Vua Trần Thái Tông đã chỉ huy quân dân đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất
Trận Đông Bộ Đầu (ngày 29/1/1258, tức ngày 24 tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ 7) là trận phản công chiến lược của quân đội nhà Trần, do vua Trần Thái Tông chỉ huy đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu (khu vực gần cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (năm 1258).
Vào thế kỷ XIII, sau khi các bộ lạc được thống nhất, quốc gia Mông Cổ được thành lập, Thành Cát Tư Hãn bắt đầu mở những cuộc xâm lăng ra nước ngoài.
Từ một bộ tộc ở vùng thảo nguyên châu Á, sau nửa thế kỷ chinh phạt, Mông Cổ đã trở thành một đế quốc hùng mạnh có lãnh thổ rộng lớn từ châu Á đến châu Âu.
Những đạo kỵ binh Mông Cổ đã gây bao đau thương cho nhân dân nhiều nước nơi mà vó ngựa của chúng đã đi qua, nhưng tham vọng bành trướng của Mông Cổ vẫn không dừng.
Sau khi chiếm được nước Đại Lý (vùng Vân Nam – Trung Quốc ngày nay), năm 1257, chúa Mông Cổ là Mông Ke (Mongka, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) quyết định mở cuộc tiến công tiêu diệt nước Tống (vùng Nam Trung Quốc ngày nay) giáp với biên giới nước ta.
Thực hiện kế hoạch xâm lược, đích thân Mông Ke dẫn đại quân theo đường Tứ Xuyên tiến vào.
Hốt Tất Liệt (Khubilai, em trai của Mông Ke, năm 1260 Hốt Tất Liệt lên ngôi vua nhà Nguyên tức Nguyên Thế Tổ) chỉ huy một cánh quân vượt qua sông Trường Giang đánh chiếm châu Ngạc (Vũ Xương, Hồ Bắc).
Một cánh quân khác do Tô Ga Tra chỉ huy đánh chiếm hạ lưu sông Trường Giang.
Tướng Ngột Lương Hợp Thai đang ở Đại Lý được lệnh đem quân xuống Đại Việt, từ đó đánh vào châu Ung (Nam Ninh, Quảng Tây), châu Quế (Quế Lâm, Quảng Tây) tiến lên gặp các cánh quân khác ở châu Ngạc.
Cánh quân này như một mũi kiếm lao vào lưng quân Tống.
Đại Việt nằm ở phía Nam nước Tống đã trở thành vị trí hết sức quan trọng trong kế hoạch tiến xuống phía Nam của quân Mông Cổ.
Chiếm được Đại Việt, chúng không chỉ có thêm một mũi vu hồi vào nước Tống, mà nơi đây còn trở thành bàn đạp; đồng thời là nơi cung cấp nhân vật lực để đế chế Mông Cổ mở các cuộc viễn chinh xuống các quốc gia Đông Nam châu Á.
Họa giặc Mông Thát, nỗi kinh hoàng của nhiều dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ bắt đầu đe dọa sự tồn vong của quốc gia Đại Việt.
Đứng trước nguy cơ đất nước bị xâm lược, nhà Trần đã tích cực phát triển kinh tế, chủ động tăng cường tiềm lực quân sự, thường xuyên theo dõi và nắm tình hình địch.
Ảnh minh hoạ: nghiencuulichsu.com
Tháng 9 năm 1257, tướng giặc là Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkhadai) cho sứ sang nước ta yêu cầu nhà Trần cho quân Mông Cổ vào Đại Việt, lấy cớ là mượn đường để sang đánh Ung Châu, Quế Châu của Trung Quốc.
Quân Mông Cổ vốn ỷ vào sức mạnh áp đảo, thường dùng đe dọa ngoại giao kết hợp với tiến công quân sự để lấy thành, cướp nước của người.
Trải qua mấy chục năm đánh đông cướp tây, mỗi khi quân Mông Cổ cho sứ tới đâu, nơi ấy thường khiếp sợ, cúi đầu dâng đất xin hàng hoặc xưng thần nộp cống.
Đối với Đại Việt, quân Mông Cổ cũng làm như thế. Nhưng ở Đại Việt, tình hình lại không diễn ra theo ý muốn của chúng.
