Tên của vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn được đặt tên cho 1 con đường mà ai ở Cầu Giấy, Hà Nội đều biết.
Vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn là ai?
Với những người sinh sống ở Hà Nội, ai nấy đã quá quen với con đường mang tên nhà khoa bảng Vũ Phạm Hàm nối dài từ ngã tư giao với đường Trung Kính đến cầu 361 tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đây là 1 nhân vật từng đỗ đầu trong ba kỳ thi Hương, Hội, Đình và cũng là vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn.
Theo đó, trong lịch sử, Triều Lê có Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Trạng nguyên Vũ Dương, Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Ở thời Nguyễn, thì Đôn Thư Vũ Phạm Hàm là 1 trong 3 vị Tam Nguyên, bên cạnh Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến
Cụ thể, Nguyễn Khuyến (1835 – 1910) đỗ đầu thi hương (trường thi Hà Nội, 1864), thi hội và thi đình (1871) với học vị hoàng giáp; Trần Bích San (1838 –1877) đỗ đầu thi hương (trường thi Nam Định, 1864), thi hội và thi đình (1865) với học vị hoàng giáp; Vũ Phạm Hàm (1864 – 1910) đỗ đầu thi hương (1884), thi hội và thi đình (1892) với học vị thám hoa. Như vậy, ở Triều Nguyễn chỉ có Thám hoa Vũ Phạm Hàm là Tam nguyên Đệ Nhất giáp còn Nguyễn Khuyến và Trần Bích San đỗ đệ nhị giáp.
Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906) có tự là Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu là Thư Trì. Ông sinh ra là người xã Đôn Thư, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội (nay là làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội).
Sau khi đỗ Thám hoa năm 1892, Vũ Phạm Hàm được thăng Hàn lâm viện Thị giảng, bổ làm Đốc học tỉnh Hà Nội.
Trong suốt hơn 20 năm quan lộ của mình, Thám hoa Vũ Phạm Hàm đã nắm giữ hàng loạt chức vụ như: Giáo thụ phủ Kiến Thụy, Đốc học Hà Nội, Án sát Hải Phòng, Án sát Hưng Hóa, Án sát Hải Dương…
Dẫu vậy, suốt thời gian làm quan ông luôn có mong muốn trở về quê vui thú điền viên. Nỗi lòng đó được ông gửi gắm vào thơ phú, đặc biệt là cuốn “Tập Đường thuật hoài”. Ông bị bệnh mất vào ngày 8/7/1906 (tức ngày 17 tháng 5 năm Bính Ngọ), sau đó được truy tặng hàm Tham tri, thụy Trang Khải.
Suốt cuộc đời hơn 40 năm của mình, ông đã để lại nhiều trước tác như: Kinh sử thi tập, Thám hoa văn tập, Thư Trì thi tập, Mộng Hồ gia tập, Mộng Hồ thi tuyển, Hưng Hóa tỉnh phú, Tuyên Quang tỉnh phú, Hương Sơn phong cảnh phú, Tập Đường thuật hoài…
Những trước tác của Vũ Phạm Hàm thể hiện tâm tư, hoài cảm của 1 nhà Nho trước cảnh thay đổi của đất nước khi cái cựu học đang bị cái tân học thay thế. Những tác phẩm của ông còn thể hiện nỗi chán chường chán chường công danh và khao khát cuộc sống vui thú điền viên, thể hiện rõ tâm trạng của vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn xem vinh hoa, phú quý tựa phù vân.
S.H (Theo Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo)