Từ thời nhà Lý, Tây Nhai (tương ứng chợ Ngọc Hà hiện nay) đã là chợ lớn nhất Thăng Long nói riêng và Đại Việt nói chung với đủ loại mặt hàng. Và ngồi bán hàng ở đây hầu hết là đàn bà, con gái.
Tài kinh doanh k.inh ngạc
Đến thế kỷ 16, Thăng Long nhiều chợ hơn và người phương Tây đến đất này thấy quá nhiều chợ nên họ gọi là Kẻ Chợ. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ còn các nơi khác là Kẻ Quê.
Ca dao tục ngữ xưa có nhiều câu về con gái Thăng Long đảm đang: “Em là con gái Phụng Thiên/Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng” hay “Em là con gái Kẻ Mơ/ Em đi bán rượu tình cờ gặp anh”. Khảo cứu sâu về lịch sử Thăng Long – Hà Nội thì hầu hết những gia đình giàu có ngày xưa đều do công của các bà, các cô. Tác giả William Dampier trong cuốn sách “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài” (năm 1688) đã đánh giá cao khả năng buôn bán của phụ nữ Thăng Long, đặc biệt là những người làm nghề đổi tiền: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Hầu hết họ là phụ nữ và rất khéo léo, khôn ngoan. Họ thực hiện công việc về đêm, biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần t.inh qu.ái nhất ở London”.
Thế kỷ 18 ở phố Hàng Ngang có cụ Diên Thái buôn chè, thuốc lào mà trở nên giàu có. Chồng cụ chỉ ăn, đọc sách, đàm đạo với các nhà Nho và còn lấy tiền của vợ để mua sách hay thuê người chép những trước tác Trung Hoa rồi lập thư viện gia đình. Nhờ giàu có nên cụ Diên Thái nuôi thầy Phạm Đình Hổ dạy con.
Vì thế con cụ đã đỗ kỳ thi Hương được triều đình bổ làm quan huyện. Cũng vì làm thầy cho nhà buôn giàu có Diện Thái mà Phạm Đình Hổ có cơ hội đọc hết tủ sách nhà cụ, có cơ hội quan hệ với các nhà Nho trên đất Thăng Long để rồi sau đó viết ra cuốn “Vũ Trung tùy bút” – cuốn sách không chỉ là thái độ của một nhà Nho với triều đình phong kiến mà còn là nguồn sử liệu qúy hiếm về Thăng Long xưa.
Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ
Thế kỷ 19, thành ngữ Hà Nội có câu: “Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ”. Bà Cống Vẽ ở phố Hàng Gai, bà Cống Sùng ở phố Hàng Bông – đây là 2 người phụ nữ giàu nhất thành Hà Nội thời vua Tự Đức. Bà Cống Vẽ (bà quê Kẻ Vẽ, nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) chuyên buôn bán sợi gai, bao gai. Còn bà Cống Sùng chuyên buôn bán bông, một nguyên liệu quan trọng làm ra vải, chăn, áo ấm.
Năm 1883 chính quyền Pháp đã lấy nhà bà Cống Vẽ ở phố Hàng Gai làm trụ sở Tòa Công sứ đầu tiên vì nhà bà thuộc loại đẹp và sang nhất Hà Nội khi đó. Khi xây xong Tòa Công sứ của mình, người Pháp đã trả lại nhà và đền tiền cho bà trong quãng thời gian ở đó khiến bà không buôn bán được. Rồi lúc người Pháp nắn lại phố cho thẳng, họ cũng trả ơn bằng cách không xén nhà bà làm vỉa hè (đoạn phố không có hè ấy nay vẫn còn).
Cuối thế kỷ 19, vợ nhà yêu nước Lương Văn Can (được gọi là bà Cử) cũng buôn bán giỏi giang để chồng có tiền mở và duy trì phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Đầu thế kỷ 20 thì có bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô), bà Vương Thị Lài… là con gái phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Gai xưa buôn bán giỏi đến mức họ có quyền chọn chồng. Thời đó có câu “phi Cao đẳng bất thành phu phụ”, ý là nếu các chàng trai không học Cao đẳng thì đừng bao giờ nghĩ đến việc lấy họ làm vợ. Điều đáng khâm phục là các bà, các cô xưa hầu như không được cha mẹ cho đi học chữ.
Có 3 điều rất lạ là việc buôn bán ở châu Á xưa và nay thường do đàn ông đảm nhiệm, thế nhưng ở Việt Nam lại do đàn bà con gái chuyên trách. Điều lạ thứ hai là theo quy định của Nho giáo thì một người phụ nữ mẫu mực phải là người chịu sống phụ thuộc vào một người đàn ông là cha, chồng, hoặc con trai trong suốt cuộc đời họ. Họ không có tư cách riêng, cũng như không bao giờ được khuyến khích thể hiện năng lực cá nhân, không được tham gia vào các sinh hoạt chính trị có liên quan tới chính cuộc sống của họ. Vậy tại sao các bà, các cô lại làm công việc kiếm tiền, tay hòm chìa khóa giỏi như vậy? Và điều lạ thứ ba là các bà không được cha mẹ cho học chữ Nho, không được học tính toán như đàn ông vì quan niệm “đàn bà học chữ chỉ để cãi chồng”. Ấy vậy mà họ vẫn kinh doanh được, và kinh doanh rất giỏi.
Cuối thế kỷ 19, vì buôn bán phải nộp thuế nên một số hiệu buôn lớn ở Hà Nội đã thuê các thầy Ký tận trong Sài Gòn ra để tính toán lỗ lãi. Nửa đầu thế kỷ 20, khi số người Hà Nội có bằng Thành chung hay bằng Tú tài bản địa (còn gọi là Tú tài 1) nhiều lên thì các hiệu không thuê các thầy Ký từ Sài Gòn nữa mà thuê người Hà Nội để giảm chi phí. Thế mà rất nhiều các bà, các cô không biết chữ, buôn tàu bán bè rất lớn nhưng chẳng thuê ai. Đầu họ như máy tính thời nay, không có sổ sách nhưng các bà nhớ như in đến từng số lẻ mình nợ ai, ai nợ mình, không sai một xu. Đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử không giải thích được.
Không chỉ kiếm tiền làm giàu và tay hòm chìa khóa, các bà còn ứng xử với bên nhà chồng rất biết điều và nín nhịn. Các bà luôn coi chồng là chiếc cột cái về tinh thần trong gia đình, không bao giờ tỏ ra mình là kẻ làm ra tiền cho dù ở chợ họ chẳng sợ ai. Đó cũng là đức tính hy sinh của phụ nữ Việt Nam, một điều cũng rất lạ.
Nguồn: Dân Trí