Dân tộc ta thời Trần hiểu rất rõ thế mạnh của giặc. Qua những hành động xâm lược của Mông Cổ trên đất Trung Quốc, diệt Tây Hạ, diệt Kim, đánh Tống, diệt Đại Lý, đô hộ Cao Ly…
Nhưng dũng khí của dân tộc ta vượt lên trên sức mạnh của giặc.
Dân tộc ta thời Trần kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, kiên quyết chống xâm lược, không nao núng trước bất cứ một sức mạnh phi nghĩa nào.
Đối với giặc Mông Cổ, triều đình nhà Trần bước đầu trừng trị ngay lối ngoại giao đe dọa của giặc.
Vua Trần Thái Tông không những không cho mượn đường mà còn hạ lệnh tống giam sứ giặc không cho trở về.
Cuối năm 1257, vua Trần Thái Tông xuống chiếu điều quân lên tăng cường bố phòng ở biên giới Tây Bắc, lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến.
Với sự chuẩn bị tích cực, cùng với tinh thần kiên quyết chống giặc xâm lược, nhà Trần và quân dân Đại Việt đã chủ động từng bước sẵn sàng kháng chiến chống quân Mông Cổ.
Tháng 12 năm 1257, tướng Ngột Lương Hợp Thai đưa quân tập trung sát vùng biên giới nước ta hòng đe dọa quân dân nhà Trần.
Sau thất bại về đe dọa ngoại giao, Ngột Lương Hợp Thai hùng hổ đưa quân vượt biên giới sang đánh Đại Việt.
Theo kế hoạch, đạo quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến vào Đại Việt phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: nhanh chóng đánh chiếm Đại Việt sau đó thực hiện mũi vu hồi vào phía Nam nước Tống.
Từ Vân Nam tiến vào nước ta có hai con đường bộ thuận tiện cho kỵ binh Mông Cổ hành quân; một theo bờ phải và một theo bờ trái sông Thao (sông Thao là đoạn sông Hồng từ biên giới phía Bắc nước ta đến ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ).
Lực lượng tiên phong của quân Mông Cổ chia làm hai cánh dưới sự chỉ huy của Triệt Triệt Đô và một số tướng khác theo tả và hữu ngạn sông Thao tiến vào nước ta.
Tướng A Truật (18 tuổi, con của Ngột Lương Hợp Thai) được lệnh vừa tiếp ứng cho các cánh quân tiên phong, vừa dò xét tình hình phòng thủ của quân ta.
Đại quân dưới sự thống lĩnh của Ngột Lương Hợp Thai tiến tiếp sau.
Từ thực tế của tình hình chiến đấu, triều đình nhà Trần quyết định để cho giặc tiến vào nội địa nước ta, trên đường từ biên giới tới Thăng Long, quân ta sẽ đánh tiêu hao, nhân dân thì làm vườn không nhà trống, không cho địch giết người cướp của trên dọc đường chúng hành quân, và Kinh thành Thăng Long phải triệt để sơ tán.
Theo kế sách của triều đình nhà Trần, quân dân ta dưới quyền Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã anh dũng chiến đấu, đánh chặn địch từng bước nhằm tiêu hao sinh lực, hạn chế đường tiến quân của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho đại binh từ Kinh đô tiến lên hướng Tây Bắc.
Quân thủy quân bộ của ta được lệnh tiến lên biên giới chắc số lượng không nhiều và hẳn chưa phải là để đánh đuổi giặc ra khỏi biên giới hoặc tiêu diệt chúng tại biên giới.
Đây là những đơn vị làm nhiệm vụ phối hợp với quân và dân địa phương vùng Tây Bắc tiến công tiêu hao địch, khiến chúng mệt mỏi và suy yếu dần, tạo điều kiện cho đại quân ta tập trung tiêu diệt chúng tại một địa bàn thuận lợi trong nội địa.
Ta dự kiến sẽ tiến hành trận quyết chiến ở Bình Lệ Nguyên (vùng Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ngày nay).
