Tháp nước Hàng Đậu nằm giáp ranh giữa hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm của ngày nay, là cửa ngõ từ phía Bắc Hà Nội đi vào khu phố cổ. Nằm giữa tâm điểm của sáu đường phố xòe ra như những giẻ quạt khổng lồ mang tên Phan Đình Phùng, Hàng Cót, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Hàng Than và Quán Thánh; ở cái đỉnh tụ lại của chúng, nơi này nghiễm nhiên hình thành một quảng trường nhỏ nhắn, tiếp cận ngay với đầu một vườn hoa mang tên Vạn Xuân, mà trước kia dân chúng quen gọi là vườn hoa Hàng Đậu.
Công trình này đã được xây dựng gần 130 năm trước, ngày nay vẫn còn sừng sững giữa thủ đô, với thời gian vắt qua 3 thế kỷ.
Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, người Pháp gọi là Đài Đầu, vì nó ở điểm đầu của mạng lưới đường ống cấp nước cho thành phố. Ngoài ra tháp còn mang thêm nhiều danh xưng khác, thể hiện được sự thân thuộc của nó đối với cuộc sống của người Hà Nội hơn 1 thế kỷ qua, các tên gọi đó là Két nước Hàng Đậu, Tháp nước tròn Hàng Đậu, Nhà máy nước tròn, Đài nước Quán Thánh, Nhà tròn Quán Thánh, và đặc biệt là cái tên Bốt Hàng Đậu – xuất phát từ một nhầm lẫn có phần hài hước của người dân.
Tháp nước Hàng Đậu có màu sắc xanh xám, với 54 cái cửa sổ rất hẹp và cao y giống hệt những cái lỗ châu mai của đồn bốt mà Pháp đã giăng đầy nội ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận thời bấy giờ, cái dáng dấp đó làm cho người ta tưởng là một bốt cảnh sát.
Thực ra bốt Hàng Đậu “chính hiệu” nằm ở đầu phố Hàng Giấy, ngay đối diện với tháp nước, nay là trụ sở Công an phường Đồng Xuân, cũng tương tự như Bốt Hàng Trống – nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm; Bốt Khâm Thiên, nay là trụ sở Công an quận Đống Đa…
Chữ Bốt được Việt hóa từ chữ Poste, ngày trước dân chúng còn gọi là bót hoặc bóp. Đồn bốt hay đồn bót là chỉ những nơi Pháp đóng quân. Vậy nói bốt là phải hiểu nó là cái đồn chứ không phải hiệu sách, hiệu ăn hay hiệu tạp hóa…, nó không thể là “Đài Đầu” trong hệ thống dẫn nước. Từ bốt có thể sử dụng linh hoạt hơn để chỉ một cái trạm nhỏ, như trạm biến thế điện, cũng gọi là bốt điện. Hoặc một trạm kiểm soát người qua lại như bốt đầu cầu, bốt Cầu Giấy, bốt Yên Phụ….
Người Pháp gọi tháp nước này là Chateau d’eau, bên cạnh đó còn có một đồn cảnh binh, người Pháp goi là Poste (người Việt Nam phát âm là Bốt, Bót hay còn gọi Bóp), vì vậy khi nói Bốt Hàng Đậu là để chỉ cái đồn của cảnh binh ở gần đó chứ không chỉ cái Tháp nước tròn.
Tháp nước Hàng Đậu cùng với toàn bộ hệ thống cấp nước sạch có thể nói là công trình ghi dấu sự văn minh đầu tiên làm thay đổi bộ mặt đô thị của Hà Nội. Trước đó, mặc dù là ở chốn kinh kỳ nhưng người Hà Nội vẫn quen dùng nước giếng đào và nước sông, hồ, ao vốn dày đặc lúc bấy giờ ở trong và xung quanh thành phố.
Những năm cuối thế kỷ 19, nhiều đợt dịch bệnh lớn liên quan đến ô nhiễm nước đã diễn ra tại thành phố, làm ảnh hưởng tới rất nhiều dân sinh sống tại đây, trong đó có cả 12 nghìn quân sĩ Pháp. Năm 1886, ngay sau khi được bổ nhiệm làm Tổng trú sứ (Résident général) dân sự ở Trung và Bắc kỳ, Paul Bert đã qua đời vì bệnh kiết lỵ. Sự việc đó khiến người Pháp phải gấp rút hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch theo lối châu Âu thay cho nguồn nước cũ.
Năm 1894, hai nhà máy nước được xây dựng: Một ở Yên Phụ gần khu Thành cổ, một ở Đồn Thủy thuộc khu nhượng địa. Tháp nước Đồn Thủy có kiến trúc giống như Hàng Đậu, nay nằm trong khuôn viên Xí nghiệp Kinh doanh Nước Sạch Hoàn Kiếm ở cuối phố Đinh Công Tráng.
Các tháp nước này là những công trình đầu tiên ghi dấu sự thay đổi bộ mặt thành thị của Hà Nội, khi lần đầu “nước sạch” xuất hiện. Nước từ độ cao của tháp có áp lực chảy vào hệ thống đường ống dẫn, ban đầu tới những vòi nước máy công cộng, rồi dần dần vươn tới các công thự và nhà riêng.
Tháp Hàng Đậu có hình trụ tròn, cao trên 25m với mái chóp nhọn cùng với cột thu lôi vươn lên trời xanh, làm bằng đá hộc và xi măng cốt thép. Có tư liệu nói rằng đá xây dựng tháp nước này được lấy ra từ Thành Hà Nội đã bị quân Pháp phá bỏ khi quy hoạch và xây dựng Hà Nội theo kiểu mẫu ở Pháp.
Vì phải chịu tải trọng của một khối nước có trọng lượng tương đương 1.250 tấn nên tháp nước Hàng Đậu được xây kiên cố như một pháo đài với những bức tường đá dày gia cố bằng hệ thống cột chịu lực bê tông cốt thép vững chãi.
Để tránh cái cảm giác nặng nề do chất liệu xi măng đá hộc gây nên, nhà thiết kế cũng cố gắng bao phủ mặt ngoài tháp nước bằng các giải pháp tạo hình thẩm mỹ bắt mắt như các vòm cửa hình vòng cung, đầu cột cổ điển, các mô-típ trang trí sắt uốn, các đường diềm phân tầng, các hình kỷ hà vuông tròn tiếp nối chạy vòng quanh thành những giải phân tầng.
Ở tầng một, ngoài 17 cửa sổ, còn một cổng ra vào mà hai cánh cổng là hai giải pháp trang trí được sử dụng quen thuộc ở các công trình xây dựng của Pháp thời đó.
Giải pháp sử dụng vòm cuốn trên trán cửa và nhắc lại thành một nhịp liên tục chạy vòng quanh khối kiến trúc tầng 1, kết hợp một hệ thống cột đỡ theo dạng thức cột đá Hy Lạp cổ: cột dorique (dạng cột này là đơn giản nhất trong 3 dạng thức: dorique, ionique và corinthien).
Hàng cột dorique này chỉ sử dụng nơi tầng 1 và đỉnh của chúng cũng là bệ đỡ cho những vòng cung nhắc lại vòng cung cửa sổ, là điểm dừng cho những vòng cung cửa sổ và điểm dừng cho nhịp nhỏ trong cả hệ thống nhịp lớn chạy quanh chu vi công trình.
Từ tầng 2 cho đến tầng 4 áp mái, cột dorique chỉ còn là những dải phân cách cho chiều thẳng đứng công trình, bề ngang cột thì vẫn tương đương với các cột tầng 1 nhưng càng lên cao càng mỏng dần kết hợp với những dải viền chu vi phân tầng tạo nên những mô-tip cục bộ, càng lên cao càng giảm bóng để cho nhẹ bớt cảm thức áp đảo.
Kết thúc giải pháp thiết kế trang trí toàn thể, nơi tầng 4 áp mái, nhà thiết kế đã cho chạy một đường diềm vòng quanh công trình bằng 18 tổ hợp hình kỷ hà: vuông, tròn kế tiếp nhau vừa để kết thúc vừa để nhắc lại nét khắc cuối cùng đã được sử dụng nơi tầng 1.
Công năng của Tháp nước Hàng Đậu là tiếp nhận nước từ nhà máy nước Yên Phụ, nước được đưa lên két nước chứa trên tầng cao nhất của tháp, là bể nước bằng thép với tổng dung tích 2.500 m3, tạo thế năng đưa vào hệ thống ống dẫn tới khu trung tâm thành phố. Nước sạch chủ yếu cấp cho sinh hoạt của các công sở, các dinh thự của người Pháp, sau đó mới đến các khu phố cổ của dân bản địa mà chủ yếu là đến các vòi nước công cộng.
Sau năm 1954, chính quyền Hà Nội vẫn sử dụng hệ thống đường ống cấp nước sạch cho thủ đô bằng hệ thống đường ống có sẵn từ thời Pháp thuộc. Tới những năm 1960, chức năng chính của tháp nước mới ngừng khi nâng cấp nhà máy nước Yên Phụ và thay đổi công nghệ truyền dẫn nước sạch. Tuy nhiên, ống ngầm phía dưới tháp hiện vẫn nằm trong hệ thống tuyến ống truyền dẫn nước của thành phố.
Trải qua bao vật đổi sao dời suốt chặng dài tồn tại, Tháp nước Hàng Đậu cũng không tránh khỏi có lúc thăng lúc trầm, có lúc bị bỏ quên trong nhếch nhác, có lúc bị chuyển đổi chức năng làm quán nhậu, song may mắn thay đến ngày nay nó đã được trở lại với dáng vẻ đĩnh đạc ngày xưa. Bây giờ tuy không còn công năng chứa nước và cấp nước, song nó lại tồn tại như một vật chứng, một chứng tích một thời nô lệ và độc lập, áp bức và giải phóng.
Ngoài Tháp nước Hàng Đậu, Hà Nội còn một tháp nước tròn nữa được xây dựng với cùng thiết kế và kích thước đặt ở khu vực gần nhà thương Đồn Thủy (nay là bệnh viện Quân y 108), nay thuộc khuôn viên xí nghiệp kinh doanh nước sạch quận Hoàn Kiếm, nó nằm khuất trong phố Đinh Công Tráng với cái tên Tháp nước Đồn Thủy. Người Hà Nội gọi hai tháp nước này là “Hai người anh em sinh đôi”.
So với tháp nước Hàng Đậu, tháp nước Đồn Thủy đã không còn giữ nguyên cấu trúc ban đầu, trừ vỏ ngoài. Đài nước bằng thép ở đỉnh tháp đã được tháo dỡ, hệ thống ống nước lên và xuống cũng không còn. Mái tôn được thay mới. Từ công năng cấp nước ban đầu, tòa tháp hiện được chuyển đổi thành khu làm việc cho nhân viên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm.
Một số hình ảnh Tháp nước Hàng Đậu hiện nay:
Nguồn chuyenxua.net