Xem chùm ảnh quý này ít người có thể nhận ra nổi Hồ Gươm

Xưa

Ít ai biết rằng, hơn một thế kỉ trước, Hồ Gươm đã từng mang một diện mạo rất khác.

Linh hồ của đất kinh kỳ

Hồ Hoàn Kiếm, còn được gọi là ʜồ Gươɱ là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha.

Hồ Gươm sơ sài vào đầu thế kỉ XX

Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt). Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần.

 

 

Một góc chợ hoa bên bờ hồ xưa

Theo truyền thuyết, trong một lần vua Lê Lợi dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần và rùa lặn xuống nước biến mất. Từ đó hồ được lấy tên là hồ Hoàn Kiếm. Tên hồ còn được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.

Phố đi bộ trước kia được quy hoạch thành một công viên

Đầu thế kỷ 20, lòng hồ vẫn là chốn mưu sinh của một số ngư dân Hà Nội.

Thời ấy, người dân vẫn được phép đánh bắt cá trên hồ

Cầu Thê Húc thuở còn tạm bợ

Đến Hồ Gươm mà chưa qua cầu Thê Húc thì quả là một thiếu sót lớn. Nhưng không giống với nhịp cầu “màu son, cong cong như con tôm” quen thuộc, cầu Thê Húc 1 thế kỷ trước vẫn trong dáng hình tạm bợ, sơ sài.

Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng cây cầu tên Thê Húc nối bờ hồ với đền Ngọc Sơn. “Thê Húc” có nghĩa là “ngưng tụ hào quang”. Lúc này, cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

 

 

Cầu Thê Húc khi chưa có lan can (Ảnh chụp năm 1884)

Tết Nhâm Thìn 1952, cầu Thê Húc bị sập do người đi lễ quá đông, thị trưởng Hà Nội là ông Thẩm Hoàng Tín cho phá bỏ, xây dựng cầu mới dựa trên bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm. Cầu vẫn được thiết kế theo dáng vòng cung, nhưng có độ cong lớn hơn cây cầu cũ và vẫn giữ nguyên 16 hàng cọc. Tuy các dầm ngang và dọc đã được đúc bằng bê tông nhưng mặt cầu và thành cầu vẫn được làm bằng gỗ.

 

 

Cầu được xây mới lại năm 1952
Cầu mới khi vừa được hoàn thành

Cầu Thê Húc dẫn đến đền Ngọc Sơn qua cổng Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) nằm chếch dưới những tán đa cổ thụ um tùm. Đây là những địa điểm thu hút nhiều người vào các ngày cuối tuần, lễ Tết. Tuy nhiên khu vực quanh cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn khác rất nhiều so với ngày nay.

Ở góc này, nhiều người chưa chắc đã nhận ra cầu Thê Húc – đền Ngọc Sơn
Cổng Đắc Nguyệt Lâu dẫn vào đền Ngọc Sơn

Chùa Báo Ân – ngôi chùa “đoản mệnh”

Mang trong mình nhiều kỷ lục nhưng chùa Báo Ân chỉ tồn tại vài chục năm bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Chùa được xây năm 1842 do Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Quang Giai đứng ra quyên góp tiền. Sau khi khánh thành, chùa có quy mô bề thế vào loại bậc nhất Hà thành khi ấy với 36.000 m2 đất, gồm 150 gian, 36 nóc. Năm 1892, chùa bị Pháp phá hủy để xây bưu điện (nay là Bưu điện Thành phố Hà Nội) và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ).

Chùa Báo Ân bề thế trong quá vãng

Dấu tích còn sót lại của ngôi chùa là tháp Hòa Phong ở sau chùa. Tháp Hòa Phong cao 3 tầng. Tầng 1 có 4 vòm cửa, gọi là tứ môn tháp, tầng 2 có 4 góc xây trụ vuông đặt tượng 4 con nghê hướng về phía Đông, tầng 3 ghi “Hòa Phong tháp”.

Tháp Hòa Phong vào thế kỷ 19
Dấu tích còn lại thời nay trên đường Đinh Tiên Hoàng

Nằm giữa lòng Hà Nội, giữa phố xá ồn ào nhưng Hồ Gươm như một quần thể tách biệt với những khu còn lại, thực yên bình và thơ mộng. Đó cũng là một trong những lý do thu hút nhiều người dân đến dạo chơi, thư giãn, tập thể dục, hoặc ngồi ghế đá hàn huyên và ngắm cảnh hồ… Nét đẹp trăm năm trên lịch sử ngàn năm ấy chẳng hề phai nhạt theo thời gian.