Cuộc sống của người Việt thời xưa gắn liền với một loại hóa chất có đặc tính độc đáo. Nhu cầu tiêu thụ rất lớn đã dẫn đến sự hình thành một khu phố chuyên bán thứ hóa chất này ở Hà Nội.
Phố Hàng Phèn là con phố dài khoảng 100 mét, kéo dài từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà ở Tây Nam khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Đông Thành Thị, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.
Tên gọi phố Hàng Phèn bắt nguồn từ loại hàng hóa độc đáo được bán trên phố thời xưa. Đó là các loại phèn chua, phèn xanh, phèn đen… là thứ hóa chất gắn liền với cuộc sống của người Việt xưa.
Trên phương diện hóa học, phèn là hợp chất kali sulfat nhôm ngậm nước, khi hòa vào nước sẽ tạo ra phản ứng kết tủa các hạt nhỏ, biến chúng thành hạt lớn, nặng và chìm xuống dưới. Do đặc tính hóa học này mà phèn được dùng để làm trong nước sinh hoạt.
Vào những thế kỷ trước, khi người Việt còn dùng nước sông, hồ, giếng…, nhu cầu sử dụng phèn để xử lý nước là rất lớn. Do đó đã hình thành phố Hàng Phèn, khu phố chuyên bán phèn để phục vụ nhu cầu của toàn bộ dân Hà Nội và một số địa phương lân cận.
Ngoài phèn, phố Hàng Phèn thời xưa còn bán cả các loại giấy gói hàng (giấy moi, giấy bổi, giấy phèn…) và các mặt hàng tạp hóa.
Phố này còn được gọi là phố Chợ Cũ do vào thời cuối Lê đầu Nguyễn nơi đây từng có một cái chợ, gọi là chợ Đông Thành. Do vậy, vào thời thuộc địa, người Pháp gọi phố Hàng Phèn là rue du Vieux Marché, nghĩa là phố Chợ Cũ. Phố chính thức mang tên Hàng Phèn từ năm 1945.
Là một phố nhỏ, trước thế kỷ 20 phố Hàng Phèn chỉ có những ngôi nhà một tầng cũ kỹ. Từ thập niên 1930, những ngôi nhà tại phố này đã được xây dựng cao 2-3 tầng liền nhau khang trang.
Phố Hàng Phèn ngày nay không còn bán phèn mà được biết đến như một khu phố có nhiều cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng, phục chế đồng hồ cơ khí.
Nhà số 29 Hàng Phèn từng là một cửa hàng sửa chữa đồng hồ nổi tiếng khắp miền Bắc. Chủ nhân cửa hàng là ông Đào Văn Dư, thợ sửa đồng hồ duy nhất của Việt Nam có 7 bằng chứng nhận tay nghề của các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới như Rado, Omega, Longines.
Ông Dư cũng là một trong những người tham gia lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật của chiếc đồng hồ treo trên tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Sau 30 năm gắn bó với phố Hàng Phèn, cửa hàng của ông đã chuyển về phố Lý Nam Đế, hiện được người con trai nối nghiệp…
Một số hình ảnh khác về phố Hàng Phèn.