Đây là vùng đất có sông Cà Lồ chắn ngang đường tiến công của quân địch. Tại đây quân ta lập một phòng tuyến chặn giặc bảo vệ kinh đô.
Trận địa của quân ta lập bên này sông, bố trí cả bộ binh, tượng binh và thủy binh cùng nhiều thuyền chiến đậu sát bờ sông, Vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy và tướng tiên phong là Lê Tần – một viên dũng tướng tài ba, mưu lược, có tư duy phân tích thực tiễn nhạy bén.
Ngày 17 tháng 1 năm 1258, quân Mông Cổ tới được Bình Lệ Nguyên.
Để tiến qua sông, địch chia lực lượng thành ba đội. Đội tiên phong do Triệt Triệt Đô cầm đầu vượt sông trước ở phía hạ lưu; Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy trung quân đột phá chính diện quân ta.
Đội thứ ba do phò mã Hoài Đô cùng A Truật chỉ huy chỉ huy tiến tiếp theo đánh vào phía sau quân ta.
Âm mưu của địch là nhử quân ta vượt sông giao chiến để chúng bao vây, cắt đường rút, hòng tiêu diệt hoàn toàn lực lượng quân ta, rồi tiến thẳng về Thăng Long.
Nhưng thực tế chiến trận lại không theo ý muốn của địch. Khi đội quân tiên phong của Triệt Triệt Đô vừa tới bờ sông liền bị quân ta đón đánh quyết liệt, buộc Ngột Lương Hợp Thai phải đưa đại quân ra tiếp ứng.
Trận chiến diễn ra rất ác liệt. Địa thế bằng phẳng tạo thuận lợi cho kỵ binh địch tung hoành.
Quân giặc cậy đông quân, ào ạt tấn công ta từ nhiều phía. Quân ta không hề nao núng, bình tĩnh, dũng cảm chống trả các đợt tiến công của địch, kiên quyết giữ vững trận địa.
Vua Trần Thái Tông bất chấp mưa đạn xông lên phía trước, đốc thúc tướng sĩ đánh giặc. Tướng Lê Tần cưỡi ngựa lao vào đánh giặc với sắc mặt bình thản như không.
Quân địch do phát huy được sở trường và quen chinh chiến, quân ta nhiều năm chưa chiến đấu với giặc ngoài nên khó tránh khỏi lúng túng, trận địa của ta mất dần trước sức đột kích mạnh của kỵ binh thiện chiến địch.
Tình thế cuộc chiến đặt quân ta vào sự lựa chọn: tiếp tục chiến đấu hay lui quân?
Có ý kiến đề nghị vua Trần Thái Tông hãy quyết chiến với kẻ thù tại đây.
Từ thực tế so sánh thế trận giữa ta và địch trên chiến trường, nhận thấy tiếp tục chiến đấu sẽ khó có thể trụ nổi với giặc, tướng Lê Tần, vị tướng gan dạ luôn xông pha chiến trận đã cố khuyên vua Trần Thái Tông tạm thời rút lui bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ có lợi để phản công:
“Như nay chỉ là bệ hạ dốc túi đánh nước cuối cùng thôi. Nên lánh đi, chớ nên nhẹ dạ tin người ta” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập II, tr. 29).
Lời khuyên này chứng tỏ Lê Tần là viên tướng tài ba, ông đã phát hiện sở trường và thế mạnh của kẻ thù, nhận rõ được thế ta, thế địch trong hoàn cảnh bấy giờ để đưa ra kế “tạm lánh” nhằm bảo toàn lực lượng, chờ thờ cơ sẽ tiến công tiêu diệt địch.
Nghe theo lời khuyên của Lê Tần, vua Trần Thái Tông quyết định cho quân lên thuyền xuôi theo dòng sông Cà Lồ.
Quân địch đuổi theo bắn loạn xạ. Lê Tần đi phía sau cho quân lấy ván thuyền cản tên bắn của giặc bảo vệ cho vua cùng quân ta rút lui về Phù Lỗ để tiếp tục lập phòng tuyến chặn đánh giặc.
