Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tiến sĩ Đỗ Khắc Chung sinh ngày 24 tháng 11 năm Đinh Mùi (1247) ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hưng Yên, mất năm 1330. Phụ thân ông là Đỗ Nhuận, mẹ là Vũ Thị Hương cùng làng Cam Lộ, cả nhà đều làm nghề thầy thuốc. Tiến sĩ Đỗ Khắc Chung là một nho sinh túc học, ông rất quan tâm đến sách vở và dạy bảo học trò.
Trong một lần du lãm đến ấp Sơn Đông, lộ Tam Đái (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch ngày nay), thấy nhân dân chất phác, học ít, nhưng bù lại phong cảnh núi sông lại đẹp, địa thế giao thông thuận lợi từ kinh thành Thăng Long qua miền ngã ba sông Bạch Hạc, lên tận đầu nguồn xứ Tuyên Quang, ông mới bảo nhân dân dựng trường học, dạy cho chữ nghĩa. Thời gian chừng khoảng 6-7 năm, dân tục đã trở nên tốt đẹp, học hỏi được tinh thông, trở thành một vùng dân có lễ nghĩa, nên ai ai cũng rất mến phục ông.
Sau thời gian ở Sơn Đông, tiến sĩ Đỗ Khắc Chung về triều đình thi đỗ và gia nhập hàng ngũ sĩ phu, làm quan triều Trần tới 50 năm và trải bốn đời vua Trần là Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Với tư cách như bộ trưởng ngoại giao, ông đã ra vào tổng hành dinh quân Nguyên nhiều lần để đàm phán, điều đình và đã thực hiện xuất sắc chiến lược vừa đánh vừa đàm của triều đình nhà Trần. Nhờ có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, ông được vua ban quốc tính nên đổi là Trần Khắc Chung.
Chuyện xưa kể lại rằng, khi giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta và thấy người nào cũng thích hai chữ “Sát Thát” bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Lúc đó, Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi.
Ngay lúc đó, nhà vua mừng mà nói rằng: Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế! Nói rồi nhà vua sai đem thư xin giảng hòa. Khi đến doanh trại quân Nguyên, tướng Ô Mã Nhi nói với Đỗ Khắc Chung: Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm.
Ngay lúc đó, Khắc Chung đáp: Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?
Nói rồi Đỗ Khắc Chung giơ cánh tay cho xem.
Xem xong, Ô Mã Nhi nói: Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?
Đỗ Khắc Chung liền nói: Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới phải đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người.
Ô Mã Nhi lại nói: Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát.
Khi Đỗ Khắc Chung trên đường về rồi, Ô Mã Nhi bảo với các tướng rằng: Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người” quả là giỏi ứng đối. Không làm nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được.
Nói xong, Ô Mã Nhi sai người đuổi theo Đỗ Khắc Chung nhưng không kịp.
Lời bàn:
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước, các nhà ngoại giao Đại Việt đã trải qua bao nhiêu gian nan, thử thách vì sự an nguy và tồn vong của đất nước. Tuy không có các thuyết khách, biện sĩ nổi tiếng kiểu như Tô Tần, Trương Nghi… của Trung Quốc ngày xưa, nhưng nền ngoại giao Đại Việt cũng xuất hiện không ít nhà ngoại giao kiệt xuất – những người mà “uy vũ bất năng khuất – phú quý bất năng dâm” như: Giang lệnh Đỗ Pháp Thuận, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tướng Trần Khắc Chung, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Bảng nhãn Lê Quý Đôn, sứ thần Giang Văn Minh… Tất cả những danh nhân này dù không xuất thân là nhà ngoại giao, nhưng có những lúc họ phải gánh vác những nhiệm vụ nặng nề là giữ gìn được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc. Và họ không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn làm cho kẻ thù dẫu có hùng mạnh đến mấy cũng phải nể phục.
Trần Khắc Chung là một trong những người như vậy. Trong suốt cuộc đời làm quan của mình, ông đã không ngừng cống hiến và đạt được nhiều vinh hiển. Ông từng giúp các vua nhà Trần giải quyết được nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự tồn vong của triều đình và đất nước ngày ấy. Chỉ với giai thoại trên đây không những quá đủ cho người đương thời mà cả hậu thế ngày nay cũng như mãi mãi về sau phải nghiêng mình trước tài năng và trí tuệ của Trần Khắc Chung.