Theo cuốn “danh nhân đất Kinh Bắc”, Nguyễn Nghiêu Tư còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Trư và tên gọi dân gian là Trạng “Lợn”. Ông có hiệu là Tùng Khê người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Tương truyền lúc nhỏ theo cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10 (tháng Hợi) nên đặt tên là Nguyễn Văn Trư và thường gọi là cậu Lợn (chữ Hán “trư” nghĩa là lợn). Từ nhỏ, Nguyễn Nghiêu Tư đã nổi tiếng là người ham học, hiểu sâu. Thời đó, ở cạnh làng ông là làng Yên Đinh đất học, một hôm có cụ đồ sang chơi và ra cho trạng vế đối, mang đề tài lợn: Lợn cấn ăn cám tốn. Nghĩa là lợn có chửa ăn hết nhiều cám nhưng Cấn và Tốn là hai quẻ trong bát quái. Trạng đối ngay: Chó khôn chớ cắn càn.
Câu đối xấc xược làm cụ đồ cay đắng, song vế đối chỉnh quá, chó khôn đừng cắn bậy, mà Khôn và Càn cũng là hai quẻ trong bát quái. Cụ đồ khuyên bố mẹ Trư cho Trư đi học. Chính cụ đồ bị ông đối xược ấy đã nhận dạy ông năm mới 8 tuổi, ông học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép, chuyên cần. Khi ở nhà, lúc nào ông cũng chăm lo đèn sách, khi ra ao rửa bèo, ra vườn hái rau, tay vẫn cầm cái que nhọn vạch xuống đất hoặc viết vào lá chuối, lá khoai những chữ khó nhớ. Đến khi “biết chữ”, thầy đồ gửi ông ra học cụ Vũ Mộng Nguyên, người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, đỗ Thái học sinh và không làm quan nhà Hồ mà về dạy học. Ông là học trò tiêu biểu nhất của cụ Vũ Mộng Nguyên, đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông. Ông được nhà vua đổi tên là Nguyễn Nghiêu Tư.
Năm 1459, Lê Nghi Dân giết vua tiếm vị, sai ông đi sứ cầu phong. Khi sang, vua Minh hạch rằng: Sao lại dám giết em mà tranh ngôi vua? Nghiêu Tư trả lời: Đường Thái Tông giết cả anh là Kiên Thành, em là Nguyên Cát là việc cũ của thiên triều, thì việc nước tôi ngày nay có gì là lạ? Thấy sứ thần Đại Việt trả lời rất đúng lý, vua nhà Minh đành nhận phong vương. Khi đoàn sứ thần ta tới ải Nam Quan, viên coi cửa ải nhà Minh ỷ thế nước lớn, ngạo mạn treo lên cửa quan một chữ thập lớn bằng gỗ mà không mở cửa đón tiếp. Trạng nói: Ý các người muốn coi người Minh là “tung hoành vũ trụ”. Đã vậy thì Đại Việt ta đây “bao quát càn khôn”, sai người bện một cái vòng tròn lớn bằng lụa tết mắc lên đầu chữ thập, cả chữ thập lọt trong vòng tròn ấy.
Viên quan coi ải khiếp phục, mở cửa nghênh tiếp sứ giả. Vào đến Yên Kinh, Trạng vào yết kiến vua Minh. Nhà vua muốn thử tài sứ giả, ngầm sai trong hoàng cung quán lịch sự, đề hai chữ Kính Thiên treo ở giữa, bày đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh đặt nghi vệ sang trọng như chỗ giường ngủ của thiên tử, để xem Trạng có dám ngồi đó không. Khi sắp yến tiệc, họ đưa Trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, quan nhà Minh ra hoạch: Cớ sao sứ thần lại ngược ngạo, vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ gì? Trạng bình thản trả lời:
– Dám thưa, ngài lấy cớ gì cho sứ thần tôi là ngạo? Biển đề hai chữ Kính Thiên, chiết tự ra là kính nhị nhân (chữ thiên là trời, tách ra là hai chữ nhị nhân là hai người) thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại. Ngài dạy thế chúng tôi quyết không chịu. Vả nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe Thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà sứ giả nước xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng dẫu có lòng thực hướng mộ cũng sinh nghi mà không lại nữa.
Viên quan nhà Minh thấy Trạng nói chẻ hoe như đã rõ gan một từ trước, nên vội vàng:
– Xin quý ngài xá lỗi. Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem ngài có phải là bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà biết trước được như thế còn hề chi?
Lời bàn về “Trạng lợn” Nguyễn Nghiêu Tư
Theo sử cũ thì ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Nghiêu Tư là người chăm lo đèn sách, khi ra ao rửa bèo, ra vườn hái rau, tay vẫn cầm cái que nhọn vạch xuống đất hoặc viết vào lá chuối, lá khoai để học những chữ khó nhớ. Sau khi học thầy đồ làng, Nghiêu Tư được đưa ra học cụ Vũ Mộng Nguyên, người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du (từng đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan dưới thời nhà Hồ). Sau đó, Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), đời Lê Nhân Tông và làm quan đến chức Hàn lâm trực học sĩ, An phủ sứ lộ Tân Hưng Thượng. Khi về trí sĩ, nhà vua thấy ông có công lớn với xã tắc, lại là người ứng đối thông minh, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tính cách ngạch trực, in đậm truyền thống văn hiến và cốt cách dân tộc nên gia phong là Thượng quốc công Trạng nguyên.
Tuy nhiên, điều đọng lại sau giai thoại trên là việc hậu thế không thể không thừa nhận Nguyễn Nghiêu Tư là một tấm gương về sự học, vượt nghèo khó để học. Nếu ai đó hiểu được rằng vì sao vào thời phong kiến mà con trai một người bán thịt lợn (vẫn gọi nghề này là “đồ tể”) lại có thể là học trò của một thái học sinh, thậm chí trở thành một trạng nguyên? Câu trả lời rằng, bởi thời đó ngoài việc trò chọn thầy giỏi thì vẫn có chuyện thầy chọn trò giỏi. Và việc chọn của thầy là vì trò giỏi chứ không vì gia đình nhà trò giàu. Tóm lại, thời đó chưa có chuyện dạy thêm tràn lan và không phải học phí theo kiểu máy chém như bây giờ. Bởi thế mọi người hoàn toàn có thể theo thầy đèn sách để trở thành trạng nguyên, thành tiến sĩ. Có lẽ cũng vì thế cho nên thời ấy không có bằng tú tài hay đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ giả và cũng không có chuyện học giả nhưng bằng thật như bây giờ.
N.V (Theo Báo Bình Phước)