Có tới hai cách lý giả thú vị xung quanh tên gọi phố Hàng Buồm nổi tiếng Hà Nội. Cho tới nay vẫn chưa ai tỏ tường đâu là nguồn gốc chính xác cho tên gọi của con phố nhộn nhịp, phồn hoa bậc nhất Hà thành này.
Phố Hàng Buồm là một con phố dài 300m, kéo dài từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư Hàng Ngang – Hàng Đường – Lãn Ông ở phía Đông khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Hà Khẩu. Phường này tới đầu thế kỷ 19 thuộc về tổng Tả Túc (sau đổi thành tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương.
Thời Pháp thuộc phố mang tên gọi là “rue des Voiles”, dịch nguyên từ từ tên “Hàng Buồm”. Sau 1945 phố lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Buồm cho đến nay. Xung quanh tên gọi Hàng Buồm hiện nay có hai cách lý giải.
Theo đó, tên phố có thể xuất xứ từ việc đây là nơi bán các loại buồm (may bằng vải hoặc đan bằng cói lác) dùng cho thuyền bè.
Điều này phù hợp với vị trí của phố vì cho tới năm 1889, phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch vẫn là lòng sông Tô Lịch, nên phố Hàng Buồm là dãy phố dọc bờ Nam sông Tô.
Một cách lý giải khác cho rằng phố Hàng Buồm không bán buồm dành cho tàu thuyền mà chỉ bán các hàng cói đan như bị, giỏ, chiếu, vỉ buồm dùng để đậy lên các thúng hàng. Hiện nay chưa có đủ tư liệu để xác nhận cách lý giải nào là “chuẩn”.
Từ thế kỷ 17, người Hoa kiều được cư trú tại Thăng Long. Theo thời gian, phố Hàng Buồm trở thành một phố Hoa kiều sầm uất bậc nhất Hà Nội. Người Hoa ở đây đa phần có nguyên quán từ tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa.
Người Hoa đã để lại nhiều dấu ấn kiến trúc trên phố Hàng Buồm. Trường mẫu giáo Tuổi Thơ ở số nhà 22 vốn là hội quán Quảng Đông. Công trình được xây từ năm 1803, đầu thế kỷ 20 được xây lại. Hiện tại diện mạo hội quán đã biến dạng ít nhiều so với nguyên gốc.
Vào cuối năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích hội quán Quảng Đông nhằm trả lại vẻ đẹp của di tích lịch sử này.
Ở số 26 phố Hàng Buồm là đền Quan Đế. Ngôi đền được cộng đồng Hoa kiều gốc Quảng Đông xây dựng vào năm 1819, là nơi thờ Quan Thánh Đế (tức Quan Công, hay Quan Vũ). Cho đến đầu thế kỷ 20, đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng.
Nét đặc sắc trong kiến trúc của đền Quan Đế là ở chỗ, đây là một đền thờ Quan Vũ của người Hoa nhưng lại mang nhiều nét kiến trúc truyền thống Việt. Đền từng là nơi cư ngụ của nhiều hộ dân, đến năm 2008 – 2010 thì các hộ này được di dời, đền được trùng tu và trả về nguyên trạng.
Ngoài hai công trình mang dấu ấn văn hóa Trung Hoa, phố Hàng Buồm còn một di tích lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt của Hà Nội. Đó là đền Bạch Mã ở số nhà 76, một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long. Đền thờ thần Long Đỗ, vị thần được coi là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long.
Tên gọi của đền Bạch Mã xuất xuất phát từ một truyền thuyết về việc vua Lý Thái Tổ lần theo vết chân ngựa trắng để vẽ đồ án xây thành khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Ngày nay phố Hàng Buồm là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát. Các dịp Tết và Trung thu, nơi đây rất tấp nập.
Là một trong những tuyến phú du lịch trọng điểm của phố cổ Hà Nội, phố Hàng Buồm cũng có nhiều quán cà phê, quán bar, nhà hàng với phong cách đa dạng và các cơ sở lưu trú phục vụ khách phương xa.
Ngoài ra trên phố cũng có nhiều quầy đồ ăn đường phố ngon có tiếng, trong đó nổi bật là thịt quay, một món ăn do những người Hoa kiều đem đến thành Thăng Long nhiều thế kỷ trước.
Một số hình ảnh khác về phố Hàng Buồm.