Cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung Nguyễn Huệ với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng là một trong những cuộc gặp gỡ khá độc đáo của thế kỷ thứ XVIII. Bởi Nguyễn Huệ rất trân trọng tài năng của Nguyễn Thiếp nên nhiều lần sai quan lại cao cấp đến mời rồi sau lại tự mình đến gặp Nguyễn Thiếp.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão (1723) đời Bảo Thái thứ tư, tại xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Năm Bính Tý (1756), ông được bổ làm Huấn đạo Anh Đô, rồi làm Tri huyện Thanh Chương. Rồi từ quan về ở trên núi Thiên Nhẫn, đọc sách làm thơ, ra Bắc vào Nam ngao du sơn thủy. Tiếng tăm nổi khắp các cõi.
Năm 1786, Nguyễn Huệ nổi binh lấy Phú Xuân rồi tiến ra Bắc trừ chúa Trịnh, tôn phù nhà Lê và được phong Nguyên súy Phù chính Dục võ Uy Quốc công. Từ đấy cho đến khi mất, vua Quang Trung đã có nhiều lần giao tiếp với Nguyễn Thiếp. Ba lần gửi thư kèm lễ vật mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để đại dụng.
Thư lần thứ nhất: Đã lâu nay nghe tiếng Phu Tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn dã Nam Dương gần gụi, có thể nghe tiếng sấm mùa Xuân mà đánh thức ngọa long. Vậy đặc sai một hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa màu hai tấm) gọi là để tỏ lòng thành thô sơ. May chi Phu Tử không lấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương.
Không những riêng nước tôi may mắn mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may. Chớ làm tôi thất vọng, mong Phu Tử lượng cho…
Thư mời lần thứ hai: Phu Tử là danh sĩ hơn đời; vì định bụng không chịu cùng quả đức hứng khởi thiên hạ nên mới đặt ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này mà Phu Tử nhất định ẩn không ra thì sinh dân thiên hạ làm sao? Vì thế nên không kể dốt nát, quả đức đã ân cần chú ý tìm mời. Cũng ví như xưa, kẻ tới sông Vị Xuyên thăm hỏi Thái Công, đem xe mời cùng về; kẻ sang đất Nam Dương cố đón Khổng Minh, trú đêm rồi cùng ra Thánh đức vua Văn Vương, hiền đức ông Huyền Đức còn không cho sự cầu hiền làm nhục mình. Quả đức tuy đâu dám bắt chước Văn Vương, Huyền Đức? Nhưng vì công việc nhiều và khẩn cấp, không thân tới mời được. Quả đức rất lấy làm ân hận… Mong Phu Tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi.
Thư mời lần thứ ba: Ngày trước, lần thứ hai, sai sứ thần thay quả nhân tới đón mời Phu Tử. Nay sứ về tâu rằng: Phu Tử từ không ra, bởi vì già yếu. Quả đức buồn mà tự phàn nàn và tự ân hận khôn xiết. Nay thử xét ý Phu Tử, thấy có ba lẽ này mà Phu Tử không thèm ra chăng: Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở phương tây. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây dựng lên nghiệp bá. Chưa ắt đã phải là bậc chân nhân. Ấy là một lẽ. Từ lúc khởi binh đến nay, thân trải trăm trận, sùng chuộng võ uy. Chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội để lấy được đất nước. Ấy là lẽ thứ hai. Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà nhưng không chịu thân hành đến chào đón. Đối các bậc xưa như kẻ chăm chắm ba lần tới đón, như kẻ thành cẩn ba lượt tìm mời thì khác xa. Ấy là lẽ thứ ba. Vì ba lẽ ấy mà Phu Tử không đến… Điều ấy không phải là dối, bày đặt ra đâu. Mong Phu Tử lấy đạo rộng lượng cho, thì may lắm.
… Kẻ danh thế thỉnh thoảng ra đời. Quả đức hằng nghĩ và mơ tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây giờ chưa hề phút nào dám quên. Không ngờ nay lên thành lục niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để dành Phu Tử cho quả đức vậy. Tuy Phu Tử không thèm tới nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu Tử nỡ ngơ lảng được sao? Lòng cầu hiền, quả đức há giám sinh bụng đầu siêng sau lảng đâu… Quả đức xin im nghe lời dạy bảo khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thấy và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm… Và sau lần mời này, Nguyễn Thiếp đã nhận lời và xuống núi giúp vua Quang Trung thực hiện ý nguyện thống nhất sơn hà.
Lời bàn về La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp
Ai đã từng đọc tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” chắc hẳn còn nhớ Lưu Bị cùng hai người em kết nghĩa là Quan Vân Trường và Trương Phi phải mất ba lần vượt đèo lội suối mới gặp và mời được Khổng Minh ra giúp sức. Và cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung Nguyễn Huệ với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng là một trong những cuộc gặp gỡ khá độc đáo của thế kỷ thứ XVIII. Bởi Nguyễn Huệ rất trân trọng tài năng của Nguyễn Thiếp nên nhiều lần sai quan lại cao cấp đến mời rồi sau lại tự mình đến gặp Nguyễn Thiếp. Và cảm động trước sự ân cần thật sự chân tình đó, Nguyễn Thiếp đã dốc lòng vì Quang Trung Nguyễn Huệ, vì sự nghiệp cao cả của Tây Sơn.
Với sự mẫn cảm, xét đoán tinh và sâu, không mặc cảm nặng nề bởi hoàn cảnh xuất thân và quãng đời hôm qua của các quan lại triều cũ, Nguyễn Huệ đã vì nghĩa cả mà vời gọi tha thiết, tin giao trọng trách, ban cho họ quyền hành rộng rãi đủ để họ tùy tài khu xử, ứng tác. Vì thế, trước và sau Nguyễn Thiếp có không ít sĩ phu yêu nước và thức thời ngày ấy đã hiên ngang đứng hẳn về phía Tây Sơn, có nhiều cống hiến lớn lao đối với Tây Sơn, cũng là cống hiến lớn lao cho lịch sử dân tộc. Điều này cho thấy, dưới cờ đào của người anh hùng áo vải, trí tuệ, tâm lực của các nhân tài, tướng soái đã phát huy đầy đủ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Kim Ngọc (Theo Báo Bình Phước)