Vua Quang Trung cầu hôn với công chúa nhà Thanh và xin đất Lưỡng Quảng

Lịch Sử
Đầu năm 1792, vua Quang Trung lại sai sứ bộ sang Yên Kinh, mang các cống phẩm dâng Càn Long gồm: chiến lợi phẩm lấy được ở Vạn Tượng, sách binh thư của Đại Việt và một quyển sử viết về triều đại Lê Chiêu Thống. Ông cũng cầu hôn với công chúa Thanh và xin đất Lưỡng Quảng.

Vào năm Tân Sửu (1761), tức năm Cảnh Hưng thứ 42, Trịnh Sâm đã dâng biểu lên Càn Long xét lại vấn đề 6 châu. Nhà Thanh không xét mà họ Trịnh phải im là vì không có lực lượng làm hậu thuẫn. Vua Quang Trung cũng đưa biểu đòi đất 6 châu nhưng với uy tín của ông, với lực lượng của nước Đại Việt đang hùng mạnh, nhất định nhà Thanh không thể coi thường yêu sách chính đáng của vua Quang Trung được. Nhà vua đã cho gửi biểu sang vua Thanh, trong biểu có đoạn nói:

Vua Quang Trung cầu hôn với công chúa nhà Thanh và xin đất Lưỡng Quảng- Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Báo Bình Phước.

Trước đây, trấn mục nước tôi bảo cho biết dân sáu châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Khiêm châu bị quân nội địa (Trung Quốc) cho lính đi bắt phải cải trang đeo bài đóng thuế… Tiểu phiên tôi xét kỹ căn do thì thấy đầu đuôi như sau: Năm Càn Long thứ 5 (1740), nghịch dân nước tôi là Hoàng Công Chất, bố Hoàng Công Toản, chiếm giữ bảy châu đủ ba mươi năm. Trước kia, nhà Lê nấn ná không chịu xét. Dân bảy châu cho là địa thế xa xôi, nước tôi không thể khống chế được nên cứ nấn ná phụ thuộc vào nội địa. Quan nội địa cứ đánh thuế. Sự việc đến nỗi như thế là vì nhà Lê không thể làm trọn chức trách phòng thủ của mình… Tiểu phiên tôi có đất, có dân, đều là do Đại Hoàng đế ban cho. Bốn cõi tới đâu đều chép ở sách báu, không dám không bày tỏ rõ ràng… Từ năm Khang Hy thứ 28 (1689) có tra xét về việc ba động là Nguyễn Dương, Hồ Điện và Phố Viên; đến năm Ung Chính thứ 6 (1728) mới định lấy sông Đỗ Chú làm giới hạn… Từ Đỗ Hà trở về Tây đến nước Xa Lý, tức bảy châu, thật ở trong địa giới Hưng Hóa nước tôi, cột đá còn đó chưa mất. Tiểu phiên tôi nghĩ đến phong cương làm trọng, tình hình ra sao đều phải thực tình bày tỏ… Mong Đại Hoàng đế soi xét xuống chỉ cho hai quan đốc phủ ở hai tỉnh Vân, Quý xét hỏi lại cho đúng địa giới bảy châu rồi trả về nước tôi.

Đầu năm 1792, vua Quang Trung lại sai sứ bộ sang Yên Kinh, mang các cống phẩm dâng Càn Long gồm: chiến lợi phẩm lấy được ở Vạn Tượng, sách binh thư của Đại Việt và một quyển sử viết về triều đại Lê Chiêu Thống. Ông cũng cầu hôn với công chúa Thanh và xin đất Lưỡng Quảng. Trong Bang giao hảo thoại mà Ngô Thì Nhậm là người chép lại vẫn còn hai văn bản ngoại giao đó. Tờ biểu chính thức đặt vấn đề xin làm con rể vị thiên tử nước Đại Thanh như sau:

