Mỗi sáng, ông vua này thường chỉ húp bát cháo loãng. Có những lúc ra ngoài kinh thành, ông xuống thuyền ăn cùng binh lính.
Theo sách “Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn”, Gia Long là vị vua có thói quen ăn uống rất đơn giản. Mỗi sáng, vua thường chỉ húp bát cháo loãng. Có những lúc ra ngoài kinh thành, vua xuống thuyền ăn cùng binh lính.
Quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên được sử dụng dưới thời vua Gia Long. Theo đó, sau khi thành lập nhà Nguyễn, vua Gia Long đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Việt Nam năm 1804.
Theo sách “Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”, quốc hiệu Việt Nam tồn tại trong 35 năm, dưới 2 đời vua triều Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng. Đến năm 1839, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu nước ta thành Đại Nam.
Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh. Ông là con trai của vương tử Nguyễn Phúc Luân, cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nguyễn Phúc Ánh thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh, người đã sáng lập triều Nguyễn ở nước ta (1802-1945).
Ngay sau khi nhà Nguyễn được thành lập, vua Gia Long chọn vùng đất Phú Xuân (Huế) làm nơi đóng đô, cho xây dựng kinh thành Huế. Công trình này được khảo sát năm 1803, khởi công năm 1805, hoàn thành năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng.
Cuối năm 1819, vua Gia Long ốm nặng rồi qua đời. Trước khi mất, ông truyền ngôi lại cho con thứ là Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng). Minh Mạng trở thành vị vua giỏi trị nước, xây dựng được quốc gia Đại Nam phồn thịnh, hùng mạnh bậc nhất trong khu vực.