tìm ra dòng sông Đỗ Chú, mà ngay sau đó Nguyễn Công Thái còn cho tiến hành dựng bia phân định biên giới giữa nước ta với nhà Thanh. Và cho đến nay, tấm bia với lời văn chắc nịch hào hùng vẫn tồn tại vững chãi gần 300 năm nay trên biên giới phía Bắc đất nước: “Lấy mốc sông Đỗ Chú làm căn cứ, ngày 18 tháng chín năm Ung Chính thứ 6 (1728) chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị lang bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.

Hơn trăm năm sau, vua Tự Đức nhà Nguyễn, nhân đọc lại sử cũ về năm 1728, đã cầm bút, viết lời “châu phê” rằng: “Đạo bầy tôi phải như thế”! Noi gương các bậc tiền nhân, ngày nay lớp lớp hậu thế của quan Tế tửu Nguyễn Công Thái vẫn đang ngày đêm nắm chắc tay súng để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, sự toàn vẹn biên giới quốc gia. Và sức mạnh của dân tộc Việt Nam chính là sự biết bảo tồn, phát huy truyền thống anh hùng, lòng dũng cảm và ý chí của cha ông trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, xin hậu thế đừng ai quên điều này.