4 ngọn núi có vị trí đắc địa giữa thành Hà Nội xưa

Xưa

Theo Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chính, cuối thế kỷ 19, ở thành Hà Nội vẫn còn 4 ngọn núi, trong đó nổi tiếng nhất là núi Nùng.

Nói đến thế đất của thành Thăng Long xưa, người ta hay nhắc đến câu “Sông Nhị, núi Nùng” và ngày nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng núi Nùng là ngọn đồi đất trong công viên Bách Thảo.

Trong sách Hoàng Việt Dư địa chí (quyển 1), nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn) là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng)”.

Sách Đại Nam Nhất thống chí (tập II) của nhà Nguyễn cũng chép rằng: “Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên, bản triều (nhà Nguyễn) đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý”.

Tác giả Nguyễn Bá Chính trong sách Hà Nội chỉ nam, xuất bản năm 1923, cũng ghi rằng: “Năm 1822, vua Minh Mạng sửa sang lại điện Kính Thiên, đặt tên là Long Thiên điện, có chính điện và hai dãy hành lang, lại có thiên điện cùng hai dãy hành lang nữa, đến năm 1886, thì để riêng chỗ đó làm chỗ thờ các vua nhà Lê. Rồi đến khi người Pháp sang, năm 1873, ông Francis Garnier đóng tại đó, năm 1882 thì ông Henri Riviere lấy điện ấy làm bộ tổng tư lệnh, là nơi điều khiển về việc binh”.

Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long được xây trên ngọn núi Nùng.

Nguyễn Bá Chính viết tiếp rằng: “Núi Nùng nay chỉ còn nhắc lại ở trong câu thơ vần phú mà thôi, chứ núi thật thì không còn, mà bây giờ tức là nhà chứa thuốc súng cạnh Phủ toàn quyền”.

Sách Hà Nội chỉ nam còn cho biết trong thành Hà Nội còn có những quả núi khác tên là Tam Sơn, Khán Sơn và Thái Hòa.

“Núi Tam Sơn thì nhỏ và thấp, năm 1886 hãy còn”, sách viết. “Khi ông Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Nội, thành bị thất thủ, ngài không chịu hàng, trèo lên núi Tam Sơn mà tự tử. Phía nam có một đống đất nhỏ, nhà Lê có dựng lên một cái lầu rất cao, tức là ‘Cột Cờ’ bây giờ vậy”.

Theo sử sách thì trước tình thế thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu đã treo cổ tự tử tại Võ Miếu. Các nhà nghiên cứu ngày nay xác định vị trí Võ Miếu của thành Thăng Long xưa ở phía tây nam kinh thành, quãng giáp nhau giữa đường Điện Biên Phủ và Hoàng Diệu ngày nay, tức là khu vực cột cờ Hà Nội, trùng với mô tả về núi Tam Sơn của Nguyễn Bá Chính.

Hà Nội chỉ nam viết tiếp: “Núi Khán Sơn, ở phía tây cửa cung vua ngày trước, chu vi hơn 20 trượng, là núi đất hơi cao, trên đỉnh nhọn, đời vua Lê Thánh Tông vẫn lấy núi ấy làm chỗ ngồi ngự để xem điểm binh, cho nên mới gọi là Khán Sơn”.

Nguyễn Bá Chính cho rằng Khán Sơn chính là núi đất ở trong vườn Bách Thảo ngày nay, mà trên có đền thờ. Các sách địa dư thời Nguyễn như Hoàng Việt địa dư chí, Đồng Khánh đại dư cũng đều viết về Khán Sơn nằm ở phía tây thành Thăng Long. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu hiện nay xác định Khán Sơn xưa nằm ở vị trí trước Phủ chủ tịch ngày nay, chứ không phải trong vườn Bách Thảo.

Trong khi đó, trên ngọn núi trong công viên Bách Thảo có ngôi đền, trong đền có tấm biển ghi dòng chữ: “Sưa sơn lăng miếu”, tức là “ngôi miếu trên núi Sưa”. Sưa là một loài cây gỗ quý, trước đây mọc thành rừng trên ngọn núi này, vì thế mới có tên gọi là núi Sưa.

Cuối cùng, về núi Thái Hòa, Nguyễn Bá Chính viết: “Núi Thái Hòa thì ở phía đông kinh thành, song đến năm 1885, Pháp bạt đi để xây trại lính”. Theo các sách về Hà Nội xưa khác, thì núi Thái Hòa còn có tên là núi Voi.

Ngoài các ngọn núi mà Nguyễn Bá Chính mô tả, quanh thành Hà Nội xưa còn có một số đồi thấp khác cũng được gọi là núi, như Núi Trúc ở làng Vạn Phúc, nay được đặt thành tên đường, núi Bò ở cạnh hồ Thủ Lệ…