Đồ chơi Trung thu là một phần không thể thiếu của Tết Trung thu – Tết của thiếu nhi. Theo thời gian, nhiều món đồ chơi Trung thu xưa chỉ còn là hoài niệm…
Từ xưa, người Việt luôn coi trọng việc học hành, vì thế trong cỗ Trung thu bao giờ cũng bày ông tiến sĩ bằng giấy để cầu mong con trẻ học hành tấn tới, đỗ đạt hiển vinh. (Hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học).
Đối với trẻ em, ông tiến sĩ giấy cũng là món đồ chơi Trung thu thú vị, vừa dùng để trưng, vừa có thể đem rước đi khắp phố cùng bạn bè.
Đầu lân cũng là món đồ chơi không thể thiếu trong Tết Trung thu xưa. Loại đầu lân dùng để múa này có rất nhiều kích cỡ, ngày nay vẫn còn được sản xuất và bày bán phổ biến.
Loại đầu lân này thì được dùng để bày chứ không dùng để múa, ngày nay hầu như không còn được sản xuất.
Mặt nạ giấy bồi vẫn còn được sản xuất nhưng phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các loại mặt nạ Trung Quốc có kiểu dáng bắt mắt và giá rẻ hơn. Làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi là một quá trình công phu gồm nhiều công đoạn như làm khuôn, bồi giấy, phơi khô, tô màu…
Đèn kéo quân là món đồ chơi độc đáo, được ví như một màn diễn rối bóng tự động. Khi thắp nến, những hình ảnh được vẽ trong đèn sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng do lực đẩy của luồng khí nóng tạo ra từ ngọn lửa.
Đèn xếp là dạng đèn lồng Trung thu đơn giản, trẻ em có thể tự làm bằng giấy màu với một chút sự khéo tay.
Ông phỗng giấy là món đồ chơi Trung thu đơn giản nhưng cũng được trẻ em thời xưa ưa thích.
Bên cạnh ông phỗng giấy còn có các loại con giống bằng giấy rất sinh động như con gà, con cá chép…
Ông đánh gậy trông trăng là một loại đồ chơi thú vị được điều khiển bằng dây như con rối, ngày nay chỉ còn được sản xuất với số lượng rất hạn chế tại một số làng nghề ở Hà Nội. (Hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).