“Nam quốc sơn hà” là áng văn bất hủ của nền văn học nước Việt. Ai là tác giả của bài thơ nổi tiếng này?
Nam quốc sơn hà là một trong những bài thơ nổi tiếng của nước ta. Bài thơ này được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt trong thời phong kiến. Ảnh: Khoa học và Đời sống.
Bài thơ Nam quốc sơn hà được sáng tác theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt (4 câu 7 chữ): “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên phận định tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Nghĩa là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời / Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Đến nay, chưa thể xác định được ai là tác giả của bài thơ Nam quốc sơn hà. Tuy vậy, ý nghĩa của bài thơ đã được công nhận rộng rãi. Bài thơ này vốn không có tên, tên gọi Nam quốc sơn hà do những người biên soạn cuốn sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (sách do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản năm 1976) đặt, lấy từ bốn chữ đầu trong câu thơ đầu tiên của bài thơ này (Nam quốc sơn hà Nam đế cư). Ảnh: NXB Giáo dục.
Theo các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, bài thơ Nam quốc sơn hà lần đầu xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất năm 981 do vua Lê Hoàn lãnh đạo. Ảnh: Thư viện lịch sử.
Bài thơ Nam quốc sơn hà hiện nay có rất nhiều dị bản khác nhau, được chép trong nhiều cuốn sách cổ của người Việt như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí, trên nhiều bản gỗ, chạm khắc khác nhau…
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, thái úy Lý Thường Kiệt đã cho quân lính ban đêm vào đền Xà (thờ thánh Tam Giang, tức Trương Hống, Trương Hát) ở Bắc Ninh và đọc vang bài Nam quốc sơn hà làm quân Tống hoảng sợ, lung lạc ý chí chiến đấu. Ảnh: Báo Bắc Ninh.