Anh rể vua Lê
Lê Hiệu sinh năm 1617 trong một gia tộc quan lại ở xã Quan Trung, huyện Đông Thành (nay là xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An). Cụ nội của Lê Hiệu là Lê Giản được tặng Thái bảo Tả thị lang Cẩn Tiết bá.
Ông nội được tặng Thái bảo Tả thị lang Huấn Nghĩa bá. Cha là Lê Kính – một nhà khoa bảng nổi tiếng, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư.
Theo Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An, Lê Hiệu có 3 người vợ. Người vợ cả tên là Nguyễn Thị Hộ, con gái của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy. Người vợ thứ hai không rõ tên tuổi, quê quán. Người vợ thứ ba là bà Phạm Thị Hiền, con của quận công Phạm Đình Kiên quê huyện Yên Giang (nay là Yên Mỹ – Hưng Yên).
Bà Hiền là chị ruột của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu – vợ vua Lê Thần Tông và là mẹ của vua Lê Huyền Tông. Xét góc độ gia đình, Lê Hiệu là anh rể của vợ vua Lê Thần Tông, tức là anh em đồng hao với vua Lê Thần Tông, đồng thời là bác dượng của vua Lê Huyền Tông.
Với huân nghiệp của gia đình 3 đời quan lại, có bố đẻ là Thượng thư, bố vợ là thầy dạy của Thái tử, bản thân là đồng hao với vua Thần Tông, bác dượng của vua Huyền Tông, làm quan 35 năm, trải 4 triều vua nhưng đường quan trường cuối đời của Lê Hiệu lại gặp nhiều trắc trở, sóng gió.
Tương truyền, thuở thiếu thời khi cha còn giữ chức vụ thấp chưa có tiêu chuẩn để Lê Hiệu vào làm giám sinh Quốc Tử Giám thì cũng như bao nho sinh khác, ông phải đi học trường làng nhưng may mắn là gặp được thầy giỏi.
Thầy dạy của Lê Hiệu là Ngũ Phương tiên sinh, một danh sĩ nổi tiếng ở Đông Thành xưa. Ngoài Lê Hiệu, Ngũ Phương tiên sinh còn là thầy của các đại quan khác như Hồ Sĩ Dương, Trần Đăng Dinh, Phạm Chất…
Theo gia phả họ Lê, Lê Hiệu thông minh đĩnh ngộ, hàng ngày học tập, đêm xem sách điển kinh, thuộc làu bài chính, nhớ kỹ chú thích. Năm 27 tuổi, ông tham gia kỳ thi khoa Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái thứ nhất (1643) đời vua Lê Chân Tôn, đỗ Hoàng giáp, danh sách đứng thứ hai trong bảng đồng Tiến sĩ xuất thân. Từ đó Lê Hiệu bước vào chốn quan trường, để lại một sự nghiệp chính trị huy hoàng.
Thực ra nguồn ghi trong gia phả có phần chưa chính xác, theo tìm hiểu tại các nguồn sử đăng khoa và tài liệu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, khoa Quý Mùi (1643) Lê Hiệu đứng thứ hai trong hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, nghĩa là đứng thứ hai kỳ thi chỉ sau Nguyễn Khắc Thiệu. Khoa thi này, triều đình lấy đỗ 9 người, không có ai lọt hàng Đệ nhất giáp (Tam khôi).
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Thượng thư bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận, Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đình Chính vâng sắc soạn, Trung thư giám Hoa văn học sinh Đàm Phú Hoành vâng sắc viết chữ, có đoạn: Khi đó sĩ tử trong thiên hạ đến đua tài trên 2.000 người, vào trúng cách chỉ được 9 người.
Hôm sau dâng quyển lên đọc. Vua đích thân xem và định thứ bậc, cho Nguyễn Khắc Thiệu, Lê Hiệu hai người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Lê Đình Dự 7 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Chìm nổi quan trường
Sau khi thi đỗ, Hoàng giáp Lê Hiệu được triều đình bổ nhiệm chức Hiệu lý ở Hàn lâm viện, sau được thăng lên Khoa cấp sự trung Công bộ, rồi làm Hữu thị lang bộ Lễ, được triều đình cử làm Chánh sứ sang cống cho nhà Thanh, và báo tin vua Lê Thần Tông mất, xin lập vua Lê Huyền Tông.
Chuyến đi này của Lê Hiệu được đánh giá thành công, nhà Thanh chuẩn y việc lập Huyền Tông con Thần Tông lên ngôi. Chúa Trịnh Tạc cũng được vua Thanh chuẩn y tước vương.
Theo gia phả ghi chép, thời gian đi sứ sang Trung Quốc, Lê Hiệu có sáng tác tập sách “Yên Kinh ký”. Trong chuyến đi sứ, khi trở về đến Cao Bằng, Lê Hiệu cùng các quan địa phương ở đây dẹp loạn giặc cỏ giữ yên biên giới. Vì lập được công nên năm 1664 sau khi đi sứ về, ông được thăng lên làm Thượng thư bộ Công, gia thăng từ tước bá lên tước hầu.
Với chức vụ thượng thư bộ Công, năm 1665, Lê Hiệu được chỉ định tham gia điều tra, xét hỏi, dâng sớ đề nghị xử lý thỏa đáng một số quan lại làm trái quy định. Năm 1669 gia phong cho Lê Hiệu làm Tham tụng Tể tướng – là chức quan thay mặt Tể tướng giải quyết công việc của phủ chúa.
Dưới triều vua Lê Gia Tông, đường hoạn lộ của Hoàng giáp Lê Hiệu gặp nhiều sóng gió, vua Huyền Tông mất sớm nhưng chưa có con nối dõi, em khác mẹ của Huyền Tông là Gia Tông nối ngôi và tìm mọi cách làm suy yếu phe cánh vua Huyền Tông nhằm thay thế các vị trí cũ.
Tháng 12 năm 1673, Lê Hiệu bị triều đình bãi bỏ hết chức vụ để điều tra việc “tự tiện cho sắc chỉ và cấp bằng cho lại điển các nha môn làm việc có chỗ thêm bớt”.
Đây là tội làm trái quy định về sử dụng nhân sự thuộc quyền, nhưng có thể hiểu thực chất nguyên nhân sâu xa của vấn đề là buộc tội Lê Hiệu vì làm hạn chế số lượng và thực quyền của những người do phe cánh vua Gia Tông đưa vào bộ Hình mà Lê Hiệu là người đứng đầu.
Sau 6 tháng bị bãi chức để điều tra xét hỏi, tội trạng của Lê Hiệu không đến nỗi phải bãi hết chức tước, do đó Lê Hiệu được triều đình cho phục chức nhưng không đảm nhận vị trí cũ mà điều làm Tả thị lang Binh bộ.
Trong số những người cùng cảnh ngộ bị bãi chức có Phan Kiêm Toàn – Thượng thư bộ Binh, khi được phục chức lại bị điều sang làm Tả thị lang bộ Lại nên có ý bất mãn, bị triều đình phế làm thứ dân và đưa về quản thúc tại Thanh Hóa. Cho rằng Lê Hiệu cùng giuộc với Phan Kiêm Toàn nên cuối năm 1674, một lần nữa ông bị giáng chức xuống làm Tham chính sứ Hưng Hóa.
Lưỡng triều Tể tướng
Ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1678) khi đang giữ chức Tham chính sứ Hưng Hóa, Hoàng giáp Lê Hiệu qua đời ở tuổi 62. Tương truyền khi thuyền của triều đình chở linh cữu Lê Hiệu về quê bằng đường thủy, đi vào đất liền Nghệ An bằng đường kênh nhà Lê, đến địa phận xứ Nồi Niêu, thôn Bút Điền, xã Bút Điền, huyện Đông Thành thì táng ông tại đó.
Đất phần mộ Lê Hiệu được triều đình cấp cho 2 mẫu, ngoài 50 mẫu đã được thưởng công đi sứ nhà Thanh năm 1663 tại đây. Xứ Nồi Niêu được nhà Lê đổi tên thành Bút Điền lạc sở hay Đồn Điền biệt sở để chỉ vùng đất biệt lập. Ngày nay khu mộ Lê Hiệu nằm ở phía nam, cách quốc lộ 7 khoảng gần 2 cây số cạnh kênh nhà Lê tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tràng (Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An), trong bài vị cúng Hoàng giáp Lê Hiệu, có đoạn: “…đệ nhị giáp, hoàng giáp xuất thân, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tán lý công thần, Lưỡng quốc Tể tướng, Hình bộ Thượng thư, Phương Quế hầu…”.
Về chức “Lưỡng quốc tể tướng” cần được làm rõ, vì thực tế khi Lê Hiệu làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh lập được công năm 1663 – lúc đó ông mới chỉ giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, mãi đến năm 1669 mới được làm Tham tụng Tể tướng, cho nên phả chép Lưỡng quốc Tể tướng là không có cơ sở.
Lê Hiệu làm Tham tụng Tể tướng dưới hai triều vua, mỗi triều thời gian hai năm: Huyền Tông từ năm 1669 đến năm 1671, Gia Tông từ năm 1671 đến năm 1673, do đó ông là “Lưỡng triều Tể tướng” hoặc “Lưỡng nguyên Tể tướng” thì chính xác hơn. Bài vị cúng trên cũng cho thấy, sau khi Lê Hiệu mất, triều đình đã gia ân truy thăng Lê Hiệu vào chức tước cũ, chức tước cao nhất khi ông còn sống.
Tại nhà thờ họ Lê Văn tại xã Sơn Thành (Yên Thành) còn lưu giữ bản sao các sắc phong thời nhà Nguyễn liên quan đến một vị thần là thần Lê tướng công. Đối chiếu sắc phong với gia phả, giới nghiên cứu khẳng định vị thần Lê tướng công chính là Hoàng giáp Lê Hiệu.
Trong đó, bản sắc năm 1894 vua Thành Thái gia phong từ Chi thần thành Trung đẳng thần; bản sắc năm 1924 vua Khải Định gia phong từ Trung đẳng thần lên Thượng đẳng thần; bản sắc năm 1912 vua Duy Tân chỉ định phối thờ Trung đẳng thần Lê tướng công cùng với các vị thần khác của làng tại đình làng Tràng Sơn.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, khoa mục là chí công của thiên hạ… Nay dựng bia đá một lần mà truyền tới lâu dài… Thế thì người được khắc tên, dồi mài danh tiết, lấy việc trí quân trạch dân làm trách nhiệm, lấy việc giúp đời hành đạo làm niềm vui, khiến thiên hạ yên ổn, nước nhà vững như bàn thạch.
Ngày sau người ta tất sẽ chỉ tên mà khen. Còn như ngoài cứng trong mềm, trước trong trắng sau tì vết, danh thực sai lệch, lời nói việc làm trái ngược thì đích thực chỉ làm vết nhơ cho khoa mục.
Thế thì cái cơ vi dẫn đến thành tựu của các bậc thánh đức thần công thật hết mức tinh vi, hết mức huyền diệu, không chỉ khiến sĩ phu đương thời một lòng cố gắng giúp đời thịnh trị, mà còn tỏ cho kẻ học đời sau biết để khuyên răn, để cùng nhau xem báo đổi lông, phượng gáy múa, nhân tài lớp lớp xuất hiện bảo vệ cho con cháu và lê dân ta đời đời, xã tắc cơ đồ vững bền mãi mãi”, Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643).