Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, khi cuộc vây hãm thành Đông Quan bắt đầu, Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn bố trí lực lượng như sau: Chỉ huy việc vây hãm cửa Bắc là các tướng Lý Triện và Lê Văn An. Vây hãm cửa Tây là các tướng Bùi Bị, Lê Nguyễn và Lê Chửng. Vây hãm cửa Nam có các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Nguyễn Lý và Nguyễn Chích. Vây hãm cửa Đông là tướng Phạm Vấn. Cuộc vây hãm này đã khiến cho Vương Thông ở trong thành lâm vào thế ngày một cùng quẫn. Hy vọng mong manh và duy nhất của hắn chỉ là chờ đợi viện binh.
Cuối năm 1427, nhà Minh điều 15 vạn quân sang cứu nguy cho Vương Thông đang bị nhốt trong thành Thăng Long. Đấy là cố gắng cao nhất và cũng là cố gắng cuối cùng của nhà Minh. Trước tình thế ấy, Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn quyết định chiến lược vừa tiếp tục bao vây và dụ hàng Vương Thông, vừa nhanh chóng điều quân lên biên giới nhằm đập tan hoàn toàn cuồng vọng của quân xâm lăng. Bấy giờ, tướng Bùi Bị được cử ở lại chỉ huy lực lượng vây hãm Đông Quan. Một lần nữa, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không cho Vương Thông lợi dụng cơ hội để phản công.
Sau khi các đạo viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh lần lượt bị quân Lam Sơn đánh tan tành, Vương Thông không còn con đường nào khác là đầu hàng và rút hết quân về nước. Nhưng thay vì tiến vào Đông Quan tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Vương Thông, để xoa dịu nỗi nhục của quân xâm lăng và cũng là để mở ra cơ hội tốt cho việc thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo sau này, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tổ chức Hội thề Đông Quan. Tức là lễ tiếp nhận sự đầu hàng dưới một dạng thức đặc biệt. Vương Thông buộc phải ra tận đại bản doanh của Lê Lợi để thề là sẽ rút quân khỏi nước ta.
Tham dự Hội thề Đông Quan, về phía Lam Sơn thì ngoài Lê Lợi còn có các tướng lĩnh: Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bối, Lê Văn An, Bế Khắc Thiệu và Ma Luân. Về phía quân Minh, ngoài Vương Thông còn có các tướng dưới quyền là Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Hựu, Chu Kỳ Hân, Quách Vĩnh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Tập và Quách Đoan.
Cũng như các tướng lĩnh khác, danh tướng Bùi Bị khi đó đã tỏ ra là người rất xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn. Ông vừa tỏ được sự oai phong lẫm liệt của một tướng quân dày dạn kinh nghiệm trận mạc, lại tỏ rõ được tư thế hiên ngang của những người đại diện cho cả một dân tộc bất khuất, lại cũng vừa tỏ được thiện chí của người chiến thắng giàu lòng nhân nghĩa và thực sự muốn tránh họa binh đao lâu dài cho cả hai nước về sau.
Năm 1428, triều Lê định công ban thưởng cho các tướng lĩnh đã từng lập được nhiều công lao hiển hách trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Khi ấy, danh tướng Bùi Bị là một trong những người được ban quốc tính là họ Lê. Vì thế, sử vẫn thường chép họ tên ông là Lê Bị.
Tiếc rằng ngày nay, những tài liệu về ông còn lưu lại quá ít. Ngay cả năm mất của ông mà các sử gia vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo một số tài liệu khác cho biết vào năm 1453, triều đình nhà Lê tổ chức truy tặng tước vị cho một số công thần khai quốc, ông và Đinh Lễ, Lý Triện cùng được hưởng lệ này. Như vậy cũng có nghĩa là ông phải mất sau năm 1453.
Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Bùi Bị là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc nhất của nghĩa quân Lam Sơn. Công lao và tài năng của ông không chỉ được sử sách, triều đình nhà Lê và người đương thời lưu giữ, mà còn được hậu thế hôm nay và mãi mãi về sau ghi nhận. Tuy nhiên, càng kính nể Bùi Bị bao nhiêu thì hậu thế lại càng tôn vinh Lê Lợi bấy nhiêu. Bởi ông không chỉ là vị vua đầu tiên của nhà Hậu Lê, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà ông còn một vị tướng lỗi lạc, người có con mắt tinh tường trong việc nhìn người và một tấm lòng bao dung với mọi người. Chính cốt cách này đã giúp Lê Lợi làm nên nghiệp lớn.
Vâng, từ khi con người được sinh ra trong vũ trụ này thì ai cũng biết rằng, đã là cây thì phải có cội, nước có nguồn, con người ai cũng phải có quê hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em và những người thân thuộc. Nhưng điều đáng phải suy ngẫm từ giai thoại trên đây là hậu thế hôm nay và mãi mãi mai sau sống như thế nào để không phải hổ danh với các bậc tiền nhân. Nếu ai không hiểu điều này chắc chắn kẻ đó không phải là con cháu Lạc Hồng.