Quân Mông Cổ không cướp được thuyền, không chặn được quân ta rút lui, âm mưu bắt sống vua Trần, tiêu diệt lực lượng của ta không thành, Ngột Lương Hợp Thai nổi giận kết tội tướng tiên phong Triệt Triệt Đô không thực thi đúng kế hoạch.
Triệt Triệt Đô hoảng sợ phải uống thuốc độc tự tử.
Hôm sau, ngày 18 tháng 1 năm 1258, tại Phù Lỗ, vua Trần đã cho phá cầu, lập trận địa ở hữu ngạn sông chặn địch.
Khi quân địch đến, chúng không còn cầu vượt qua sông và cũng không có thuyền, nên phải đi dọc bờ sông tìm chỗ nông để vượt qua.
Khi đã vượt qua sông, Ngột Lương Hợp Thai dốc quân tiến công trận địa quân Trần. Vua Trần Thái Tông một lần nữa cho quân rút về Thăng Long.
Tiếp đó, nhận thấy thế và lực của địch còn rất mạnh, ta chưa thể đánh bại được chúng, cũng không thể cố thủ ở kinh thành.
Để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ, triều đình quyết định lui quân khỏi kinh đô, theo sông Hồng về đóng quân ở vùng sông Thiên Mạc (Hưng Yên), củng cố lực lượng tiếp tục kháng chiến.
Sau thời gian chặn đánh địch, tạo điều kiện cho đại quân rút lui an toàn và đảm bảo cho triều đình và nhân dân rút khỏi Kinh thành Thăng Long, thực hiện kế sách vườn không nhà trống, không những bảo toàn được lực lượng, tạo thời cơ phản công mà còn đặt Ngột Lương Hợp Thai trước tình thế không thực hiện được chiến lược đề ra.
Khi quân Mông Cổ kéo vào kinh thành, lực lượng của ta đã rút hết.
Bọn giặc tìm thấy trong ngục những tên sứ mà Ngột Lương Hợp Thai đã sai vào Đại Việt trước kia.
Chúng đều bị trói bằng thừng tre lằn sâu vào thịt. Khi cởi trói ra, một tên đã chết. Bọn xâm lược Mông Cổ điên cuồng tàn phá Thăng Long để trả thù.
Sau gần một tháng hành binh, tác chiến, binh lực tiêu hao, người, ngựa mệt mỏi, lương thảo thiếu thốn, lại không nắm được tình hình và hành động của ta, quân Mông Cổ quyết định không ở lại trong kinh thành mà hạ trại ở phía đông, ven sông Hồng ở bến Đông Bộ Đầu để nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, nắm tình hình quân ta sau đó tiếp tục tiến công.
Đông Bộ Đầu là một bến thủy quân lớn ở liền sát kinh thành, trên bến có doanh trại thủy binh đóng (Đông Bộ đầu ở phía đông thành Thăng Long, khoảng từ dốc Hàng Than đến phố Hòe Nhai, quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội ngày nay).
Khi quân Mông Cổ tới Đông Bộ Đầu thì thủy quân và thuyền chiến của ta đã rời đi từ trước, chỉ còn doanh trại trống không.
Giặc đóng ở đấy. Nhưng giặc không thể vượt xa được để cướp lương ăn.
Từ khi để giặc vào Thăng Long, quân ta một mặt vây chặt không để giặc lọt ra ngoài, một mặt ráo riết chuẩn bị phản công.
Binh lực của Ngột Lương Hợp Thai có khoảng 3 vạn quân, gồm kỵ binh Mông Cổ và kỵ binh người Lô Lô hay Thoán Bặc (một tộc người Vân Nam – Trung Quốc).
Ngột Lương Hợp Thai cho dựng hàng ngàn lều trại lớn nhỏ bằng da thú ở bến Đông Bộ Đầu.
Đại bản doanh của Ngột Lương Hợp Thai đặt ở vị trí trung tâm, giữa những lều trại của những đội quân thân binh, vòng ngoài là trại của binh lính.
Cạnh các lều trại đều có tàu ngựa, yên cương luôn đóng sẵn; quân lính luôn ở tư thế sẵn sàng tham chiến.
Phía ngoài của khu đóng quân còn có ba tuyến canh gác thường trực, trên các ngả đường đến bản doanh đều đặt trạm cảnh giới.
Những đội kỵ binh nhỏ ngày đêm lùng sục quanh thành Thăng Long nắm tình hình , truy tìm vết tích đại binh của ta và tiến hành cướp lương thực… nhưng đều bị quân ta đánh lui.
Về phía quân ta, sau khi rút khỏi Thăng Long, triều đình nhà Trần cùng đại quân theo sông Hồng về đóng ở bãi sông Thiên Mạc (Thiên Mạc là tên cổ của khúc sông Hồng chảy giữa các tỉnh Hưng Yên và Hà Nam ngày nay) cách địch khoảng 30 – 35 ki lô mét về phía Nam.
Được nhân dân hết lòng che chở, giữ bí mật, quân ta tranh thủ thời gian tập trung bổ sung lực lượng, chỉnh đốn đội ngũ, sẵn sàng chờ lệnh là xuất quân.
Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ đã thu thập tất cả những quân khí ở trong thuyền của các gia đình đi lánh nạn để gửi ra cho quân đội.
Sau một thời gian rất ngắn khẩn trương chuẩn bị, lực lượng đã hồi phục, khí thế chiến đấu của quân ta lại bừng lên.
Trong khi đó, quân Mông Cổ bắt đầu khổ sở và lúng túng, sa sút tinh thần vì thiếu lương thực trong một tòa thành trống, bệnh tật phát triển và do không hợp khí hậu, sức chiến đấu giảm nhanh chóng.
Quân địch cố gắng tiến hành những cuộc cướp nống ra vùng xung quanh Thăng Long nhưng ở đâu chúng cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của nhân dân ta.
Chẳng hạn như khi quân Mông Cổ tiến đến Cổ Sở (nay là xã Yên Sở), nhân dân ở đây đã đoàn kết chiến đấu, bảo vệ xóm làng, đánh cho bọn địch phải bỏ chạy tan tác.
Đối với quân ta, lần đầu tiên giao chiến với kỵ binh Mông Cổ, trước thế tiến công ào ạt, hung hăng và áp đảo của địch, vua Trần và các tướng lĩnh như Trần Thủ Độ, Lê Tần, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư… ngày đêm suy nghĩ, phân tích những mặt mạnh, mặt yếu của địch, của ta để rút ra chiến lược, chiến thuật phù hợp và cách đánh hiệu quả nhất.
Quân Mông Cổ đóng ở Đông Bộ Đầu ngày càng gặp khó khăn do không nắm được tình hình quân ta, lương thảo ngày càng vơi cạn, tinh thần quân lính bắt đầu chán nản, dao động, còn Ngột Lương Hợp Thai chần chừ chưa quyết định tấn công.
Lúng túng, cùng quẫn, quân Mông Cổ lâm vào thế bắt buộc phải án binh bất động; mà động cũng không được vì bị quân ta vây chặt; không chết trận thì chết đói.
Điều kiện chủ quan và khách quan đó đã tạo nên một thời cơ tốt nhất để ta phản công tiêu diệt chúng.
Trước thời cơ đó, vua Trần Thái Tông họp bàn với các tướng lĩnh. Tướng Lê Tần, tướng Trần Khánh Dư cùng bộ chỉ huy tối cao nhiệt liệt tán thành kế hoạch “nhân cơ đánh úp giặc”.
Cuộc phản công dược nhanh chóng quyết định với quyết tâm cao của quân dân nhà Trần khẳng định qua lời nói của Thái sư Trần Thủ Độ với vua Trần:
“Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb Khoa học Xã hội, H.1971, tr.29).
Lời nói quả quyết, tràn đầy hào khí đã tạo niềm tin vững chắc, sức mạnh chiến thắng của quân ta được bộ chỉ huy quyết định cuộc phản công chiến lược bất ngờ diễn ra vào đêm 28 rạng 29 tháng 1 năm 1258.
Tham gia trận đánh quyết định này, bên cạnh vua Trần Thái Tông và Thái tử Trần Hoảng còn có nhiều vương hầu, tướng lĩnh chủ chốt như Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ, Lê Tần là những người thường xuyên có mặt tại đại bản doanh tại sông Thiên Mạc để cùng bàn bạc nghĩ kế đánh phòng và phản công.
