Khác với tàu điện bánh sắt, tàu điện bánh hơi không chạy trên đường ray mà có thể chạy trên bất cứ tuyến phố nào nếu có giăng hai đường điện một chiều.
Tàu điện bánh hơi chạy trên phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hà Nội năm 1989. Cùng với tàu điện chạy trên ray, tàu điện bánh hơi từng là một loại hình phương tiện giao thông công cộng độc đáo ở Hà Nội thập niên 1980.
Ngược dòng thời gian, vào những năm 1984-1985, Xí nghiệp Xe điện Hà Nội sản xuất thử tàu điện bánh hơi. Loại tàu điện này trông như một chiếc ô tô khách, chạy trên lốp ô tô, hệ thống lái bằng vô lăng và hãm bằng chân gần giống như ô tô.
Trên nóc được lắp hai cần điện song song, nối vào hai đường dây điện một chiều qua trục lăn có rãnh bằng đồng. Khác với tàu điện bánh sắt, tàu điện bánh hơi không chạy trên đường ray mà có thể chạy trên bất cứ tuyến phố nào nếu có giăng hai đường điện một chiều.
Tàu điện bánh hơi có ba cửa nằm ở cùng một phía phải xe như ô tô buýt, để hành khách tiện lên xuống. Dư luận ở Hà Nội thời đó có nhiều ý kiến khác nhau về loại phương tiện giao thông mới, cả khen và chê đều có.
Do thiếu vốn đầu tư nâng cấp và nhân rộng nên việc thử nghiệm tàu điện bánh hơi không thành công lắm. Đến đầu thập niên 1990, cả tàu điện thông thường lẫn tàu điện bánh hơi đều dừng hoạt động.
Tàu điện bánh hơi tiến vào bến tàu điện bờ hồ Hoàn Kiếm, nơi một chiếc tàu điện bánh sắt đang đỗ trên đường ray.