Vinh nhục cận kề, ngày đêm cực nhọc lập phương án chữa trị bệnh, các Ngự y Thái Y Viện triều Nguyễn người được hưởng vinh hoa phú quý, kẻ chịu cảnh roi vọt, tù đày đến hết đời. Chữa bệnh cho Vua các Ngự y của Thái Y Viện triều Nguyễn được thưởng gì và phạt gì? Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết này.
Được ban thưởng hậu hĩnh vì chẩn đoán đúng Vua sẽ chết
Ngự y của Thái Y Viện triều Nguyễn là những người có nhiệm vụ thăm khám, kê đơn, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Vua cùng những người hoàng thân quốc thích trong Cung Đình.
“Chữa bệnh cho Vua như chơi với hổ”, ranh giới giữa sự sống và cái chết của các Ngự y là vô cùng mong manh. Chính vì vậy mỗi ngày các Ngự y đều phải nỗ lực hết sức để có thể chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra những toa thuốc điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Mặc dù công việc vô cùng căng thẳng, song nếu chẩn đoán đúng và chữa bệnh hiệu quả thì phần thưởng của các Ngự y nhận được lại vô cùng hậu hĩnh. Có không ít Ngự y của Thái Y Viện đã được đổi đời, sống trong nhung gấm, lụa là chỉ sau 1 đêm nhờ chữa khỏi bệnh cho Vua hoặc những người hoàng thân quốc thích của Vua.
Trong cuốn Ngự Dược Nhật Ký thuộc bộ tư liệu Châu Bản Triều Nguyễn có đoạn trích: Năm 1819, tức năm Gia Long thứ 18, nhà Vua bị ốm nặng. Lúc này các quan Ngự y của Thái Y Viện như: Chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, Phó ngự y Đoàn Đức Hoảng, cùng một số cai bạ hầu thuốc khác đã chẩn bệnh và tâu nhà Vua không sao, uống thuốc là sẽ khỏi.
Trái ngược hoàn toàn với những chẩn đoán của các Ngự y của Thái Y Viện. Quan Ngự y Trần Đại Nghĩa tên thật là Nguyễn Lượng, quê ở Làng La Khê, trấn Tây Sơn, nay thuộc phường Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội – Người từ nhỏ vốn đã tinh thông nho học nhưng không thích làm quan, không ưa văn vẻ. Ngự y Trần Đại Nghĩa chính là người nghiên cứu nhiều tác phẩm y học nổi tiếng như: Thiên quốc âm y thư, La Khê y học, đặc biệt là tinh thông phép điền hư giúp nhiều người thời bấy giờ chữa khỏi bệnh nan y.
Năm Gia Long thứ 18, được tin nhà Vua ốm nặng, các Ngự y của Thái Y Viện đã dùng đủ mọi cách cứu chữa nhưng bệnh không có tiến triển. Lúc đó Ngự y Trần Đại Nghĩa được Tổng trấn Bắc thành Lê Công Chất tiến cử vào kinh để chẩn đoán bệnh cho Vua.
Sau khi Ngự y Trần Đại Nghĩa bắt mạch cho nhà Vua, thái tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là Vua Minh Mạng) hỏi tình hình thế nào? Ngự y Trần Đại Nghĩa chỉ trả lời là “khó nói”. Sau ông đã làm một bản kê rõ tình trạng bệnh của Vua. Trong bảng kê Trần Đại Nghĩa có ghi: Theo bệnh mạch so với y lý thì nhà Vua chỉ có thể sống được hơn 1 tháng nữa.
Đúng theo những gì Ngự y Trần Đại Nghĩa dự đoán, đến ngày 19 tháng 1 năm kỷ mão nhà Vua băng hà. Thái tử Phúc Đảm lên ngôi (Vua Minh Mạng). Vì tin tưởng y thuật tinh thông, đã đoán đúng bệnh và dự đoán chính xác cái chết của Vua Gia Long, Vua Minh Mạng đã ban thưởng hậu hĩnh cho ngự y Trần Đại Nghĩa và bổ ông làm ở Thái Y Viện. Tuy nhiên ông đã từ chối và về quê chăm nuôi mẹ già.
Được ban thứ phi vì chữa khỏi bệnh thương hàn cho Vua
Ngự y Nguyễn Bá Chước tên thật là Nguyễn Bá Khánh là một ngự y vô cùng tài giỏi về y thuật. Dưới thời Vua Đồng Khánh, vì có nhiều công lao trong việc chăm sóc và chữa bệnh cho Vua nên Nguyễn Bá Chước được ban danh vị Hàn lâm viện đại chiếu.
Ngự y Chước đỗ Tú tài năm 1876, tức năm Tự Đức thứ 30. Ông Chước là một thầy thuốc đông y giỏi, rất nổi tiếng thời bấy giờ nên được Vua mời về làm ngự y. Là người có nhiều công lao trong việc chữa bệnh cho Vua. Khi sức khỏe đã yếu và nhận thấy mình không còn nhiều thời gian., Vua Đồng Khánh đã cho truyền Ngự y Nguyễn Bá Chước đến và hỏi: Người từng có công với triều đình, còn chữa khỏi bệnh thương hàn cho ta. Vì ghi nhận những công lao đó mà trước khi mất ta muốn ban thưởng cho ngươi, ngươi muốn gì cứ tâu.
Lúc đó ông Nguyễn Bá Chước ngập ngừng thưa, nếu bệ hạ tha tội chết thì thần mới dám nói. Vua gật đầu, ông Chước tâu: “Hạ quan không xin bất cứ vàng bạc, bổng lộc gì khác, chỉ xin nhà vua ban cho bà thứ phi Lưu Ngân về làm vợ”. Nhà Vua không mấy kinh ngạc mà đã đồng ý. Sau khi chịu tang Vua xong, ông Nguyễn Bá Chước đã đón bà thứ phi Lưu Ngân về làm vợ.
Bà Lưu Ngân vào cung năm 14 tuổi nhưng không có con với Vua. Năm 17 tuổi Vua Đồng Khánh mất, bà Lưu Ngân được ông Nguyễn Bá Chước đón về làm vợ, sau đó bà đã sinh cho ông 20 người con. Trong số 20 người con của ông Nguyễn Bá Chước có bà Nguyễn Thị Đệ sau là vợ ông Trần Viết Lượng, nguyên là Ngự tiền văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Sau ông Lượng làm Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vướng vòng lao lý, chịu cảnh tù tội đến hết đời vì chẩn đoán sai bệnh
Bên cạnh những phần thưởng hậu hĩnh từ Vua, cuộc sống của nhiều Ngự y trong Thái Y Viện Cung Đình triều Nguyễn cũng không hề dễ dàng. Thậm chí có ngự y còn bị vướng vòng lao lý và phải chịu cảnh giam cầm vì chẩn đoán sai bệnh, không chữa được bệnh cho Vua.
Như đã nêu ở trên, năm Gia Long thứ 18, nhà Vua bị ốm nặng, Thay vì chẩn đoán đúng là nhà Vua sẽ chết sau 1 tháng và Ngự y Trần Đại Nghĩa được ban thưởng hậu hĩnh thì ngược lại. Các Ngự y như: chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và cai bạ hầu thuốc Trần Vân Đại đã bị bắt giam vì khi chẩn bệnh và dâng thuốc cho Vua đều nói nhà Vua không sao, uống thuốc sẽ khỏi.
Theo những ghi chép trong cuốn Ngự Dược Nhật Ký, phải đến vài năm sau đó, sửa nhiều lần đề bạt và xin miễn tội của các quan đại thần trong triều,những Ngự y này mới được xá tội và trả tự do.
Không chữa khỏi bệnh bị phạt đánh 30 roi
Bên cạnh việc giam cầm thì việc phạt roi khi không chữa khỏi bệnh cũng được áp dụng cho những ngự Thái Y Viện triều Nguyễn.
Theo đó Năm Minh Mạng thứ 3, tức năm 1822, sách Đại Nam Hội điển sự lệ chép, nhà vua ra chỉ dụ quy định: sẽ thưởng hậu hĩnh cho những Ngự y chữa khỏi bệnh và phạt nghiêm những ngự y không chữa khỏi bệnh. Trong sách Đại Nam Hội đã ghi chép có rất nhiều Ngự y được thưởng 1 đồng bạc lớn do hết lòng điều trị và chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Tuy nhiên có 2 trường hợp y sinh do không điều trị khỏi bệnh nào nên bị phạt đánh 30 roi, nếu lần sau tiếp tục không chữa khỏi bệnh như thế thì sẽ phạt nặng hơn, không thể tha thứ.
Vinh – nhục cuộc đời các Ngự của Thái Y Viện triều Nguyễn khi khám, chữa bệnh cho Vua như thế nào. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về cuộc sống của các Ngự Y của Thái Y Viện triều Nguyễn.