Tranh Hàng Trống là một dòng tranh dân gian nổi tiếng, rất thịnh hành vào ngày Tết ở Hà Nội xưa. Cùng khám phá ý nghĩa của những bức tranh Hàng Trống tiêu biểu nhất.
“Cá chép vượt vũ môn” là bức tranh Hàng Trống được treo phổ biến vào ngày Tết. Có nguồn gốc từ một tích truyện cổ Trung Hoa, bức tranh gửi gắm lời chúc đỗ đạt trong thi cử.
Tranh “Tố nữ” thể hiện hình tượng của bốn cô gái đẹp đang diễn tấu các loại nhạc cụ như đàn nguyệt, sáo trúc, điểm phách và múa quạt, là lời chúc cho năm mới niềm vui ngập tràn mọi nếp nhà.
Tranh “Tứ bình” hay “Tứ quý bốn mùa” là bức tranh khắc họa bốn loại cây Tùng – Cúc – Trúc – Mai tượng trưng cho bốn mùa trong năm là Xuân – Hạ – Thu – Đông. Bốn loại cây này là bốn loại cây tượng trưng cho những tính cách tốt đẹp, cao quý của con người.
Tranh “Cá chép trông trăng” có sự kết hợp của hình tượng Cá chép (tượng trưng cho ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống) với Trăng (tượng trưng cho sự viên mãn, vẹn toàn, hoàn mỹ), thể hiện ước vọng về một năm mới nhiều thành tựu.
Bức tranh “Chim công” hàm ý chúc tụng đạt được công danh, phú quý.
Tranh Tam Đa: Đa Phúc, Đa Lộc, Đa Thọ mang ý nghĩa chúc tụng trường thọ, lắm con nhiều cháu, làm quan nhiều bổng lộc.
Tranh “Thất đồng” (Bảy đứa trẻ) thể hiện ước vọng đông con cháu để nối dõi.
Tranh “Ngũ Hổ” là tranh thờ nổi tiếng với hình ảnh năm con Hổ được thể hiện với bố cục cân đối, mỗi con mang một dáng vẻ khác nhau: con đứng, con ngồi, con cưỡi mây lướt gió… với năm màu chính là đen, đỏ, xanh, trắng, vàng. Năm màu sắc này là những màu sắc tượng trưng theo quan niệm Ngũ Hành của phong thủy.
Tranh thờ “Tam Tòa Thánh Mẫu” thể hiện nét tín ngưỡng đạo Mẫu với hình tượng Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu – những vị thần tiên tượng trưng cho quyền năng sáng tạo trong vũ trụ, cai quản các miền khác nhau của trời, đất, vũ trụ thượng ngàn.