Bà Nguyễn Thị Lộ bị triều đình (do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu) sai người bắt giam và tra khảo. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).
Nguyễn Thị Lộ: Vụ án “Lệ Chi Viên” và bản án tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi
Nguyễn Thị Lộ sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người con gái rất xinh đẹp.
Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu (làng Hới có nghề dệt chiếu nổi tiếng), Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi. Thấy cô gái bán chiếu trẻ đẹp, ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo, thấy bà đối đáp trôi chảy lại càng thêm yêu. Mến sắc, phục tài, Nguyễn Trãi bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (tức Nguyễn Thị Lộ) làm thiếp.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép: “Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Lê Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ .”
Ở cương vị này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen: “Nguyễn Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước…”
Theo sử sách ghi chép lại, Nguyễn Thị Lộ là người rất được vua Lê Thái Tông tin dùng, thường xuyên đàm đạo với bà. Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình.
Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh), trong đó có Nguyễn Thị Lộ. Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Liền sau đó, bà Lộ bị triều đình (do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu) sai người bắt giam và tra khảo. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).
Thực hư vì sao vua Lê Thái Tông mất, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Có thuyết cho rằng vua bị cảm mà mất, nhưng cũng có thuyết cho rằng chính Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người chủ mưu giết vua rồi đổ oan cho nhà Nguyễn Trãi. Nhưng dù vậy, trong đêm đó cũng chỉ có Nguyễn Thị Lộ và người hầu cận bên vua, khó tránh khỏi vạ sát thân. Theo ghi chép của Nguyễn Cẩm Xuyên, “vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết”.
Bình luận về vụ án này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Lê Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy. Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Nguyễn Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Lê Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”
Mãi tới hơn 20 năm sau, Nguyễn Trãi mới được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan. Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.