Được sở hữu những món đồ Liên Xô này là niềm tự hào của nhiều gia đình ở Việt Nam thời bao cấp.
Quạt tai voi là món đồ Liên Xô mà nhiều gia đình Việt Nam thời bao cấp ao ước được sở hữu. Dù chạy rất ồn, chiếc quạt này thực sự là “cứu tinh” mỗi khi hè về.
Ấm samova là biểu tượng văn hóa của nước Nga, đồng thời là món đồ nhiều người xách về từ Liên Xô sau thời gian du học hoặc công tác. Không chỉ dùng để đun nước, chiếc ấm này còn khiến cho căn phòng trông “sang trọng” hẳn lên.
Slava là dòng đồng hồ để bàn phổ biến nhất ở Liên Xô cũ. Đây là những chiếc đồng hồ lên dây hàng ngày, có kiểu dáng rất đa dạng, hiển diện trong rất nhiều gia đình thành thị ở Việt Nam thời bao cấp.
Đồng hồ đeo tay Poljot của Liên Xô là đồ vật chứng minh cho sự “sành điệu” của người Việt thời bao cấp. Đây thực sự là gia tài lớn, vũ khí “tán gái” siêu cấp của các chàng trai Việt thời ấy.
Với những người yêu nhiếp ảnh ở Việt Nam trước đây, được sở hữu một chiếc máy ảnh Zenit của Liên Xô là giấc mơ ngoài tầm tay. Chiếc máy ảnh này từng là bạn đồng hành của nhiều nhiếp ảnh gia, thợ ảnh chuyên nghiệp thời bao cấp.
Đến từ xứ Bạch dương, những con lật đật màu đỏ tươi, khuôn mặt dễ thương và không bao giờ ngã vừa là món đồ chơi ưa thích của các bé gái, vừa là đồ vật trưng bày phòng khách quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam thời bao cấp.
Búp bê Matryoshka là bộ búp bê gỗ gồm nhiều con có thể lồng vào nhau, trang trí rất đẹp mắt, cũng là đồ trang trí được ưa chuộng. Nhà nào bày bộ búp bê này trong tủ gần như chắc chán nhà đó có người trở về từ Liên Xô.
Những chiếc nồi áp suất làm bằng nhôm rất dày và chắc chắn, đúng chuẩn “nồi đồng cối đá” của đồ gia dụng Liên Xô. Đây là “bảo vật” trong nhà bếp của nhiều bà nội trợ Việt thời bao cấp.
Phích đá Liên Xô cũng “nồi đồng cối đá” không kém nồi áp suất. Với khả năng giữ đá không tan trong khoảng một ngày, đây là vật dụng không thể thiếu vào mùa hè giai đoạn tủ lạnh chưa phổ biến ở các gia đình Việt Nam.