Thần vốn là một kẻ áo vải đội ơn Thánh Hoàng cho giữ cõi Nam. Khi vào triều cận nơi cung khuyết đã được thấy rõ thiên nhan để vấn an, lại được ban thưởng rất nhiều. Phàm những việc mà ở cõi Nam Giao từ xưa đến nay chưa ai được hưởng, đều được (Thánh Hoàng). Đến khi thần lĩnh chỉ về nước, ngửa trông thánh ân đoái đến, ân chỉ ban luôn. Lồng lộng lòng nhân của Thánh Hoàng không thể tả sao cho xiết…

Trộm nghĩ: Muôn vật không ẩn tình với trời đất, con cái không giấu tình với cha mẹ. Việc gia đình tâm sự đâu dám không bày tỏ với bậc chí tôn. Vừa đây thần bị vận đen, trong nhà thiếu người đơm cúng. Cơ đồ mới gây dựng, thuyền vuông ít người giúp đỡ. Cây ngọc muốn được nương nhờ, khóm dân mong được giữ vững. Ngước thấy Thanh triều gây nền từ núi Thăng Bạch, dựng nên nghiệp vua, con cháu ức muôn, đời đời phồn thịnh. Từ trước đến nay, chế độ nhà trời, công chúa gả xuống, tất phải người tôn quý mới chọn đẹp duyên, không có lệ rộng ra đến các bầy tôi ở ngoài. Phận đã nghiêm chia ra trong ngoài như thế, thật khó mà với đến được. Chỉ vì một niềm tôn mến, riêng trông ngóng, trằn trọc không thôi. Trộm mong cành ngọc nhà trời rộng lan đến cả kẻ ngoại phiên ở dưới, khiến thần được ngửa đội ơn lành gần gụi gót lân…

Chỉ vì quá phận cầu ơn, việc không phải là thường cách, mưu với mọi người chấp sự, không ai dám đề đạt lên cho. Muôn dặm cửa vua ngày ngày trông ngóng. Nay dám không tự lượng, mạo muội giãi bày lòng thành. Kính cẩn sai kẻ bồi thần sang chầu hầu, sau khi tâu bày rồi sẽ vì thần mà giãi bày lòng thực.

Nhà Thanh chưa kịp hồi âm thì vua Quang Trung đã băng hà sau một cơn bạo bệnh. Và cũng từ đó, ngoại giao giữa đại Việt và nhà Thanh bước sang một giai đoạn khác.

Lời bàn về ngoại giao thời vua Quang Trung

Trên mặt trận ngoại giao thời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là người “lĩnh ấn tiên phong”, người khởi xướng và đồng thời là người thực hiện những tư tưởng ngoại giao lỗi lạc. Ông đã góp công lớn làm nên những trang sử bang giao vẻ vang bậc nhất của lịch sử dân tộc thời kỳ phong kiến, đồng thời để lại cho hậu thế nhiều tư tưởng ngoại giao độc đáo. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, Ngô Thì Nhậm đã thay mặt vua Quang Trung tiến hành một đường lối ngoại giao mang tính hoàn toàn chủ động. Bởi thế, trong bang giao Việt – Thanh sau chiến thắng của nhà Tây Sơn, người nắm thế chủ động là nhà Tây Sơn chứ không phải nhà Thanh, cho dù thực tâm nhà Thanh cũng muốn giảng hòa sau thảm bại nhục nhã của Tôn Sĩ Nghị.

Ngày nay, lần giở lại những trang sử vẻ vang của ngoại giao thời Tây Sơn, chúng ta không chỉ cảm thấy tràn đầy lòng tự hào dân tộc mà còn tìm thấy những bài học lịch sử quý báu, có thể vận dụng trong quan hệ quốc tế thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay là hoàn toàn đúng đắn. Với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế hiện nay, việc kế thừa và vận dụng sáng tạo những tư tưởng ngoại giao đặc sắc và bài học lịch sử quý báu của vương triều Tây Sơn thời đại Quang Trung là rất cần thiết và bổ ích.

N.V (Theo Báo Bình Phước)