Cách đây vừa đúng 50 năm, quân và dân Hà Nội đã làm nên một chiến thắng to lớn, góp phần buộc Mỹ quay lại bàn đàm phán Paris và đặt bút ký vào bản “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27/1/1973.
Trong chiến công chung ấy, có một “chiến công” khác vô cùng quan trọng, đó là: Chỉ trong một ngày, Hà Nội đã sơ tán 20 vạn dân ra khỏi nội thành trước khi những trái bom B52 rơi xuống chỉ vài tiếng đồng hồ.
Trong ký ức của người Hà Nội, hiện ở tầm độ 60 tuổi trở lên, thì những ngày cuối tháng 12/1972 là những ngày không phai mờ. Bà Hoàng Thị Tú ở quận Ba Đình, năm nay 64 tuổi, bồi hồi nhớ lại: “Năm đó tôi mới 14 tuổi và chúng tôi mới nhập học lớp 8 Trường cấp 3 Chu Văn An được hơn 2 tháng. Thực ra chúng tôi cũng từ nơi sơ tán về Hà Nội. Hồi cuối năm lớp 7, chúng tôi đã phải nghỉ học để đi sơ tán. Về lại Hà Nội, lứa chúng tôi được đặc cách cấp bằng Tốt nghiệp cấp 2 để thi vào lớp 8. Bạn bè mới trở lại Thủ đô để tựu trường nên đứa nào đứa nấy đều rất hồ hởi. Học mới hơn 2 tháng thì buổi sáng ngày 18/12, lớp chúng tôi phải dừng buổi học giữa chừng để nghe thầy cô thông báo gấp”.
Thông báo gấp giữa chừng buổi học mà bà Tú vừa nói chính là Thông báo sơ tán mà Ủy ban hành chính thành phố vừa ban hành. Theo đó “Ngay lập tức mọi người dân phải tiến hành sơ tán ra khỏi nội thành”. Bà Hoàng Thị Tú kể thêm: “Mới đầu nghe thông báo, chúng tôi thấy hơi hoảng. Cả bọn cứ nhìn nhau, có đứa đã bật khóc vì vừa ở nơi sơ tán về chưa được bao lâu. Các thầy cô tuy chắc cũng có băn khoăn nhưng thấy chúng tôi hoang mang thì đến từng bàn động viên. Chúng tôi chỉ được phép về qua nhà mang quần áo và đồ dùng cá nhân rồi khẩn trương quay lại trường. Lần sơ tán này chúng tôi đi tập trung theo lớp”.
Từ nhận định chính xác tình hình
Còn nhớ vào cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó tổng Tham mưu trưởng phụ trách PK -KQ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng; ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Lời tiên đoán của Bác Hồ thật chính xác và đó cũng là nhiệm vụ đặt ra không chỉ cho các lực lượng vũ trang mà sâu xa hơn là nhiệm vụ đặt ra cho lãnh đạo Hà Nội thời điểm đó. Một nhiệm vụ sau này đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội (1968-1974) đã nói với chúng tôi trong lần chúng tôi tới phỏng vấn đồng chí. Đồng chí Bí thư Thành ủy có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói khàn khàn, tác phong nhanh nhẹn và đặc biệt là nụ cười vui luôn nở trên môi, đã cho biết: “Tôi được về Hà Nội 2 lần. Lần thứ nhất là cuối năm 1946, khi ấy tình hình vô cùng căng thẳng, quân Pháp liên tục gây hấn và đòi tước vũ khí của ta. Hà Nội có nhiệm vụ mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ và đầu tiên là cầm chân quân Pháp trong nội thành để các cơ quan Chính phủ rút lên chiến khu an toàn”. Nói rồi đồng chí Nguyễn Văn Trân cười rất vui: “Như vậy là Hà Nội đã có kinh nghiệm huy động nhân dân cùng đồng lòng thực hiện thành công nhiệm vụ trên giao”.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân chỉ nói thế thôi nhưng chúng tôi biết kinh nghiệm vận động nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo và nhận định tình hình là một bài học quý. Bài học đó đã được thực hiện tốt và an toàn trong những lần Hà Nội tổ chức đưa người dân ra khỏi nội thành vào những năm 1966-1967 khi máy bay Mỹ bay ra miền Bắc và ném bom Hà Nội. Ngay lần sơ tán tháng 4/1972 cũng thế, lần này sau khi Mỹ quay trở lại ném bom miền Bắc và đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, thành phố đã tiến hành sơ tán người dân vừa kịp thời lại vừa an toàn.
Lại nhớ, theo thỏa thuận giữa các bên tham gia bàn đàm phán Paris, thì ngày 23/10/1972, bàn Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam sẽ được ký kết. Nhưng chính quyền Mỹ lật lọng với âm mưu “Dùng sức mạnh quân sự để buộc chính phủ ta nhượng bộ”. Và Chiến dịch Linebacker là chiến dịch do Mỹ thực hiện trong Chiến tranh Việt Nam nhằm giải tỏa áp lực tiến công của Quân giải phóng trong Chiến dịch hè 1972. Thực hiện bằng cách ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, với ý đồ làm kiệt quệ miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam.
Đến cuộc sơ tán thần kỳ
Đúng như nhận định của Bác Hồ, không quân Mỹ huy động một nửa số máy bay B-52 hiện có để tập trung bay ra miền Bắc, đánh phá Hà Nội, nhằm “Đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá” và khiến chúng ta phải làm theo ý của Mỹ.
Với tinh thần cảnh giác cao độ, sự phân tích tình hình hiệu quả và chính xác, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã xác định công tác quan trọng nhất ở thời điểm này là: Nhanh chóng sơ tán nhân dân ra khỏi nội thành trước khi B-52 tiến hành ném bom rải thảm Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Trân khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi đã khẳng định: “Ngay sau khi Trung ương chỉ đạo, lãnh đạo thành phố tiến hành họp và nhận định Mỹ sẽ ném bom B-52 vào thời gian gần nhất. Thiệt hại sẽ vô cùng to lớn, do đó mọi người dân phải rời nội thành ngay trong ngày 18/12. Chỉ có lực lượng chiến đấu và lực lượng phục vụ chiến đấu mới được ở lại”.
Bà Hoàng Thị Tú nhớ lại: “Chúng tôi thấy trên đường phố vang lên tiếng loa thông báo lệnh sơ tán. Tôi về tới nhà được bố mẹ chuẩn bị cho ít quần áo, bố tôi còn lấy đưa cho tôi hai thứ. Một là chiếc hòm gỗ nhỏ để đựng quần áo, sách vở và hai là một chiếc bảng bằng gỗ dán cỡ to rộng hơn cuốn vở. Tôi vội mang những thứ đó đến lớp. Trường cấp 3 Chu Văn An đã chia toàn trường ra thành nhiều phân hiệu nhỏ. Theo như tôi được biết thì ở mỗi phân hiệu có đủ 3 khối học và các thầy cô giáo đang được phân công dạy môn học ở lớp nào trong cả 3 khối thì sẽ đi sơ tán cùng. Ví dụ như cô A đang dạy văn lớp 8A của tôi và dạy ở lớp 9C hay lớp10D sẽ cùng theo lớp. Ngay trưa hôm đó xe của thành phố đã chở chúng tôi về làng Kim Bài (nay là thị trấn Kim Bài), huyện Thanh Oai, Hà Tây. Chị gái tôi học trên tôi hai lớp nhưng lại thầy cô khác dạy môn học nên đi theo phân hiệu ấy về sơ tán ở Chương Mỹ”.
Với kinh nghiệm đã hơn hai lần tổ chức cho dân nội thành Hà Nội đi sơ tán, nhất là đợt sơ tán sau ngày 16/4 (khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, trực tiếp đánh phá Hà Nội và Hải Phòng) đến giữa tháng 12, Hà Nội đã sơ tán được gần 35 vạn người nên lần sơ tán này tuy khẩn trương về mặt thời gian, số lượng khoảng 20 vạn người nhưng đã được tính toán kỹ. Trường học đi theo trường học để việc học không bị gián đoạn. Cơ quan đi theo cơ quan để công việc vẫn hoạt động. Nhà máy xí nghiệp cho công nhân nghỉ việc, chỉ sản xuất hàng thiết yếu và hàng phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu. Với khu dân cư thì thành phố động viên đi theo khu phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân cho biết: “Thành phố đã huy động tối đa các phương tiện vận tải công cộng và vận tải dân sự của cả thành phố vào nhiệm vụ này. Từ tàu điện, tàu hỏa, xe ca, xe tải, xe khách. Người dân ai có phương tiện gì thì dùng phương tiện đó. Chúng tôi đã thống nhất là tập trung người dân đi sơ tán ở các địa bàn quanh Hà Nội. Trong đó ưu tiên là Hà Tây bởi từ nội thành Hà Nội về các huyện của tỉnh Hà Tây đường sá thuận tiện, không cầu phà”.
Trong trí nhớ của người Hà Nội thì ngày 18/12/1972, cả thành phố làm cuộc sơ tán rộng khắp. Trên các đường phố, từng đoàn xe ca, xe tải và cả những chiếc xe bò cũng được huy động để chở dân. Ngay cả đến những chuyến xe điện leng keng vào Hà Đông hay lên mạn Bưởi hoặc về Mơ cũng đầy ắp người đi sơ tán. Việc nhanh chóng với tinh thần: “Sơ tán là nhiệm vụ trọng tâm cũng như đánh giặc” nên việc sơ tán đã diễn ra mau lẹ, trật tự, tình hình ổn định, không có xáo trộn lớn và quan trọng nhất là an toàn. Cách thức tổ chức dân đi sơ tán theo hình thức “tập trung” nên không hề có sự hỗn loạn. Đồng chí Nguyễn Văn Trân đánh giá: “Nhân dân tin tưởng và chấp hành nghiêm túc. Cán bộ vào việc khẩn trương. Và đặc biệt là sự giúp đỡ cũng khẩn trương và nhiệt tình của cán bộ và nhân dân các tỉnh đã làm nên thành công”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, bài học về sự thành công của công tác sơ tán nhân dân ra khỏi nội thành chỉ trong vòng hơn mười tiếng đồng hồ là nắm chắc tình hình, chủ động chuẩn bị, phát huy nội lực, thống nhất hành động và nhân dân đồng lòng”.
Bài học đó đã làm nên thành công cho “Cuộc sơ tán thần kỳ” cuối tháng 12/1972.