Dưới quyền tiết chế của Trần Quốc Tuấn trong trận phản công chiến lược táo bạo này có khoảng gần 4 vạn quân gồm bộ binh, thủy binh và kỵ binh.
Sau khi đã xác định kế hoạch trận đánh úp, đúng ngày đã định, hai cánh quân thủy bộ bắt đầu xuất phát nhằm thẳng kinh đô tiến quân.
Cánh bộ chia làm hai mũi từ phía nam và phía tây chọc thẳng vào khu địch đóng quân; cánh thủy do vua Trần Thái Tông cùng các tướng chỉ huy đoàn binh thuyền từ Thiên Mạc theo sông Hồng đổ bộ lên Đông Bộ Đầu, triển khai đội hình tập kích vào doanh trại quân địch ở mặt đông.
Đêm 28 tháng 1 năm 1258, tiền quân nhà Trần đã tiến sát Thăng Long và tách làm hai hướng.
Khoảng 5 nghìn kỵ binh hợp thành một mũi tiến công về phía tây (mũi trái) khu đóng quân của địch.
Khoảng 3 nghìn bộ binh tiếp tục tiến sát khu địch đóng quân từ mặt nam (mũi phải).
Đến nửa đêm thì các mũi tiến quân của ta đã tiếp cận các tuyến canh gác của địch mà chúng vẫn không hề hay biết.
Mặc dù thủy binh và đạo quân chủ lực còn ở xa, nắm lấy thời cơ có lợi, tướng tiên phong Trần Khánh Dư lập tức hạ lệnh đánh úp thẳng vào trại giặc.
Đúng như kế hoạch, bộ binh và kỵ binh của ta thần tốc lao vào khu lều trại quân Mông Cổ. Kỵ binh của ta chớp nhoáng tiêu diệt kỵ binh địch; đồng thời từng nhóm bộ binh ta tổ chức bao vây tiêu diệt ngay trong lều trại của chúng.
Quân của Ngột Lương Hợp Thai hỗn loạn, bị động bất ngờ “người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên” chống lại một cách yếu ớt, hoảng loạn.
Tuy về số lượng quân ta ít hơn quân địch (chủ lực của ta gần sáng mới tới) nhưng do chủ động, tinh thần chiến đấu cao, cách đánh tài tình, táo bạo, chọn đúng thời cơ không cho địch kịp phát huy sở trường (thời điểm người tách khỏi ngựa), quân ta chiếm hoàn toàn ưu thế.
Mặc dù dốc sức đối phó, chống trả, đến sáng Ngột Lương Hợp Thai mới biết rõ đại quân của y đã bị thiệt hại hết sức nặng nề.
Trong lúc đó, sức mạnh của quân ta lại được tăng cường, chủ lực đến tiếp sức.
Thấy rõ nguy cơ bị tiêu diệt, lợi dụng quân ta đang triển khai lại đội hình thì tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh cho cho các tướng sĩ mở đường máu, rút chạy khỏi Thăng Long về hướng Bạch Hạc.
Quân giặc chạy lên ngã ba Bạch Hạc để theo đường bên phải sông Thao, chạy qua vùng Quy Hóa trở về Đại Lý.
Khi quân giặc chạy tới Bạch Hạc, Sơn Vi thì Phùng Lộc Hộ lại đem quân địa phương đánh đuổi chúng, giặc lại chạy lên Quy Hóa (Phú Thọ).
Chủ trại Quy Hóa là Hà Bổng (dân tộc Mường) cùng quân và dân bố trí đánh tập kích, giặc thua to.
Tàn binh giặc mất hết tinh thần chiến đấu, cố chạy thoát thân ra khỏi biên giới. Khi về đến Đại Lý, đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai chỉ còn lại khoảng 5 nghìn tên.
Khi đem tàn quân ra khỏi biên giới Đại Việt để về Đại Lý (Vân Nam – Trung Quốc), Ngột Lương Hợp Thai dừng chân tại thành Áp Xích (Côn Minh, Trung Quốc).
Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkhadai) – viên tướng bách chiến bách thắng của của Đại hãn Mông Ke từng làm mưa làm gió trên các chiến trường Á, Âu đã phải thua trận nhục nhã trên đất Đại Việt.
Đội quân xâm lược này tiến vào Đại Việt tuy không lớn nhưng có đến 50 viên tướng tá là thân vương, trong đó phải kể đến Abisca – con trai Thành Cát Tư Hãn.
Đạo quân hùng mạnh thiện chiến và nhiều tướng tài như vậy mà chỉ chiếm được thành Thăng Long có 9 ngày.
Trận đánh của quân dân nhà Trần đã hoàn toàn thắng lợi. Khoảng 2 vạn kỵ binh địch đã phải bỏ xác trên bến Đông Bộ Đầu.
Sáng 29 tháng 1 năm 1258 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ), vua Trần Thái Tông cùng các tướng lĩnh, binh sĩ tiến vào kinh thành vừa được giải phóng trong niềm hân hoan của nhân dân kinh đô.
Thắng lợi trong cuộc chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (năm 1258) thể hiện ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, mưu lược vô song của quân và dân Đại Việt dưới sự chỉ huy tài giỏi của vua Trần Thái Tông và các quần thần, trong đó có vai trò rất to lớn của Thái sư Trần Thủ Độ.
Ngày 5 tháng 2 năm 1258 (mồng 1 Tết Mậu Ngọ), tại Thăng Long, triều đình nhà Trần tổ chức lễ mừng thắng trận và phong thưởng cho tướng sĩ đã có công lao trong trận thắng vừa qua.
Lê Tần được phong chức Ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu, được đổi gọi là Lê Phụ Trần.
Vị thủ lĩnh người dân tộc miền núi ở trại Quy Hóa là Hà Bổng cũng được phong tước hầu, Trần Khánh Dư được khen thưởng vì đã có công thừa cơ tập kích giặc.
Trong số những người được khen thưởng có những người là dân thường nhưng rất kiên cường, anh dũng tiêu biểu cho khí phách anh hùng và sức mạnh chiến đấu của đông đảo nhân dân yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc như Phùng Lộc Hộ và bảy anh em họ Lỗ đã cùng nhân dân địa phương ngoan cường đánh địch từ khi chúng tiến công tới và khi chúng rút chạy.
Riêng Phùng Lộc Hộ hy sinh trong chiến đấu, được nhà vua đặc biệt gia phong tước “Lân Hổ đô thống đại vương” và khen tặng tám chữ “Nam thiên tráng khí, Bắc khấu hàn tâm” (Trời Nam khí mạnh, giặc Bắc lòng run).
Cùng với Kinh đô Thăng Long, quân và dân cả nước ta vui mừng phấn khởi, tự hào cùng đón những ngày đầu năm chiến thắng.
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất của quân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi mà Đông Bộ Đầu là trận có tính chất quyết định.
Cuộc xâm lược Đại Việt của đế quốc Mông Cổ bước đầu thất bại, việc tạo dựng gọng kìm để tấn công vào phía Nam nước Tống cũng bị bẻ gãy.
Chiến thắng Đông Bộ Đầu năm 1258 thời Trần là thắng lợi hiển hách đầu tiên của những nước bị đế quốc Mông Cổ xâm lược.
Đây cũng là thất bại đầu tiên của đế quốc Mông Cổ trong cuộc trường chinh chiếm gần 50 nước từ Á sang Âu.
Quân giặc đánh đâu thắng đấy, nếu đánh một lần chưa được thì đánh liên tiếp lần khác cho tới khi giành thắng lợi.
Vậy mà đối với Đại Việt sau lần thất bại này (1258), giặc Mông Nguyên phải chùn bước, mãi gần 30 năm sau chúng mới dám mở cuộc tiến công xâm lược lần thứ hai (1285).
Thắng lợi đó đã khẳng định chân lý một nước nhỏ nhưng anh dũng và thông minh, biết đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đoàn kết các dân tộc hoàn toàn có khả năng đánh bại các cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh.
Tài liệu tham khảo chính:
– “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội – 1971
– “Những trận đánh điển hình trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Thăng Long – Hà Nội”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2009.