Vua Dục Đức được xem là vị vua có số phận bi thảm nhất trong 13 đời vua Triều Nguyễn khi bị phế truất chỉ sau 3 ngày tại vị và thậm chí còn bị bỏ đói ngay sau đó.
Vốn dĩ Vua Tự Đức có tới 300 người vợ nhưng lại không có con nối dõi nên đã nhận 3 người cháu làm con nuôi, trong số đó, người lớn nhất là Nguyễn Phúc Ưng Chân. Hoàng Tử Ưng Chân sinh ngày 23/2/1852, một số tài liệu thì ghi lại ông sinh ngày 11/2/1853 và được vua Tự Đức nhận làm con nuôi năm 17 tuổi. và được phong là phong là Thụy Quốc Công vào năm 1883.
Tuy lớn tuổi nhất nhưng Nguyễn Phúc Ưng Chân không được lòng cả vua cha lẫn bá quan văn võ cũng như ít có khả năng nối ngôi. Người con thứ 3 vốn được cho là người mà vua cha muốn truyền ngôi là Nguyễn Phúc Ưng Đăng lại còn quá nhỏ nên trong thời điểm rối ren do bị Pháp xâm lược, vua Tự Đức đã ban chiếu chỉ, chọn Thụy Quốc Công nối ngôi vào ngày 15/7/1883. Lúc này, vua Tự Đức đã lâm trọng bệnh.
Đáng nói trong chiếu truyền ngôi, Vua Tự Đức đã có những lời phê bình tính nết của tự quân, cho rằng vị vua tương lai này có nhiều tật xấu: “Ưng Chân đã trưởng thành nhưng có tật ở mắt nên hành vi mờ ám, sợ là sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt, chưa chắc đã đảm đương được việc lớn.”
Chính lời phê bình này đã gây hưởng rất lớn tới uy tín của vị vua mới với triều đình.
Sau này, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết được vua Tự Đức giao cho làm quan phụ chính cho tân đế. Nhận thấy Trước kia vua Tự Đức không yêu mến Hoàng Tử Ưng Chân, Nguyễn Văn Tường thấy tỏ khinh thường Hoàng Tử ra mặt. Thêm việc Tôn Thất Thuyết không ưa tân đế, vậy là hai vị quan phụ chính đã bàn nhau, lập kế phế đế.
Vào ngày đọc chiếu truyền ngôi, Trần Tiễn Thành đọc lược một số đoạn “không cần thiết” theo yêu cầu của vua, thế nên hai quan phụ chính đã yêu cầu dừng lại. Trần Tiễn Thành bị truy tội làm giả di chiếu của tiên đế và bị xử nặng. Ngay sau đó, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã thảo sớ luận tội vua, nêu rõ lên bốn tội lớn của vua Dục Đức: “Sửa lại di chiếu của vua cha, có đại tang lại mặc áo màu, tự tiện đưa giáo sĩ vào Hoàng Thành và thông dâm với cung nữ của cha. Vua Dục Đức bị phế truất khi chỉ mới lên ngôi được 3 ngày”.
Vì vậy chỉ sau 3 ngày tại vị, vua Dục Đức bị phế truất và bị giam ở Dục Đức Đường, rồi bị đưa đến tới Viện Thái Y rồi tới Ngục Thất. Vua Dục Đức thậm chí còn không được cho ăn, sau đó gần một tháng thì qua đời, tuy nhiên người đời lại truyền rằng ông tuyệt thực mà đi.
Hưởng dương 32 tuổi, thi thể vua Dục Đức được bó trong chiếu rách, mang chôn. Tuy nhiên, khi hai tên lính đưa thi thể vua đến đầu làng An Cựu, ngoại thành Huế thì xác vua rơi xuống bên khe nước nông. Tin rằng đây là nơi yên nghỉ do vua tự chọn, người ta chỉ chôn cất ông qua loa cho xong việc, dần dần nơi đây trở thành phần đất bằng do không ai chăm sóc. Có lần, một người ăn mày đói chết, gục ngay trên mộ vua, vì không biết đây là mộ vua nên người dân đã chôn người ăn mày ngay trên mộ vua.
Mãi sau này, khi vua Thành thái lên ngôi, ông mới lần theo dấu vết và lời kể lại để tìm mộ vua cha.
Tuy nhiên, khi đào lên, người ta lại phát hiện tới hai bộ hài cốt. Vì thế, vua Thành Thái đành cho người ta lấp đất lại, xây nơi đó thành An Lăng. Vua Dục Đức được an táng cùng người ăn mày tại đây.
Câu chuyện về cuộc đời bi kịch của Dục Đức, tới khi chết cũng phải nằm chung cùng lăng với một ông lão ăn mày khiến nhiều người không khỏi xót xa.