Đường đi xuống địa đạo này nằm ngay dưới gầm giường một gia đình.
Nói đến địa đạo ở Việt Nam, nhiều người sẽ nhớ ngay đến địa đạo Củ Chi. Có thể không nổi tiếng bằng, nhưng ở miền Bắc cũng có một địa đạo rất đặc biệt. Đó là địa đạo Nam Hồng, ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ảnh minh hoạ.
Địa đạo Nam Hồng được đánh giá là địa đạo độc nhất vô nhị của miền Bắc. Năm xưa, nó từng dài đến 11 km. Nếu so với cây cầu dài nhất Việt Nam hiện nay là cầu Đình Vũ – Cát Hải ở Hải Phòng thì chiều dài này là gấp đôi.
Tuy nhiên, hiện tại địa đạo Nam Hồng chỉ còn giữ được khoảng 200 m và chạy ngay phía dưới nền nhà một số gia đình ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong số hàng chục cửa xuống địa đạo, nay chỉ còn 2 cửa hầm còn đi được. Một trong số đó nằm ngay dưới giường nhà bà Phạm Thị Lai và cửa còn lại ở góc nhà ông Phạm Văn Dộc.
Những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt, người dân xã Nam Hồng phải đối diện với những trận càn quét của địch theo chiến thuật “vết dầu loang”. Bấy giờ có đến 250 lần chúng càn vào làng, khiến 461 người chết, cướp và đốt 346 tấn thóc, 2047 ngôi nhà bị cướp và cháy.
Nhìn cảnh đổ nát của khu làng, người dân Nam Hồng không thể ngồi im mà quyết tâm vùng lên chiến đấu. Dân làng quyết định rào làng đắp lũy, đào hầm chiến đấu, hầm bí mật, hố chông, cạm bẫy. Địa đạo Nam Hồng ra đời từ đó.
Năm 1996, địa đạo Nam Hồng được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác “đi vào lòng đất”. Cửa hầm ngay dưới gầm giường nhà bà Lai khá bé, chỉ đủ cho một người lớn đi xuống. Để thuận tiện cho việc đi lại hơn, một chiếc thang sắt đã được gắn vào vách hầm.
Chính bà Lai kể lại, đầu năm 1947 đội du kích xã Nam Hồng được thành lập đã cùng thanh niên trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào sát vào lũy tre. Hệ thống này có chiều sâu hơn 1 m và rộng 1,2 – 1,4 m. Đất đào giao thông hào được đắp lên các bụi tre ngay gần đó, tạo thành các ụ kiên cố. Chúng vừa là thành lũy, vừa nuôi dưỡng tre phát triển tốt, lại có thể ngăn chặn xe tăng, đại bác, bộ binh của Pháp.
Bước xuống địa đạo, cảm giác đầu tiên là thấy mát lạnh hơn hẳn, không gian chật hẹp. Từ chiều dài 11 km, nay chỉ còn giữ đượuc một đoạn thông từ nhà ông Dộc sang nhà bà Lai. Để bảo tồn, đoạn hầm còn sót lại ngày nay đã được bê tông hóa để bảo tồn.
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, 135 tên phải quy hàng; thu 72 súng trường, 3 súng tiểu liên, 780 lựu đạn, phá 3 xe lội nước, 1 trung liên.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại