Ông Phan Nhuận sinh năm 1914, quê thôn Văn Lâm, xã Đức Lâm (nay là xã Lâm Trung Thủy), Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ông đã sớm tham gia phong trào chống thực dân Pháp, rồi gia nhập đảng Tân Việt.
Khi bị chính quyền thực dân đàn áp, Phan Nhuận phải ra nước ngoài. Nhờ anh trai trợ cấp, ông đã đến Paris theo học và năm 1938 đã có bằng cử nhân Luật, đồng thời có thêm bằng cử nhân Văn chương và Sử học. Sau khi tuyên thệ, luật sư Phan Nhuận được nhận vào Đoàn luật sư Paris ngày 30/11/1938.
Hoạt động cách mạng tại Pháp
Sống ở Paris nhưng ông luôn hướng về Tổ quốc, tham gia tích cực vào phong trào yêu nước của Việt kiều. Trên cương vị một luật sư, Phan Nhuận luôn luôn bênh vực đồng bào mình.
Trong hồi ức của kiều bào ta tại Pháp, trong đó có ông Lê Dẫn – người tự nguyện trông nom mộ ông Nhuận – thì ông Phan Nhuận là luật sư giỏi ở Paris, những lần làm “thầy cãi” cho những người lính, thợ thuyền nghèo khó, người Việt bị oan ức, ông thường đứng ra bào chữa không lấy tiền.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, luật sư Phan Nhuận đã lên diễn đàn kêu gọi Pháp – Việt đoàn kết, ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong chuyến thăm Pháp của Hồ Chủ tịch, ông đã tham gia tổ chức đồng bào Việt kiều đón tiếp, giúp đỡ phái đoàn chính phủ ta.
Bản thân ông đã làm người phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số lần cần thiết theo nghi thức ngoại giao.
Trong buổi kỷ niệm đầu tiên quốc khánh nước ta, ngày 2/9/1946, được Việt kiều tổ chức tại Paris, có mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã thay mặt bà con phát biểu ca ngợi thành công của Cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bày tỏ sự tín nhiệm và lòng trung thành đối với sự nghiệp của dân tộc, với chính phủ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau thời gian ngắn ngủi được gần Hồ Chủ tịch, luật sư Phan Nhuận càng tích cực tham gia công tác của phong trào Việt kiều yêu nước.
Ông viết nhiều bài giới thiệu về Việt Nam, tuyên truyền cho nước Việt Nam mới trên báo chí Pháp, viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Hồ Chí Minh, nhà khổng học hay nhà mácxít; tham gia dịch, giới thiệu văn học Việt Nam cho bạn bè Pháp và các nước khác.
Trong hồi ký của giáo sư Đặng Thai Mai, Phan Nhuận còn gửi thư từ liên lạc với giới trí thức trong nước, đem những hiểu biết của mình đóng góp vào các chương trình xây dựng đất nước như dự án “Cải cách giáo dục từ cấp một, cấp hai, bậc đại học”.
Ông gửi thư cho nhà thơ Nguyễn Đình Thi, khi đó là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, để đặt mối liên hệ tham gia công cuộc xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, đang được triển khai lúc bấy giờ.
Cơ duyên đến với công việc dịch thuật
Khi ở Việt Nam vào cuối những năm 50, phát hiện được bản thảo Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bố thành sách vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, thì ở Paris, luật sư Phan Nhuận cũng bắt tay vào dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp.
Là một người từng được học Hán học khi ở trong nước, Phan Nhuận mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu tác phẩm của Hồ Chủ tịch rồi khởi công việc dịch.
Bản dịch sang tiếng Pháp tác phẩm Nhật ký trong tù của ông được thế giới đánh giá cao. Đây cũng căn cứ để nhiều dịch giả ở các nước khác dịch sang tiếng của dân tộc mình, như bản dịch của nữ dịch giả Italy Joyce Lussu (1912-1998) sang tiếng Italy xuất bản tại Tindalo năm 1967, in lại ở Milan năm 1972; bản dịch sang tiếng Mông Cổ của nhà ngoại giao Mông Cổ Namxrai, lúc đó đang có mặt ở Paris, đưa về nước xuất bản ở Ulan-Bato vào đầu những năm 1960…
Để dịch thành công tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, ông đã thường xuyên lui tới nhà lao Sante để lấy cảm hứng.
Trong bài giới thiệu sách được nhà Pierre Serghers xuất bản ở Paris vào giữa năm 1963 và cũng thời gian này nhà xuất bản Ngoại văn in lại ở Hà Nội có đoạn viết: “… Tôi đã tự gợi lên những kỷ niệm thuở bé để tạo lại cái nền cho bối cảnh và để thực hiện những điều kiện tốt nhất về môi trường, tôi nghĩ rằng những tập thơ viết trong nhà tù nếu được đọc và dịch trong nhà tù thì có lợi hơn…
Vì thế, cho nên trong mùa Đông 1960-1961, tôi đã dịch phần lớn những bài thơ của cụ Hồ Chí Minh trong nhà lao Sante, là nơi mà vì công việc nghề nghiệp tôi thường lui tới. Tôi đã chọn những buổi chiều mưa hay sương mù che phủ hợp với thực trạng tâm lý hơn”.
Ngoài bản dịch Nhật ký trong tù, Phan Nhuận còn dịch một số tác phẩm thơ dân gian Việt Nam và bắt tay vào dịch cả Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp.
Để tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1965) theo quyết định của UNESCO tôn vinh thi hào vào hàng danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện trong Ban tổ chức Quốc gia đã đề nghị Phan Nhuận dịch lại Truyện Kiều, để có một bản dịch mới sang tiếng Pháp chuẩn hơn ra vào dịp này tặng bạn bè thế giới.
Phan Nhuận đã bắt tay ngay vào công việc. Nhưng ông chỉ kịp dịch chừng 100 câu thì căn bệnh hiểm nghèo cắt ngang cuộc đời, ông mất vào ngày 6/8/1963.
Ông ra đi để lại công việc dở dang cho người bạn, người đồng chí của ông – bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997). Và bản dịch do Nguyễn Khắc Viện hoàn tất sau này cũng đã được đánh giá cao.
Là một luật sư danh tiếng tại Paris nhưng Phan Nhuận sống một cuộc sống rất bình dị, không xe hơi nhà lầu xênh xang như nhiều trí thức cao cấp khác, ông mất trong hoàn cảnh không vợ, không con.
Tại Paris, mộ của ông tại nghĩa trang Parissien de Bagneux được Việt kiều xây lát đá hoa cương, gắn sao vàng và dòng chữ “Đời đời nhớ ơn anh – Luật sư Phan Nhuận”.
Phan Duy Nghĩa (Theo Baoquocte.vn)