Hà Nội 1991: Oách nhất là đưa người yêu đi chơi trên chiếc xe Phượng Hoàng

Xưa

Xích lô tràn ngập đường phố, xe bò kéo ung dung trên đường, cặp đôi che ô khi đạp xe… là những hình ảnh cực sinh động về giao thông Hà Nội những năm đổi mới, được ghi lại qua ống kính nhiếp ảnh gia người Đức Reisen trong dịp đến thăm Hà Nội vào năm 1991.

Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu

Sở hữu một chiếc xe đạp thời bao cấp, nhất là được chiếc xe đạp Thống Nhất hay Phượng Hoàng, là một giấc mơ của bao gia đình. Hình ảnh anh cán bộ nhà nước đi làm với chiếc xe đạp Thống Nhất hoặc Phượng Hoàng, vai đeo chéo cái xắc cốt, đội chiếc mũ cối, đeo kính râm và tay mang đồng hồ hàng hiệu khiến nhiều người trầm trồ và kèm chút ngưỡng mộ.

Cách đây 30 năm, một chiếc ô tô trên đường phố Hà Nội hiếm ngang siêu xe thời nay. Phương tiện di chuyển chủ yếu lúc bấy giờ của người dân là xe đạp.
Ba loại xe đạp phổ biến nhất thời bấy giờ là Phượng Hoàng của Trung Quốc, xe đạp Viha, xe đạp Peugeot
Những chiếc xe đạp chạy ngang qua chợ Đồng Xuân, 1991.
Mấy chục năm trước, chiếc xe đạp trị giá cả cây vàng, được cấp giấy chứng nhận sở hữu, có biển số và được giữ gìn như vật báu trong nhà.

Ra đường vào thời ấy, nam thanh nữ tú cứ cưỡi trên chiếc xe đạp mới lắp ráp bóng loáng, được xếp ngay vào con nhà giàu, thuộc hàng “đẳng cấp”. Các chàng thanh niên có chiếc xe đạp “sang sang” chở người yêu ngồi phía sau, kiểu ngồi để chân sang hẳn một bên, đèo nhau lên mấy đồi thông ngoại ô thành phố, leo dốc rồi thả dốc, cứ vi vu thích đạp mãi cho đến khi màn chiều buông xuống hẳn sau các rặng thông vẫn chưa muốn về.

Đưa người yêu đi chơi trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng
Đoạn đường Giải Phóng gần bến xe Giáp Bát năm 1991

Nhớ về một Hà Nội với xích lô, tàu điện

Thời bấy giờ, xe đạp và xích lô vẫn là phương tiện đi lại thịnh hành, nhưng xe máy đã bắt đầu phổ biến, dù mỗi chiếc vào thời kỳ này là cả một gia tài. Chiếc xe Babetta của Tiệp Khắc, dù thời nay bị gán cho biệt danh “ba bét nhè”, nhưng thời đó được coi là biểu tượng của sự sang trọng. Còn chiếc xe Honda Cub khi ấy cũng mệnh danh là “siêu xe”, có giá trị bằng cả căn nhà mặt phố.

Xe máy cũng xuất hiện khá nhiều, nhưng thời đó ai đi xe máy đều thuộc diện ‘nhà có điều kiện’
Xe máy được ưa chuộng vẫn là các kiểu xe của Honda, từ đời 79 đến 82.
Bãi để xe cạnh chợ Đồng Xuân với sự hiện diện của rất nhiều xe máy, 1991.
Honda 67 hồi đó là xe chơi, xuất hiện không nhiều ở Hà Nội. Chỉ những công tử nhà giàu mới đủ điều kiện sở hữu cho mình một chiếc 67 thời thượng.
Ô tô thuộc diện xa xỉ, chỉ có cán bộ cao cấp hoặc giám đốc cơ quan lớn mới có xe hơi đi lại.

Giao thông Hà Nội ngày xưa với khung cảnh đường phố vắng vẻ, tiếng tàu điện leng keng, đường phố hiếm khi nào bị tắc nghẽn hoặc ô nhiễm khói xe, tiếng ồn thì nay những hình ảnh đó chỉ còn lại trong ký ức của của những người cao tuổi, bậc trung niên. Bên cạnh tàu điện thì còn có những chiếc xích lô, một hình ảnh vốn đã thân thuộc và gắn bó với nhiều thế hệ, đây cũng chính là một nét đẹp văn hóa của Việt Nam.

Phương tiện công cộng phổ biến nhất hồi đấy là xe điện với tiếng leng keng đi vào hồi ức của rất nhiều người.
Những chiếc xe xích lô xuất hiện trên khắp các đường phố là hình ảnh đặc trưng của giao thông Hà Nội đầu thập niên 1990. Vào thời điểm này xích lô vẫn chưa bị hạn chế lưu thông.
Ở các khu chợ thì xích lô là phương tiện ‘độc quyền’ chuyên chở mọi thứ
Tiền thuê xích lô thời đó được tính ước chừng bởi khoảng cách và kích cỡ hàng hóa.
Xích lô đi lại chậm hơn xe đạp nhưng có thể vào được những con ngõ rất nhỏ
Ngoài xích lô, Hà Nội còn có xe lam cũng là phương tiện chở hàng, hoạt động chủ yếu ở bến xe phía Nam và ga Hà Nội.
Đôi khi trên phố, vẫn bắt gặp loại phương tiện này chở những vật liệu ‘siêu trường, siêu trọng, đi siêu chậm’
Tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, 1991.
Người cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường phố, 1991.

Hà Nội giờ đây đã có thêm rất nhiều những chiếc ô tô sang trọng, kiểu xe máy đời mới nhất. Nhưng những hình ảnh trên sẽ còn mãi trong kí ức của những người “muôn năm cũ”!