Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1240- 1294), là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là công chúa Thuận Thiên. Ông cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông.
Năm 1258, Trần Quang Khải được phong làm Chiêu Minh đại vương. Khi đó, ông mới 17 tuổi, chưa tham gia nhiều vào chính sự. Nhưng chỉ ba năm sau, Quang Khải trở thành chàng trai đầy bản lĩnh, được phong làm Thái úy, sau được cử đi cai quản vùng đất Hoan Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).
Đầu năm 1271, Trần Quang Khải được phong làm Tướng quốc Thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước.
Năm 1278, ở tuổi 37, Trần Quang Khải ghi dấu ấn trong tài ngoại giao. Lúc đó, quân Nguyên muốn thôn tính Đại Việt cử người sang “răn đe” nước ta. Thái độ ung dung, niềm nở còn làm thơ tặng “khách” vô cùng khôn khéo của ông khiến quân địch không thể viện cớ gì để đem quân sang xâm lược Đại Việt.
Năm 1285, trong kháng chiến chống Nguyên-Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông phong ông chức Thượng tướng Thái sư.
Trong cuộc chiến này, vị tướng tài Trần Quang Khải góp nhiều công lớn. Ông giữ vai trò nổi bật trong trận phòng thủ Thanh Hóa, Nghệ An và trận đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương độ.
Trận đánh tại Chương Dương của Trần Quang Khải là trận lớn vào bậc nhất, sau đó quân nhà Trần thừa thế tấn công, giải phóng kinh đô Thăng Long quét sạch quân xâm lược Nguyên – Mông khỏi đất nước.
Không chỉ giỏi việc đánh giặc, Trần Quang Khải còn có tài làm thơ. Trong số đó, nổi bật nhất là bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư nổi tiếng: “Chương Dương cướp giáo giặc /Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.
Điều khá thú vị ở chỗ là một vị tướng cầm quân xông pha khắp trận mạc đánh giặc, nhưng theo nhận xét của nhà sử học Phan Huy Chú, thơ Trần Quang Khải lại “thanh thoát, nhàn nhã”, “sâu xa, lý thú”.
Tháng 7/1294, Trần Quang Khải qua đời vì bệnh, hưởng dương 54 tuổi. Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục viết: “Quang Khải lúc làm tướng võ, khi thì làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh sánh ngang với Quốc Tuấn”. Phan Huy Chú viết: “Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất”.